Giao thông

Vì sao chậm giải ngân vốn các dự án cao tốc Bắc - Nam?

08/04/2020, 14:03

Tính đến hết tháng 3/2020, 11 dự án cao tốc Bắc - Nam mới giải ngân được 416 tỷ đồng (đạt 4,3%).

img
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn

Tin từ Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT), trong năm 2020, 11 dự án cao tốc Bắc - Nam được phân bổ kế hoạch giải ngân 9.595 tỷ đồng, gồm: Vốn kế hoạch 2020 (8.970 tỷ đồng) và vốn 2019 kéo dài (625 tỷ đồng).

Trong số này, phần vốn để giải ngân cho công tác GPMB là 5.729 tỷ đồng và vốn cho xây lắp, chi phí khác khoảng 3.866 tỷ đồng (chủ yếu cho 3 dự án đầu tư công: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2).

Tính đến hết tháng 3/2020, 11 dự án cao tốc Bắc - Nam mới giải ngân được 416 tỷ đồng (đạt 4,3%), gồm: 185,5 tỷ đồng giải ngân cho công tác GPMB (đạt 3,2%) và 230,7 tỷ đồng giải ngân cho xây lắp (đạt 6%).

Đại diện Cục QLXD&CLCTGT cho biết, tiến độ giải ngân 3 tháng đầu năm 2020 đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam chậm do phụ thuộc nhiều vào tiến độ GPMB của các địa phương, chỉ giải ngân xây lắp được cho 3 dự án đầu tư công.

Cụ thể, đối với công tác GPMB, do khối lượng còn lại liên quan đến đất ở, tái định cư và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật cần có thời gian để thẩm định, phê duyệt phương án đền bù, công khai phương án đền bù, phê duyệt thiết kế, đấu thầu khu tái định cư, di dời hạ tầng, phần còn lại của đất nông nghiệp hiện còn vướng mắc do chưa xác định được nguồn gốc đất, chủ sở hữu,...

Bên cạnh đó, do có sự điều chỉnh về khung giá đất năm 2019 và năm 2020 nên cần phải phê duyệt điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo khung giá đất mới gây mất thời gian.

Ngoài ra, khối lượng di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn, tuy nhiên tiến độ triển khai công tác lập phương án, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB của các chủ quản lý sử dụng công trình còn chậm nên không đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng trong quý II/2020.

“Bộ GTVT đã có các văn bản gửi và họp trực tiếp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để thống nhất phối hợp thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác GPMB, đảm bảo đáp ứng tiến độ yêu cầu”, Cục QLXD&CLCTGT cho biết.

Đề cập đến công tác giải ngân vốn xây lắp của 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2), Cục QLXD&CLCTGT cho rằng, do các dự án mới triển khai cuối năm 2019, khối lượng thi công chưa nhiều nên chủ yếu đang thực hiện phần kinh phí tạm ứng hợp đồng nên chưa có khối lượng giải ngân trong 3 tháng đầu năm.

img

Dịch Covid-19: Nhân viên thu phí BOT… buồn ngủ vì xe qua trạm quá ít

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.