Xã hội

Vì sao báo chí lâm cảnh khốn khó?

20/06/2017, 16:02

Google, mạng xã hội và thói quen tiếp cận thông tin của người đọc đang đưa ra lời cảnh báo với báo chí...

6

Google và Facebook-hai ông lớn đang thống trị gần 1 nửa doanh thu quảng cáo số trên toàn cầu

Trong gần 10 năm liên tục, doanh thu quảng cáo từ báo in toàn thế giới đã ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, thị phần quảng cáo trực tuyến từ báo điện tử cũng khá ảm đạm, tăng trưởng kém và chỉ tập trung vào một số ông lớn về công nghệ. Vì sao báo chí thế giới cũng như Việt Nam lại lâm vào cảnh khốn khó như hiện nay?

Doanh thu quảng cáo tiếp tục sụt giảm

Doanh thu quảng cáo trên các loại báo inbắt đầu giảm mạnh từ những năm 2008 - 2009. Nhiều tòa soạn khi đó vẫn nhem nhóm hy vọng rằng mọi chuyện sẽ trở về như cũ cho đến khi nền kinh tế thế giới hồi phục.Thế nhưng, trong suốt 8 năm qua, hy vọng của các tòa soạn vẫn bặt vô âm tín. Doanh thu quảng cáo trên báo chí tiếp tục sụt giảm bất chấp sự ấm lên của nền kinh tế.

Chỉ riêng trong năm 2016, doanh thu từ quảng cáo trên báo New York Times đã giảm 19% trong quý III, báo Gannett sụt giảm là 15%, tờ Postmedia là 21% và McClatchy là 17% (theo số liệu thống kê của Joshua Benton tháng 11​/2016).

Thực tế, có những tòa soạn vốn trước đó chỉ sống nhờ tiền kiếm được từ quảng cáo trên báo in đã buộc phải cắt giảm nhân sự, thậm chí phải đóng cửa do thất thu và không thể cáng đáng được lương và nhuận bút cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.

Đứng trước sự thoái trào của báo in, phần đông các tờ báo trên thế giới đã chuyển sang mô hình xuất bản tin bài trên môi trường điện tử. Một số tòa soạn (vẫn nhận được tài trợ từ nhà nước, các tổ chức chính trị) vẫn duy trì cả hai loại hình báo in và báo mạng nhưng cũng đang buộc phải tính đến chuyện loại bỏ báo giấy do số độc giả ngày càng ít, các tờ báo in ra chủ yếu chỉ để phát miễn phí nhưng cũng không còn mấy ai mặn mà.

Trong khi đó, doanh thu từ quảng cáo trên các trang báo mạng cũng không được như mong đợi. Thị phần quảng cáo trực tuyến chủ yếu rơi vào tay các ông lớn về công nghệ thông tin như gã khổng lồ về tìm kiếm trực tuyến Google (Mỹ), Baidu (Trung Quốc), mạng xã hội Facebook, Twitter hay từ các ứng dụng thịnh hành trong kỷ nguyên số như: Snapchat, Instagram...

Doanh thu từ quảng cáo trực tuyến của các báo điện tử chỉ chiếm một phần nhỏ trong hơn 50% tổng doanh thu từ quảng cáo trực tuyến trên toàn cầu. Ngoài đối thủ mạnh nhất là Google và các mạng xã hội lớn, các trang báo mạng chính thống cũng phải cạnh tranh với nhiều đối thủ trong cùng lĩnh vực cũng như hàng chục tỷ website đủ các thể loại, trong đó có cả các website chuyên đăng tải các thông tin giả mạo, giật gân để kiếm quảng cáo.

7

 

Các đối thủ nặng ký của báo điện tử

Một báo cáo mới nhất được công ty nghiên cứu thị trường eMarketer công bố vào cuối tháng 3/2017 cho thấy, Google và mạng xã hội Facebook đã thống lĩnh gần 1 nửa doanh thu quảng cáo số của toàn cầu.

Cụ thể, Google và Facebook chiếm tới 46,4% tổng chi phí quảng cáo số toàn cầu của các nhà quảng cáo. Theo dự báo của eMarketer, Google và Facebook sẽ tiếp tục thu về hơn 106 tỷ USD từ quảng cáo số trong năm 2017 này (cụ thể, Google có thể sẽ kiếm được 72,69 tỷ USD, Facebook sẽ kiếm được 33,76 tỷ USD).

Theo dự báo của eMarketer, chi tiêu của các nhà quảng cáo trên các định dạng kỹ thuật số trên toàn cầu sẽ tăng 17,4% lên 583,91 tỷ USD (tăng tương đương 38,3% toàn bộ ngân sách quảng cáo toàn hành tinh). Ứng dụng Snapchat (chia sẻ tin nhắn, hình ảnh, video) dự kiến ​​sẽ kiếm được nhiều tiền từ quảng cáo trong năm 2017, tăng doanh thu lên 900 triệu USD (tương đương 163,3%). Các công ty công nghệ trực tuyến của Trung Quốc như Alibaba, Baidu và Tencent cũng đang vươn lên, dự kiến sẽ kiếm được 35,82 tỷ USD từ quảng cáo trong năm nay.

Nhà phân tích dự báo cấp cao của eMarketer - bà Shelleen Shum cho hay, chính điện thoại di động và các thiết bị công nghệ số cầm tay hiện đại và các nội dung video đã mang tới sự thống trị cho Facebook, Google.

Cũng theo eMarketer, trong tương lai gần, chỉ có một số đối thủ tiềm năng khác có thể trực tiếp cạnh tranh với Facebook và Google là 3 công ty lớn của Trung Quốc, Baidu, Alibaba và Tencent (viết tắt là BAT).

Việc gọi các đại gia công nghệ thông tin như Google, Facebook và nhiều công ty công nghệ số, mạng xã hội khác trên thế giới là những đối thủ không cân xứng của báo điện tử vì họ là những người đi đầu trong sáng chế, ứng dụng và khai thác quảng cáo từ những nền tảng do chính mình tạo ra. Báo chí đang bị những ông lớn này “cướp” khách hàng quảng cáo do không có công nghệ quy mô, tinh vi trong đấu trường này.

Trong khi đó, một số công ty như Google lại chính là nhà cung cấp nền tảng và công cụ để nhiều tòa soạn báo hoạt động (nền tảng Gmail, mạng Google+; bộ kiểm đếm, phân tích lượng truy cập Google Analytics, thậm chí phân phối từ khóa hỗ trợ marketing Google Adwords, máy tìm kiếm từ khóa cho chính các báo điện tử....). Khi đã nắm được công nghệ, một ông lớn như Google hoàn toàn có thể chi phối được sự phát triển của bất cứ trang báo mạng nào. Đương nhiên, khi ấy, vấn đề thị phần doanh thu từ quảng cáo số cũng sẽ do nhưng “đại gia công nghệ” này kiểm soát.

Vũ khí của Google, mạng xã hội và lời cảnh báo với báo chí

Doanh thu từ quảng cáo số mà các công ty công nghệ và mạng xã hội chiếm gần 1 nửa doanh số trong thị trường toàn cầu, là thành quả mà họ có được từ những sáng chế, phát minh mang tính chất thời đại, được thai nghén, nghiên cứu và triển khai theo một chiến lược hết sức bài bản, xuyên suốt và vô cùng tinh vi.

Để đạt được những thành quả như hôm nay, các công ty như Google và Facebook đã sử dụng những vũ khí bí mật gì? Theo các nhà nghiên cứu, nền tảng để những gã khổng lồ công nghệ thông tin này thu hút được người dùng, qua đó từng bước chiếm lĩnh thị phần quảng cáo số trên toàn cầu chính là kỹ thuật và cách thức sử dụng những thông tin mà họ đã thu thập được từ người dùng.

Khi người dùng bắt đầu tham gia vào một mạng xã hội (Facebook, Youtube, Instargam, Snapchat... hay muốn sở hữu một địa chỉ email do Google cung cấp), thông tin cơ bản mà họ cần có để có thể đăng ký, đăng nhập thành công là số điện thoại hoặc thư điện tử (email).

Hai điều kiện quan trọng này về cơ bản chứa đựng những dữ liệu về cá nhân người dùng như quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, ngành nghề công tác, tình trạng hôn nhân, khả năng tài chính, sở thích, thói quen, thiên hướng mua sắm... Từ đó, các công ty công nghệ có thể phân hạng, đưa họ vào những nhóm đối tượng có tiềm năng phục vụ mục tiêu quảng cáo cho các đối tác của mình nhằm tối ưu hóa hiệu quả quảng cáo.

Ví dụ, khi bạn sử dụng trình duyệt Chrome của Google để tìm kiếm một sản phẩm nào đó cần mua, Google sẽ ưu tiên hiển thị các trang web bán hàng là đối tác hoặc do Google đang cung cấp dịch vụ marketing. Đáng chú ý, trong vòng vài ngày, sau đó, bất cứ khi nào bạn mở trình duyệt này để lướt web, Chrome cũng sẽ hiển thị các quảng cáo có liên quan cho đến khi bạn dừng tìm kiếm sản phẩm.

Trong khi đó, ngoài những chiêu thức gây nghiện người dùng của các mạng xã hội, việc thường xuyên online cũng khiến cho thói quen của độc giả, đặc biệt là lớp người đọc trẻ tuổi thay đổi. Thay vì vào một tờ báo mạng theo dõi tin tức như cách đây vài năm, lớp trẻ ngày càng có xu hướng tiếp nhận tin tức từ mạng xã hội bởi chỉ cần vài cái vuốt tay họ có thể đã nắm được tất cả các thông tin, sự kiện vừa xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Đây chỉ là một ví dụ rất nhỏ lột tả cách thức các công ty công nghệ thông tin đang thống trị thế giới kể cả về mức độ ảnh hưởng cũng như khả năng kiếm tiền quảng cáo vẫn đang âm thầm tiến hành. Điều này cũng nhắc nhở đội ngũ báo chí trong kỷ nguyên số rằng, cuộc cạnh tranh của họ với những ông lớn về công nghệ thông tin trong thời gian tới sẽ tiếp tục rất khó khăn trong bối cảnh phần thắng và cơ hội chiến thắng vẫn đang nằm trong tay các mạng xã hội và những gã khổng lồ về tìm kiếm trực tuyến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.