Hạ tầng

Vì sao cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lại nguy cơ vỡ hợp đồng tín dụng?

01/03/2020, 12:22

Hợp đồng tín dụng của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đứng trước nguy cơ bị vô hiệu hóa vì vốn ký kết chưa được giải ngân.

img
Ngân hàng chưa giải ngân vốn cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang chưa làm rõ thẩm quyền ký kết các văn bản liên quan

Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vừa phát đi thông tin cho biết, nguồn vốn cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đến nay vẫn đang gặp nhiều vướng mắc, chưa có kết quả cụ thể. Về vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án là 2.186 tỷ đồng, hiện còn 410 tỷ đồng vẫn đang vướng thủ tục chưa được giải ngân.

Nguồn vốn tín dụng ngân hàng (6.686 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng vốn) dù đã ký kết, nhưng sau hơn 2 tháng cũng chưa được giải ngân. Nguyên nhân do phía ngân hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang còn vướng mắc về thủ tục chưa giải quyết xong, nguy cơ dẫn đến nguồn vốn này có thể không giải ngân kịp, hợp đồng tín dụng sẽ bị vô hiệu vì hết hạn ngày 16/3/2020.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, ngân hàng chưa giải ngân vốn cho dự án bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang chưa làm rõ thẩm quyền ký kết các văn bản liên quan đến dự án mà ngân hàng cấp tín dụng yêu cầu.

“Theo điều khoản trong hợp đồng tín dụng, đến ngày 16/3/2020 nếu vốn vay tín dụng không được giải ngân, hợp đồng sẽ hết hiệu lực. Phía ngân hàng đầu mối là Vietinbank đã phối hợp với doanh nghiệp dự án rà soát cơ bản đảm bảo hoàn thành các điều kiện để giải ngân và Vietinbank đã gửi văn bản đề nghị tỉnh Tiền Giang làm rõ các vướng mắc giữa ngân hàng và tỉnh Tiền Giang”, ông Thế thông tin.

Cũng theo đại diện Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, hiện tỉnh Tiền Giang đang gửi văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp về vấn đề này. Tuy nhiên, quá trình giải quyết phải mất rất nhiều thời gian, hiện chỉ còn hơn 2 tuần nữa hết hạn, nếu nguồn vốn tín dụng không được giải ngân trong thời gian hợp đồng có hiệu lực thì tiến độ của dự án chắc chắn sẽ chậm.

Trước đó, ngày 16/12/2019 tại Tiền Giang diễn ra lễ ký kết hợp đồng tín dụng và các văn kiện cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT. Theo đó, tổng vốn cam kết cho vay của các ngân hàng cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 6.686 tỷ đồng. Trong đó, VietinBank là 3.300 tỷ đồng, BIDV 1.500 tỷ đồng, AgriBank 1.000 tỷ đồng và VPBank là 886 tỷ đồng.

Được biết, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1km. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang).

Dự án được khởi công tháng 2/2015, tuy nhiên do năng lực nhà đầu tư yếu kém, không vay được vốn tín dụng nên gần 4 năm, dự án chỉ thi công được khoảng 10% khối lượng. Đến đầu tháng 3/2019, các nhà đầu tư dự án đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia vào quản trị, điều hành dự án, đến nay, sản lượng thi công toàn công trình đạt khoảng trên 30%.

img

Giá vàng hôm nay 1/3/2020: Tuần tới vàng tăng hay giảm?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.