Tài chính

Vì sao các ngân hàng đồng loạt bán “gà đẻ trứng vàng”, "cô gái đẹp"?

26/08/2021, 18:19

Được coi là “gà đẻ trứng vàng”, “cô gái đẹp” vì sao công ty tài chính vẫn bị ngân hàng phất tay mang bán?

Những thương vụ bạc tỷ

SHB ngày 25/8 đã ký thỏa thuận chuyển nhượng vốn tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB Finance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan, một thành viên thuộc Tập đoàn MUFG (Nhật Bản).

Như vậy, khi hai bên đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật và được Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam và cơ quan quản lý có liên quan của Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản đồng ý, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri. 50% vốn còn lại sẽ được chuyển nhượng nốt sau 3 năm.

img

SHB thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn SHB Finance cho đối tác ngoại

Tuy phía SHB không tiết lộ giá trị thương hiệu xong tờ Nikkei Asia cho biết, thương vụ có giá 156 triệu USD, tương đương hơn 3.500 tỷ đồng. Với giá trị này, đây là thương vụ lớn thứ hai trong năm nay.

Thương vụ lớn nhất thị trường hiện nay là VPBank bán gần một nửa vốn tại FE Credit. Không bán toàn bộ như SHB, VPBank đã đàm phán xong vụ 49% vốn tại công ty tài chính FE Credit cho đối tác ngoại.

Trong buổi gặp gỡ trực tuyến với nhà đầu tư mới đây, đại diện VPBank cho biết thương vụ này sẽ hoàn tất trong tháng 9.

Với giá trị gần 1,4 tỷ USD, tương đương khoảng 30.000 tỷ đồng, VPBank dự kiến thu về khoản 90% số tiền trên ngay đợt này, phần còn lại sẽ được thanh toán trong năm tiếp theo.

Bên cạnh việc rao bán dự án VietinBank Tower, VietinBank cũng đang có kế hoạch thoái vốn tại 3 công ty con là Công ty cho thuê tài chính VietinBank Leasing, Công ty Chứng khoán VietinBank, Công ty quản lý quỹ VietinBank Capital.

Riêng với VietinBank Leassing, theo thông tin từ công ty chứng khoán VNDirect, HĐQT Vietinbank đã chấp thuận kế hoạch bán đi 50% vốn, trong đó 49% vốn sẽ bán cho đối tác Nhật Bản là Công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance, còn lại 1% sẽ bán cho nhà đầu tư trong nước.

Hồ sơ của thương vụ này đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và cũng kỳ vọng hoàn thành trong năm nay.

Hiện trên thị trường, MSB vẫn đang đàm phán bán 100% vốn tại Công ty Tài chính tiêu dùng cộng đồng (FCCOM) cho đối tác ngoại. Nếu MSB sớm hoàn tất quá trình lựa chọn đối tác và chốt được thương vụ này vào cuối năm 2021 - đầu năm 2022 thì có thể thu về ít nhất 500 tỷ đồng.

Công ty tài chính đã hết thời?

FE Credit được coi là “gà đẻ trứng vàng” của VPBank nhiều năm. Tại sao VPBank nỡ bán “gà vàng” này? Theo tiết lộ của lãnh đạo VPBank, số tiền thu về từ bán vốn FE Credit sẽ được hạch toán như khoản thu nhập bất thường ngay trong năm nay, giúp ngân hàng gia tăng đáng kể nguồn vốn chủ sở hữu và tăng mạnh vốn điều lệ thời gian tới.

Bên cạnh đó, số liệu tài chính cũng cho thấy, mức đóng góp của FE Credit vào ngân hàng mẹ VPBank ngày càng giảm dần, nhất là hai năm vừa qua.

Trước đây, đóng góp từ FE Credit vào lợi nhuận hợp nhất của VPBank chiếm khoảng 50% khi FE Credit thống lĩnh thị trường tài chính cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tỷ trọng đóng góp của FE Credit đã giảm đi, còn chưa tới 30% năm 2020 và tụt mạnh về còn 12% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Tuy nhiên, việc giữ lại 51% vốn chứng tỏ VPBank vẫn coi trọng mảng cho vay tiêu dùng trong chiến lược hoạt động của ngân hàng này.

Tại Việt Nam hiện có 16 công ty tài chính được cấp phép và đang hoạt động. Trong đó có 6 công ty là thành viên của ngân hàng thương mại. Cạnh mạnh thị phần giữa các công ty tài chính thời gian qua khá mạnh mẽ. FE Credit có thế mạnh vốn lớn và chiếm lĩnh thị trường từ trước cũng không tránh khỏi sự cạnh tranh bởi các công ty mới.

Đơn cử như với SHB Finance, với số vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng – đứng thứ 8 thị trường về vốn điều lệ.

Đến cuối năm 2020, SHB Finance mới có 3 năm hoạt động trên thị trường tài chính tiêu dùng nhưng đã xây dựng được mạng lưới tại 46 tỉnh thành với 300.000 khách hàng.

Năm 2020 SHB Finance đã có dư nợ cuối kỳ đạt 3.689 tỷ đồng và ghi nhận lãi trước thuế 70 tỷ đồng.

Việc thành lập hay thoái vốn công ty tài chính là chiến lược của từng ngân hàng và thể hiện xu hướng thị trường. Trong thông tin phát đi từ SHB, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB cũng cho biết, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam giàu tiềm năng và dư địa tăng trưởng lớn.

Việt Nam có quy mô dân số hơn 98 triệu người, dân số trẻ ở độ tuổi trung bình 32,9 tuổi; Dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 khoảng 1,8 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế), tăng gấp 2,5 lần so với năm 2012. Do đó, chiều chuyên gia dự báo nhu cầu tín dụng tiêu dùng các năm tới sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt 13-15% mỗi năm. Đây cũng là nguyên nhân nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đặc biệt tới thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.

img

Giá vàng hôm nay 26/8: Liên tục sụt giảm, vàng SJC về sát 57 triệu

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.