Đường bộ

Vì sao chậm lắp đặt làn ETC tại các trạm thu phí?

19/05/2022, 11:15

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thời gian nhập thiết bị kéo dài, dẫn đến chậm trễ trong việc lắp đặt các làn ETC tại nhiều trạm thu phí.

Kéo dài thời gian nhập thiết bị lắp đặt ETC do dịch Covid-19

Tổng cục Đường bộ VN cho biết, hiện nay, tất cả các trạm thu phí có lưu lượng giao thông lớn đều được lắp đặt toàn bộ thu phí không dừng ETC bảo đảm duy trì 1 làn hỗn hợp tại mỗi chiều xe chạy, còn 102 làn/23 trạm thu phí cần tiếp tục lắp đặt các làn thu phí còn lại để đảm bảo các trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy.

img

Hiện còn 102 làn/23 trạm thu phí cần tiếp tục lắp đặt các làn thu phí còn lại để đảm bảo các trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy

Trong số đó có 38 làn/13 trạm do Bộ GTVT là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý và 64 làn/10 trạm do địa phương quản lý.

Đối với các trạm do Bộ GTVT quản lý, nhà đầu tư BOT đã hoàn thành công tác chuẩn bị (thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu, đặt hàng mua sắm thiết bị), tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thời gian đặt hàng mua sắm thiết bị kéo dài.

Trước đây, chỉ mất khoảng 4 - 6 tuần nhưng hiện nay thời gian này cần ít nhất từ 8 - 10 tuần, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Trong số 38 làn/13 trạm, có 24 làn/8 trạm nhà đầu tư cam kết hoàn thành trong tháng 6/2022, còn lại 14 làn/5 trạm có nguy cơ chậm tiến độ do thời gian nhập thiết bị kéo dài so với kế hoạch.

Trong quá trình lắp đặt các làn thu phí còn lại, việc thu phí không dừng tại các trạm thu phí vẫn diễn ra bình thường do các trạm đã được lắp đặt số lượng lớn các làn thu phí ETC (mỗi làn chỉ còn 1 làn thu phí MTC).

Đối với các trạm do địa phương quản lý, tương tự như các trạm do Bộ GTVT quản lý, công tác mua, nhập thiết bị gặp nhiều khó khăn dẫn đến tiến độ triển khai bị kéo dài.

Hiện các địa phương đều cam kết hoàn thành trước 30/6/2022, riêng 16 làn/2 trạm thu phí (Trạm An Sương An Lạc và Trạm Xa lộ Hà Nội) do UBND TP.HCM quản lý có khả năng sẽ bị chậm tiến độ.

img

Ngoài 15 làn trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, các tuyến cao tốc còn lại do VEC quản lý vẫn thu phí thủ công

Trong tháng 6/2022 sẽ lựa chọn xong nhà cung cấp dịch vụ thu phí tại các tuyến cao tốc do VEC quản lý

Đối với các trạm thu phí do Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý (VEC) hiện chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đầu tư, vận hành hệ thống thu phí ETC (15/40 làn) từ ngày 10/6/2020, 4 tuyến cao tốc khác gồm: Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn triển khai thu phí theo hình thức một dừng.

Lý giải cho sự chậm trễ này, ông Phạm Hồng Quang, Tổng Giám đốc VEC cho biết, VEC đã lựa chọn phương án coi việc triển khai thu phí ETC chỉ là hình thức thu phí mới thay thế hình thức thu phí một dừng để vận dụng trình tự thủ tục thuê nhà cung cấp dịch vụ như đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng chi phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Thẩm quyền do VEC quyết định, tiến độ triển khai nhanh, sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ để lắp đặt, vận hành hệ thống trong năm 2022.

Tại cuộc họp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan sáng ngày 17/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã thống nhất tiến độ sau 31/7, nếu dự án nào chưa triển khai xong thu phí không dừng sẽ phải tiến hành xả trạm và có chế tài xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân gây chậm tiến độ.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn có ý kiến cho rằng việc sử dụng chi phí quản lý thu phí tại các tuyến cao tốc để thuê dịch vụ, áp dụng như chi thường xuyên theo quy định Điều 53, Nghị định số 73 (phương án 2) là chưa hoàn toàn phù hợp.

Hiện nay, trong khi chờ xin ý kiến các Bộ, ngành, VEC đã chủ động theo phương án này và trong tháng 6/2022 sẽ lựa chọn được nhà cung cấp, sau đó 45 ngày sẽ hoàn thành tuyến đầu tiên là cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và 50 ngày tiếp theo hoàn thành tuyến cao tốc Hồ Chính Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Ông Quang cho rằng, việc triển khai chậm là do chờ hướng dẫn thực hiện phương án 2 từ Bộ Tài Chính.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài Chính cho biết, việc thực hiện thuộc trách nhiệm của VEC, VEC hoàn toàn có thể tự quyết, đến nay không có vướng mắc gì từ Bộ Tài Chính.

Trước thực trạng này, Bộ GTVT chỉ đạo VEC sớm triển khai hoàn thành hệ thống thu phí không dừng tại các tuyến cao tốc do VEC quản lý, đồng thời, nghiêm túc xử lý trách nhiệm, tập thể cá nhân nếu để chậm tiến độ theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.