Quốc tế

Vì sao các nhà tài phiệt đổ xô đầu tư bóng đá?

03/09/2014, 13:56

Bóng đá thế giới đang chứng kiến nhiều đội bóng lột xác nhanh chóng nhờ túi tiền của các ông chủ giàu có. Vậy những nhà tài phiệt này được gì khi đầu tư vào bóng đá?

img


Cuộc đổ bộ của các nhà tài phiệt


Cách đây hơn 10 năm, làng bóng đá xứ sở sương mù nói riêng và bóng đá châu Âu nói chung xôn xao với sự kiện một đội bóng ở Premier League được tỷ phú người Nga Abramovic mua lại. Thời điểm đó, Chelsea đang ngập trong nợ nần và chỉ là một đội bóng thuộc hàng trung bình khá. Tuy vậy, ngay ở mùa giải đầu tiên, Abramovich đã chi tới hơn 120 triệu bảng để đưa về Stamford Bridge hàng loạt ngôi sao như: Hernan Crespo, Claude Makelele, Adrian Mutu, Juan Sebastian Veron, Scott Parker, Wayne Bridge, Joe Cole…


Thành công gần như đến tức thì với những đồng rúp của Abramovich khi Chelsea dưới sự dẫn dắt của HLV Ranieri đã vào tới tận bán kết Champions League và về nhì tại Premier League. Chưa hài lòng với kết quả này, Abramovich tiếp tục vung tiền để chiêu mộ thêm những ngôi sao như: Didier Drogba, Ricardo Carvalho, Paulo Ferreira, Arjen Robben hay Petr Cech. Tuy nhiên, sự có mặt đáng kể nhất là Jose Mourinho.


Trong buổi họp báo ra mắt ở Chelsea, Mourinho tỏ ra rất tự tin và ngay lập tức giúp Chelsea vô địch Premier League ở mùa giải 2004-2005. Những mùa giải sau đó, Mourinho vẫn dẫn dắt The Blues thi đấu khá thành công nhưng có một điểm đặc biệt là Chelsea dưới thời Mourinho chơi rất kém duyên ở Champions League.


Đến mùa giải 2007-2008, Jose Mourinho đã bị sa thải để rồi CLB này liên tục thay HLV. Tuy nhiên, có một điểm không hề thay đổi ở Stamford Bridge là các ngôi sao vẫn nườm nượp được thu nạp trong các kỳ chuyển nhượng. Cho đến thời điểm hiện tại, Chelsea đã thành thế lực thực sự ở châu Âu với một đội hình hùng hậu và nền tảng tài chính dồi dào. Để có được thành tựu như này hôm nay, Chelsea đã ngốn hết của Abramovich khoảng hơn hai tỷ bảng cho mọi hoạt động.


Giống như Chelsea, Man City cũng là điển hình cho việc xây dựng đội bóng bằng rất nhiều tiền. Năm 2008, khi nhà tỷ phú đồng thời là Hoàng thân Qatar Sheikh Mansour tới Man City, đội bóng này cũng chỉ thuộc loại trung bình tại Premier League. Tuy vậy, chỉ sau vài mùa bóng vung tiền tậu sao thành công cũng đã đến với The Citizens mà điển hình nhất là hai chức vô địch trong 3 mùa giải gần nhất. Theo thống kê, chỉ sau hai mùa bóng đầu tiên dưới triều đại Sheikh Mansour, Man xanh đã chi tớ: 345 triệu bảng để tuyển quân. Tất nhiên, thói quen tiêu tiền không phải nghĩ vẫn được duy trì tại Etihad những mùa giải sau đó. Đến năm 2013, tổng số tiền mà Sheikh Mansour bỏ ra để kiến thiết Man City lên tới hai tỷ bảng (bao gồm cả chuyển nhượng, làm thương hiệu, cải tạo sân đấu…).


Thêm một cái tên thành công chóng vánh nhờ kim tiền là PSG (Pháp). Sau khi mua 70% cổ phần từ Colony Capital vào ngày 31/5/2011, quỹ đầu tư hoàng gia Qatar chính thức trở thành chủ sở hữu đội bóng thành Paris. Kề từ đây, PSG bước vào cuộc lột xác ngoạn mục cùng những bản hợp đồng bom tấn như: Pastore, Lavezzi, Cavani, Ibramovich, Lucas Moura Thiago Silva... Mức giá mà PSG chi cho các ngôi sao này lớn hơn hẳn những đối thủ cạnh tranh và không quá ngạc nhiên khi tất cả lần lượt cập bến Công viên các Hoàng tử.


Sở hữu một đội hình chất lượng, PSG nhanh chóng làm mưa làm gió với hai chức vô địch liên tiếp ở giải quốc nội. Tại Champions League, PSG cũng tiến bộ vượt bậc với thành tích tốt nhất là lọt vào tứ kết. Với số tiền khổng lồ mà các ông chủ Qatar phải bỏ ra, đây là những thành công bước đầu nhưng chắc chắn đội bóng Thủ đô Paris chưa muốn dừng lại bởi tham vọng của PSG là trở thành một thương hiệu thể thao hàng đầu thế giới.


Ngoài ba cái tên đình đám kể trên Malaga hay Blackburn Rovers cũng nhận được những khoản đầu tư kếch xù từ các ông chủ lắm tiền nhiều của. Tuy nhiên, đã là đầu tư thì phải có rủi ro và hai đội bóng này chính là ví dụ điển hình cho sự rủi ro trong kinh doanh. Dù được bơm khá nhiều tiền nhưng cả hai lại chỉ gây được ấn tượng trong quãng thời gian đầu rồi nhanh chóng chìm nghỉm. Thất vọng nhất là Blackburn khi đội bóng này vẫn đang ngụp lặn tại Premiership.
 

Tiền vệ Oscar của Chelsea
Tiền vệ Oscar của Chelsea

Đánh bóng tên tuổi nhờ bóng đá


Nhìn một lượt từ Chelsea, Man City tới PSG, những nhà tài phiệt đã bỏ ra không ít tiền của và nếu chỉ dựa vào thành tích kinh doanh của các đội bóng này, nhiều người sẽ gọi họ là những kẻ điên rồ. Điển hình là việc Chelsea sau nhiều năm lỗ chổng vó đến mùa giải 2012-2013 đã lãi được 1,4 triệu bảng. Trong khi đó, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng ước tính mùa giải 2013-2014, Man City đã lỗ hơn 50 triệu bảng. Con số này bên phía PSG còn lớn hơn khi đội bóng nước Pháp đã âm khoảng gần 100 triệu bảng ở mùa giải vừa qua.


Sau 10 năm “đốt tiền”, Chelsea mới bắt đầu có lãi và Man City cũng như PSG chắc chắn sẽ phải đợi thêm vài năm nữa nếu muốn cải thiện tình hình tài chính. Tuy đều báo lỗ nhưng tình hình kinh doanh của cả ba ông lớn trên lại khá sáng sủa khi luôn nằm trong top 10 CLB có doanh thu lớn nhất châu Âu. Sở dĩ những khoản lỗ vẫn còn là bởi con số đã bỏ ra cho chuyển nhượng và trả lương là quá lớn.


Thế nhưng, nếu xét một cách kỹ càng hơn, ông chủ của những đội bóng trên nhiều khả năng chỉ sử dụng bóng đá là một công cụ để thực hiện các mục đích khác. Không ít lần tỷ phú người Nga Abramovich tuyên bố ông đầu tư vào Chelsea nhằm thỏa mãn đam mê nhưng chẳng ai có thể phủ nhận tên tuổi của ông trùm dầu mỏ nước Nga đã nổi như cồn kể từ khi tới Stamford Bridge. Công việc kinh doanh, những hợp đồng kinh tế lớn cũng từ đó chảy vào túi Abramovich một cách dễ dàng hơn. Chẳng vậy mà Abramovich sống chết cũng phải vô địch Champions League bởi chỉ có giành chiến thắng ở giải đấu danh giá này Chelsea mới thực sự thành một thương hiệu có tầm ảnh hưởng và dĩ nhiên Abramovich cũng sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ điều này.


Với tỷ phú Sheikh Mansour, việc đầu tư vào Man City sẽ giúp nhà tài phiệt này đánh bóng tên tuổi của tập đoàn Abu Dhabi. Thêm vào đó, việc đổi tên sân thành tên nhà tài trợ là Hãng hàng không Etihad cũng nhằm quảng bá cho thương hiệu này và nên nhớ gia đình Sheikh Mansour có cổ phần rất lớn ở Etihad. Sức hút của bóng đá Anh ảnh hưởng đến người hâm mộ toàn cầu và chẳng có gì tuyệt vời bằng mỗi dịp cuối tuần cái tên Etihad hay Abu Dhabi xuất hiện trên toàn thế giới. Với mục đích như vậy, vài tỷ bảng ném vào Man City chẳng thấm tháp gì so với túi tiền của người đàn ông giàu nhất làng bóng đá.


Khác với hai tỷ phú kể trên, việc Quỹ đầu tư Qatar thâu tóm PSG (thực chất là do thế tử Hamad bin Thamer Al Thani đứng đằng sau chỉ đạo) là một nước cờ trong ván cờ giúp Qatar có được quyền đăng cai World Cup 2022. Nước cờ này đã thành công mỹ mãn khi đất nước Trung Đông được trao quyền tổ chức giải đấu lớn nhất hành tinh vào năm 2022 dù vấp phải không ít chỉ trích. Xa hơn nữa, mục tiêu của Al Thani là điều khiển cả nền bóng đá Pháp và từ đó có những bước tiến để bóng đá Qatar nhanh chóng trở thành một thế lực thực sự trên bản đồ thế giới.


Như vậy, dù với mục đích gì, rõ ràng các ông chủ giàu có đã được nhiều hơn mất khi ném những khoản tiền khổng lồ vào bóng đá. Đây là bước đi rất khôn ngoan trong hoàn cảnh bóng đá đang trên con đường toàn cầu hóa và sức ảnh hưởng từ môn thể thao này là vô cùng lớn.

Thanh Hà
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.