Hạ tầng

Vì sao cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh giảm hơn 26.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư?

16/08/2020, 14:32

Việc dư luận so sánh tổng mức đầu tư của dự án theo quy hoạch với dự án đã được phân kỳ đầu tư, giảm chiều dài, mặt cắt ngang là khập khiễng.

img
Tổng mức đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giảm hơn 26.000 tỷ đồng do dự án đã được nghiên cứu phân kỳ đầu tư, chiều dài dự án giảm, quy mô mặt cắt ngang giảm so với quy hoạch ban đầu của Bộ GTVT (Ảnh minh họa)

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1212 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Theo quyết định phê duyệt, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài khoảng 115 km, quy mô 4 làn xe, được thiết kế tốc độ 80 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 20.939 tỷ đồng. Dự án triển khai qua hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ 2020 - 2024 và giai đoạn 2 của dự án được thực hiện sau năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án với nhà đầu tư. Trước đó, từ cuối năm 2018, Tập đoàn Đèo Cả được tỉnh Cao Bằng mời tham gia nghiên cứu, tìm hiểu dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức PPP.

Sau khi thông tin này được đăng tải, trên một số phương tiện truyền thông và mạng xã hội bày tỏ hoài nghi về công tác lập tổng mức đầu tư được Bộ GTVT nghiên cứu trong quy hoạch trước đây lên tới 47.520 tỷ đồng, đến nay đơn vị tư nhân vào nghiên cứu, tổng mức đầu tư dự án giảm xuống chỉ còn 20.939 tỷ đồng, giảm hơn 26.500 tỷ đồng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng A2Z cho biết, nếu với tổng mức đầu tư của dự án lên tới hơn 47.500 tỷ đồng sẽ không đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án khi thực hiện bằng hình thức BOT, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần rà soát và nghiên cứu lại.

Do đó, để phát huy hiệu quả kết nối khu kinh tế cửa khẩu của hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tư vấn A2Z đã đề xuất điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối vào tuyến đường nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (Tập đoàn Đèo Cả đang đầu tư) đi cửa khẩu Tân Thanh. Khi đó, tổng chiều dài tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh rút ngắn xuống còn 115km (giảm 29km so với quy hoạch ban đầu).

Đồng thời, kết hợp với việc áp dụng công nghệ thi công hầm xuyên núi (do các nhà thầu Việt Nam hiện nay đã làm chủ được công nghệ NATM) để tiết giảm chi phí đầu tư của dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Theo đề xuất nghiên cứu của đơn vị tư vấn, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 115km được thiết kế với quy mô tương tự các dự án cao tốc Bắc - Nam, bao gồm 4 làn xe cơ giới, nền đường rộng 17m, tốc độ thiết 80km/h; trên tuyến xây dựng 18 cầu, 6 hầm đường bộ (dài 2.550m), 21 hầm giao thông dân sinh,… tổng mức đầu tư dự án khoảng 20.939 tỷ đồng, giảm hơn 26.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư theo quy hoạch.

Ông Phạm Hữu Sơn - Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, TEDI là cơ quan được Bộ GTVT giao chủ trì nghiên cứu quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo ông Sơn, trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326 ngày 1/3/2016, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài 144km, mặt cắt ngang là 22m và tiến trình đầu tư sau năm 2030 với tổng mức đầu tư khoảng 47.520 tỷ đồng.

“Việc dư luận so sánh tổng mức đầu tư của dự án theo quy hoạch với dự án đã được phân kỳ đầu tư, giảm quy mô mặt cắt ngang từ 22m xuống 17m, chiều dài tuyến giảm từ 144km xuống 115km là khập khiễng vì không cùng hệ tham chiếu nên không thể so sánh được”, ông Sơn chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.