Bạn cần biết

Vì sao bệnh tay chân miệng tăng đột biến ở TP.HCM?

30/09/2018, 17:28

Cuối tháng 9 số ca mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tại TP.HCM tăng đột biến và đang có diễn biến phức tạp.

anh1

Những ngày cuối tháng 9, ca số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng đột biến

Số ca nhập viện vì bệnh tay chân miệng tăng chóng mặt

Những ngày cuối tháng 9, các bác sĩ, y tá Khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) đang phải gồng mình cấp cứu cho hàng loạt trẻ nhập viện do bệnh tay chân miệng.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1, cho biết số ca bệnh nhi nhập viện vì bệnh tay chân miệng tăng đột biến. Nếu như những tháng trước, số trẻ nhập viện chỉ từ 20 - 30 trẻ, đến nay mỗi ngày có 180 - 200 bé nhập viện điều trị.

Tương tự, tại BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM), số ca nhập viện do tay chân miệng cũng tăng đột biến trong 2 tháng gần đây. Chỉ riêng trong tháng 9, số lượt bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đến khám ngoại trú đã lên đến hơn 6.900 lượt, số ca nội trú điều trị là 664 lượt.

Điều chú ý, bệnh tay chân miệng tập trung ở nhóm trẻ từ 9 tháng tới 5 tuổi. Tại BV Nhi đồng 1 đã có 1 ca tử vong và nhiều ca bệnh nặng, đang phải thở máy, lọc máu và được theo dõi sát.

Theo thông tin từ Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, bệnh tay chân miệng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang có diễn biến phức tạp. Nếu từ tháng 7 và tháng 8, số ca mắc bệnh tay chân miệng nhập viện có xu hướng tăng nhẹ theo chu kỳ, trung bình nhập viện hàng tuần là 140 - 190 ca thì 2 tuần giữa tháng 9, số ca bệnh nhập viện ở TP.HCM gia tăng nhanh.

anh2

Các bác sĩ gồng mình khám ngoại trú cho các trẻ có dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng

Trong tuần 38 có tới 289 ca bệnh tay chân miệng nhập viện, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước (194 ca), tăng 130% so với tuần cùng kỳ 2017 (124 ca). Trong khi đó, số ca bệnh nhập viện từ các tỉnh ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ tại bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện Nhi đồng 2 tăng đến gần 60% so với chu kỳ tháng trước.

Tính từ đầu năm đến nay tổng số ca mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tại TP.HCM là 3.195, số ca khám ngoại trú đến hết tuần 38 là 15.499. Và đã có 6 trẻ em tử vong do bệnh tay chân miệng đều ở các các tỉnh thành phía Nam.

Trước tình hình bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp, các chuyên gia y tế nhận đinh số trẻ nhập viện vì chứng bệnh này có thể sẽ còn tăng trong những ngày tới.

Chủng virut nguy hiểm quay trở lại ở bệnh tay chân miệng

Theo thông tin từ Sở y tế TP.HCM trong mùa dịch bệnh năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng vi rút Enterovirus 71. Đây là chủng vi rút đã gây vụ dịch tay chân miệng lớn trên cả nước vào năm 2011, khiến 150 trường hợp tử vong, riêng TP.HCM có hơn 30 ca tử vong.

Theo chuyên gia y tế nhận định virut Enterovirus 71 quay trở lại có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh gia tăng nhanh chóng tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam trong những tuần gần đây. Vì đặc chủng virut này đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng như phù phổi, viêm phổi, suy hô hấp có thể dẫn đến tử vong.

Để phòng bệnh tay chân miệng lan rộng, đại diện Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết việc phòng chống bệnh này là nội dung bắt buộc nằm trong kế hoạch hằng năm của các quận huyện, phường xã tại TP.HCM.

42696338_562858027491407_7925706861607649280_n

Ngày 28/9, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cùng đoàn ngành y tế đi kiểm tra một số điểm giáo dục và giữ trẻ trên địa TP trước bệnh tay chân miệng có diễn biến phức tạp 

Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM luôn phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục - Đào tạo triển khai các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại trường học, trong đó kiểm soát bệnh tay chân miệng được đặt lên hàng đầu tại các trường mầm non, nhóm trẻ.

Cụ thể, mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra tình hình phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại 1 số trường mần non, các điểm giữ trẻ trên địa bàn quận 10. Tại trường Mầm non phường 1 (quận 10 TP.HCM) đã xuất hiện hai ca mắc bệnh tay chân miệng vào 22/9 và 24/9. Cả hai ca xảy ra tại lớp mầm 3 (trẻ 4 tuổi).

Sau khi phát hiện hai ca mắc bệnh tay chân miệng, trường này đã tổ chực tổng vệ sinh và khử khuẩn. Cùng với đó nhắc nhở phụ huynh khi phát hiện con bị sốt, nổi bóng nước thì đưa tới các bệnh viện chuyên khoa nhi ngay.

anh3

Nhắc nhở trẻ em rửa tay thường xuyên với xa phòng để phòng chống bệnh tay chân miệng

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ: như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Có 80% số ca bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà; tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như: giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt... phải đưa trẻ đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.