Xã hội

Vì sao cần khai tử hộ khẩu giấy ngay từ 2021?

14/08/2020, 10:00

Có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải khai tử sổ hộ khẩu bằng giấy bởi nó không còn phù hợp với đời sống hiện đại.

img
GS.TS. Nguyễn Ngọc Anh

Sổ hộ khẩu giấy đã và đang khiến người dân chịu nhiều phiền phức khi làm thủ tục hành chính. Có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải khai tử sổ hộ khẩu bằng giấy bởi nó không còn phù hợp với đời sống hiện đại. Xung quanh vấn đề này, Báo Giao thông có cuộc trao đổi với Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) - Tổ trưởng Tổ Biên tập dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ thay sổ hộ khẩu

Hiện, vẫn còn ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Cư trú quy định một thời kỳ chuyển tiếp, cho phép sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp song song với hệ thống điện tử cho tới hết ngày 31/12/2025. Tuy nhiên, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng: “Không có căn cứ gì kéo dài giữ sổ hộ khẩu song hành cho tới năm 2025, nếu đối chiếu với các công việc đang triển khai”. Vậy, các công việc đang triển khai để có thể xóa sổ hộ khẩu giấy là gì, thưa ông?

Bộ Công an đã có Kế hoạch số 82 ngày 4/3/2020 về triển khai thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó đã xác định việc hoàn thành, đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu này trên toàn quốc trước tháng 6/2021.

Hiện nay, Bộ Công an đã thu thập được hơn 80 triệu phiếu thông tin dân cư, sắp tới sẽ thu thập được hết và nhập liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để vận hành thử nghiệm, đưa vào khai thác đúng tiến độ đề ra, đến tháng 4/2021 sẽ chạy thử nghiệm và đến tháng 6/2021 là hoạt động bình thường.

Do đó, từ ngày 1/7/2021 (trùng thời điểm Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực), Bộ Công an sẽ đưa vào vận hành chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đáp ứng được yêu cầu quản lý cư trú đối với công dân.

Sổ hộ khẩu giấy hiện nay đang quy định về hộ gia đình, xác định quan hệ nhân thân giữa các thành viên trong gia đình. Vậy, khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì khi cần xác định những quan hệ này, sẽ xác nhận như thế nào, thưa ông?

Luật Cư trú (sửa đổi) quy định việc quản lý cư trú bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các thông tin về cư trú của công dân như hiện nay đang được thể hiện bằng thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì sẽ được số hóa, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu này.

Thông tin về mối quan hệ của công dân với chủ hộ gia đình và các thành viên trong hộ gia đình cũng sẽ được cụ thể hóa bằng trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cụ thể là tại Điều 41 dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 Luật Căn cước công dân đã bổ sung trường thông tin “Quan hệ với chủ hộ” và “Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên trong hộ gia đình”.

Công dân muốn xác nhận quan hệ với chủ hộ thì công dân chỉ cần khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là đã rõ ràng. Trong trường hợp cần thiết thì có thể yêu cầu cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu xác nhận thông tin của công dân về mối quan hệ với chủ hộ.

Quyền lợi người dân không bị ảnh hưởng

img
Chuyên viên văn phòng UBND phường 4, quận Tân Bình, TP HCM tư vấn hướng dẫn cách thức nhập hộ khẩu cho người thân. Ảnh: Tự Trung

Sổ hộ khẩu có tác dụng lớn trong việc xác định nơi cư trú, kéo theo con cái học trường đúng tuyến, khám bệnh tại các thành phố… Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy có khiến người dân vốn có hộ khẩu tại nơi cư trú bị ảnh hưởng không, thưa ông?

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội được thể hiện theo hướng không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc quy định như vậy là nhằm bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013; Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp; Giúp chính quyền các cấp hoạch định chính sách kinh tế - xã hội được chính xác hơn, sát với số liệu dân số thực tế đang sinh sống trên địa bàn quản lý.

Trong quá trình xây dựng quy định này, Bộ Công an đã có đánh giá tác động về vấn đề này. Có thể trong ngắn hạn sẽ làm gia tăng việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương do thực tế còn tồn đọng một số lượng nhất định những người chưa đủ điều kiện đăng ký. Tuy nhiên, việc này sẽ dần đi vào ổn định.

Qua rà soát bước đầu còn khoảng 100 nghìn người tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương chưa đăng ký thường trú, tạm trú (Hà Nội có 56 nghìn người, Hải Phòng có 6 nghìn người, Đà Nẵng có 23 nghìn người, TP HCM có 14,4 nghìn người, Cần Thơ có 4 nghìn người) và có 5,2 triệu người đang đăng ký tạm trú (Hà Nội có 1,15 triệu người, Hải Phòng có 83 nghìn người, Đà Nẵng có 216 nghìn người, TP HCM có 3,67 triệu người, Cần Thơ có 80 nghìn người).

Về việc tăng dân số cơ học tại các thành phố trực thuộc Trung ương thì Bộ Công an cho rằng sẽ không tác động nhiều. Thực tế có hay không có quy định về điều kiện đăng ký thường trú riêng thì công dân vẫn có thể đến lao động, làm việc, sinh sống trên địa bàn.

Vậy, việc này có tạo áp lực lên hệ thống giáo dục, y tế và hạ tầng của các thành phố lớn, đặc biệt là 5 thành phố trực thuộc Trung ương không?

Trong ngắn hạn việc này có thể làm gia tăng áp lực lên hệ thống giáo dục, y tế và một số dịch vụ công khác đang được cung cấp dựa trên việc đăng ký thường trú của công dân tại các thành phố trực thuộc Trung ương như điện, nước…

Tuy nhiên, trên thực tế dù có hay không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố này thì mọi công dân đang sinh sống vẫn sử dụng điện, nước, dịch vụ giáo dục, y tế hàng ngày. Bộ Công an thấy rằng việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú của mình.

Thuận lợi hơn cho cả cơ quan quản lý và người dân

img
Sổ hộ khẩu giấy đã và đang khiến người dân chịu nhiều phiền phức khi làm thủ tục hành chính

Sổ hộ khẩu ngoài việc xác định nhân thân còn là căn cứ để thực hiện các giao dịch dân sự như các hợp đồng mua bán bất động sản, thế chấp ngân hàng, mua bán điện, nước… Khi bỏ sổ hộ khẩu thì người dân có phải đến các cơ quan xin xác nhận không?

Toàn bộ thông tin của công dân có trong sổ hộ khẩu sẽ được thể hiện trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu này được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan để đáp ứng yêu cầu trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công hoặc giao dịch dân sự của công dân.

Về cơ bản khi tham gia các hoạt động này thì cơ quan, tổ chức có liên quan phải có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin về nơi cư trú của công dân đã cung cấp với thông tin có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; không bắt buộc Công dân phải xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú nào khác.

Bên cạnh đó, khi triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an sẽ nghiên cứu để có nhiều hình thức khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu bảo đảm tính thông suốt, liên tục và dễ tiếp cận, dễ sử dụng, tạo thuận lợi tối đa cho công dân.

Trong dự án Luật đã bổ sung 5 trường hợp xóa đăng ký thường trú so với Luật Cư trú hiện hành. Vậy, nếu công dân bị xóa cư trú thì họ sẽ phải làm như thế nào, thưa ông?

Nếu công dân bị xóa đăng ký thường trú thì có thể thực hiện đăng ký lại theo quy định tại khoản 3 Điều 25 dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi); trường hợp không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì họ phải khai báo với Công an xã, phường, thị trấn nơi hiện tại đang sinh sống để quản lý theo quy định.

Như vậy, nếu người dân có đăng ký thường trú ở một nơi và thực tế ở một nơi khác mà chưa đăng ký tạm trú với cơ quan đăng ký, quản lý cư trú thì họ có trách nhiệm đến Công an xã, phường, thị trấn nơi họ đang thực tế cư trú làm thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú để bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình.

Cảm ơn ông!

Thảo luận về Luật Cư trú (sửa đổi) tại Phiên họp 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, hiện vẫn có gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ đang yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Trong khi đó, một số điều kiện kỹ thuật bảo đảm việc kết nối, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Vì thế, cần có quá trình chuyển tiếp, đến năm 2025 mới chấm dứt sự tồn tại của sổ hộ khẩu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị giữ nguyên phương án Chính phủ trình là Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, không quy định thời gian chuyển tiếp tới năm 2025. Theo ông Lâm, nếu vẫn lưu lại sổ hộ khẩu cho tới năm 2025 là không phù hợp, không thực tế, bởi “đây là sự thay đổi rất căn bản, là mong muốn của nhân dân”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng: “Trong khi các nước trên thế giới đã bỏ sổ hộ khẩu mà ta vẫn giữ đến nay là quá lâu. Thủ tục định ra mà lạc hậu rồi thì phải bỏ, phải cải cách, giảm bớt thủ tục cho dân nhờ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.