Thị trường

Vì sao chi phí logistics của Việt Nam vẫn cao?

26/11/2020, 14:09

Dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đạt 12-14%, đóng góp khoảng 4-5% GDP. Song, chi phí còn cao so với trung bình thế giới.

img
Diễn đàn logistics 2020 diễn ra sáng nay 26/11.

LPI tăng 25 bậc so với năm 2016

Tại diễn đàn logistics Việt Nam 2020, sáng 26/11, Bộ trưởng Bộ Công thương nhận định, việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa các phương thức vận tải.

Tuy nhiên, chi phí dịch vụ còn cao vì còn hạn chế về quy mô doanh nghiệp (DN) và vốn, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động, hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt, ...

Theo Bộ trưởng Công thương, tính chung trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, bưu chính, chuyển phát, thị trường logistics Việt Nam đang thu hút khoảng trên 30.000 doanh nghiệp.

Trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường bộ và đường ống (59,02%), tiếp đến là DN kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải (33,26%), còn lại là DN vận tải đường thủy (5,27%), vận tải hàng không (0,02%) và DN bưu chính chuyển phát (2,34%).

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chỉ số năng lực hoạt động logistics của Việt Nam (LPI) xếp hạng 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi.

"Đây là kết quả của lần khảo sát gần đây nhất và cũng là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi Ngân hàng Thế giới thực hiện việc xếp hạng LPI kể từ năm 2007 đến nay", vị Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh.

Cần giải quyết được 5 yếu tố cốt lõi

Phát biểu tại diễn đàn, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 4.000 DN cung cấp dịch vụ logistics quốc tế và nội địa. Nhưng trong đó, chiếm tới 97% là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Do vậy, chất lượng dịch vụ, vốn, kinh nghiệm, trình độ quản lý, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nguồn nhân lực còn hạn chế.

Bên cạnh đó, dịch vụ vận tải quốc tế do hãng vận tải nước ngoài chi phối, đã xẩy ra tình trạng chi phí bị đẩy cho bên vận chuyển là Việt Nam phải chịu.

Phân tích các yếu tố làm tăng chi phí logistics, ông Kha cho biết, có 5 yếu tố bao gồm: Phụ phí vận tải cảng biển mà chủ tàu container nước ngoài đang thu chủ hàng Việt Nam, thời gian thông quan hàng hóa, kiểm tra chuyên môn còn bị kéo dài gây tăng chi phí, chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ quá cao, tính kết nối và hạ tầng các phương tiện vận tải chưa cao, năng lực cạnh tranh của DN cung cấp dịch vụ logistics thấp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.