Quản lý

Vì sao cao tốc chưa bán vé tháng?

12/10/2016, 06:54
image

Gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải phản ánh đến Báo Giao thông về việc họ bị thiệt thòi khi có phương tiện...

1

Lái xe phải trả phí vé lượt tại trạm thu phí Long Phước vì cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chưa bán vé tháng - Ảnh: Hoàng Minh

Gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải phản ánh đến Báo Giao thông về việc họ bị thiệt thòi khi có phương tiện thường xuyên lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhưng không được sử dụng vé tháng. Thực tế, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đây không phải tuyến cao tốc duy nhất chưa bán vé tháng cho người dân.

Có hay không độc quyền thu phí?

Ông Trần Ngọc Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Trung Việt (Bà Rịa - Vùng Tàu) cho biết, hàng ngày công ty của ông có hàng chục chuyến xe lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để vào cảng Cát Lái lấy hàng vận chuyển về Vũng Tàu. Mỗi lần qua Trạm thu phí Long Phước (quận 9), tài xế đều phải dừng xe mua vé lượt. Do TCT Đầu tư và Phát triển đường cao tốc VN (VEC) không tổ chức bán vé tháng cho DN vận tải nên xe của công ty phải chịu thiệt khi mua vé lượt.

Xem thêm video CSGT bắt xe khách chạy ngược chiều trên cao tốc Hải Phòng:

"Tháng 2/2015, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu VEC nghiên cứu đề nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đề xuất cụ thể việc bán vé tháng, vé quý phí sử dụng đường bộ trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Thực tế đối với việc thu phí kín đối với các tuyến cao tốc cũng là một vấn đề vì khó xác định các xe vào từ chặng nào và ra cửa soát vé nào. Vì vậy, Bộ đã có văn bản yêu cầu VEC nghiên cứu phương án thực hiện nhưng từ đó đến nay chúng tôi cũng chưa nhận được văn bản báo cáo của VEC về vấn đề này. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại việc thực hiện chỉ đạo này của VEC như thế nào”.

Bà Đào Thanh Thảo
Phó vụ trưởng Vụ Tài chính
(Bộ GTVT)

Ông Thọ dẫn chứng, nếu một xe đầu kéo loại 40 feet của công ty mỗi ngày lưu thông từ Long Thành lên TP.HCM 4 lượt với mức vé mỗi lượt 160.000 đồng, mỗi tháng nếu chạy liên tục công ty phải trả 19,2 triệu đồng tiền phí. Trong khi nếu được bán vé tháng như ở các tuyến BOT hiện nay (được tính 30 lượt/tháng x 160.000 đồng), số tiền phí chỉ là 4,8 triệu đồng. “Như vậy chỉ riêng tiền phí qua trạm thu phí, do không được bán vé tháng nên mỗi tháng công ty chúng tôi thiệt hại khoảng 14,4 triệu đồng cho một xe”, ông Thọ nói.

Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty Vận tải Lâm Vinh cho biết, công ty của ông cũng thiệt hại đáng kể vì VEC không bán vé tháng. Trong khi mỗi tháng công ty có hàng chục chuyến hàng vận chuyển hàng từ TP.HCM về Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại.

Đặc biệt, theo ông Vinh, việc không bán vé tháng của VEC khiến công ty gặp nhiều khó khăn trong sắp xếp phương tiện. Bởi nếu bán vé tháng, DN sẽ sắp xếp mua vé cho những chuyến chạy tuyến đường đó. Điều này không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí tiền vé mà còn thuận tiện trong việc theo dõi kỹ thuật của phương tiện. “Tài xế chuyên chạy cung đường đó sẽ quen đường, đảm bảo an toàn trong quá trình chạy trên đường”, ông Vinh nói.

Ông Trần Thanh Bảo, Trưởng phòng Điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Thiên Phú (quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng cho biết, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe chở khách từ TP.HCM về Vũng Tàu và ngược lại qua 3 trạm thu phí. Nhưng hai trạm thu phí trên QL51 đều bán vé tháng, riêng trạm Long Phước của cao tốc TP.HCM - Long Thành không bán vé tháng. “Phải chăng đây là tuyến đường cao tốc độc đạo, lượng phương tiện lưu thông lớn nên VEC độc quyền chỉ bán vé lượt mà không bán vé tháng?”, ông Bảo đặt vấn đề.

>>> Xem thêm video:

2

Trạm thu phí Long Phước (quận 9, TP.HCM) trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: Hoàng Minh

Lời hứa chưa được thực hiện

Công ty CP Du lịch vận tải Phương Trang trung bình mỗi ngày có 60 lượt xe vận chuyển khách từ TP.HCM - Vũng Tàu và ngược lại. Với loại xe 29 chỗ, vé mỗi lượt là 60 nghìn đồng, mỗi ngày DN này chi phí 3,6 triệu đồng cho các phương tiện mua vé lượt. Trong khi đó, nếu áp dụng phương thức bán vé tháng, mỗi tháng DN có thể giảm chi phí khoảng một nửa, góp phần kéo giảm giá vé để phục vụ người dân.

Luật sư Thái Văn Chung (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, xét về phương án kinh doanh, DN đầu tư đường phải áp dụng hình thức bán vé tháng để thu tiền trước, nhằm có vốn tái đầu tư. Điều này cũng giống như các hãng máy bay, tàu hỏa bán vé từ rất sớm để thu tiền trước sẽ có lợi hơn. Nhưng do xét về lợi ích bán vé tháng của đường cao tốc không bằng bán vé lượt nên có thể DN chỉ áp dụng bán vé lượt.

Tại buổi đối thoại với DN vận tải vào ngày 21/3/2015, khi Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM kiến nghị cần bán vé tháng cho DN vận tải, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết: “Sẽ nghiên cứu việc bán vé tháng với mức phí hợp lý cho các chủ xe, DN đi đường cao tốc”. Tuy nhiên, sau lời hứa đó đến nay việc bán vé tháng cho DN vận tải vẫn chưa được VEC thực hiện.

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E), đơn vị quản lý khai thác cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng khẳng định, VEC hiện chưa tổ chức bán vé tháng cho các phương tiện tham gia lưu thông. Với ý kiến của các DN vận tải, VEC đã nghiêm túc tiếp thu, ghi nhận và đã nghiên cứu các phương án tổ chức thu phí với mục đích thuận tiện hơn, như áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) cho các làn thu phí của dự án, xây dựng mức giá phí hợp lý với từng thời gian và cung đường của dự án, sử dụng công nghệ RFID trong bán vé tháng… VEC sẽ triển khai các phương án bán vé tháng khi gói thầu giao thông thông minh (ITS) được triển khai hoàn chỉnh và đưa vào khai thác dự kiến trong quý I/2017”, bà Phương nói.

Ngày 10/10, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch HĐTV VEC cho biết, không riêng gì tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây mà VEC đã có chủ trương xây dựng phương án bán vé tháng cho các tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai. Tuy nhiên, nhu cầu mua vé tháng theo khảo sát của VEC là rất ít nên chưa triển khai được. Trong đó, theo ông Việt, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang chờ nghiên cứu để liên thông với tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ; Nội Bài - Lào Cai đang nghiên cứu triển khai hệ thống ITS, còn tuyến TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng chuẩn bị triển khai hệ thống thu phí tự động. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.