Thời sự Quốc tế

Vì sao chiến sự Nga-Ukraine có thể "đe dọa" triển vọng ô tô điện tại Đức?

Giới chuyên gia Đức lo ngại giá điện và chi phí năng lượng tăng cao sẽ làm giảm sức hút của ô tô điện đối với người tiêu dùng nước này.

Theo hãng tin Guardian, tình trạng tăng giá điện, chi phí vật liệu thô trong khi thu nhập của người dân giảm đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất và kinh doanh ô tô điện tại Đức.

Các chuyên gia cho rằng, nếu tình trạng này kéo dài có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền khiến các nhà đầu tư mất động lực rót vốn cho cơ sở sạc xe điện, khiến ô tô điện giảm sức thu hút đối với người tiêu dùng.

Tới thời gian gần đây, khi chỉ có xăng tăng giá, nhiều người tiêu dùng Đức vẫn có hứng thú với ô tô điện. Nhưng khi giá điện cũng tăng cao, hiện đã tăng thêm ⅓ lần so với một năm trước, sức thu hút của ô tô điện đã bị ảnh hưởng không nhỏ.

img

Ảnh minh họa. Ảnh - AFP

Dù sạc xe tại nhà hay qua hợp đồng với các nhà vận hành trạm sạc, nhiều chủ sở hữu xe điện nhận thấy chi phí sạc xe đã tăng ít nhất 10%. Tình trạng tăng giá này dự kiến còn tiếp diễn do giá điện có liên quan tới giá khí đốt trong bối cảnh Nga đã khóa van khí đốt cung cấp cho Đức từ hai tuần trước do trục trặc kỹ thuật.

Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt với Moscow, giá năng lượng tại Đức và nhiều nước châu Âu đã tăng phi mã.

Nga là nguồn cung năng lượng lớn nhất của châu Âu, cung cấp khoảng 40% tổng nhu cầu khí đốt của châu lục này. Phần lớn các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) dựa vào nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga để sưởi ấm, nấu ăn và sản xuất điện.

Kể từ khi Nga thắt chặt nguồn cung khí đốt hồi tháng 7, châu Âu điêu đứng vì giá khí đốt tăng kéo theo giá các mặt hàng tiêu dùng bị đẩy lên cao, đẩy lạm phát tại nhiều nước trong khu vực tăng cao.

Theo dữ liệu Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat công bố hồi tháng 8, lạm phát ở Đức là 8,8% so với một năm trước, mức tăng cao nhất trong hơn năm năm qua.

Allego, một trong những nhà vận hành trạm sạc lớn nhất tại Đức, đã tăng phí sạc xe từ 43 cent/kilowatt lên 47 cent từ đầu tháng 9. Giá các mức sạc khác như sạc siêu nhanh cũng tăng từ 68 cent lên 75 cent/kilowatt.

Nhiều siêu thị, cửa hàng nội thất trước đây cho phép khách hàng sạc xe miễn phí giờ đã bắt đầu tính phí.

Theo nhà kinh tế học chuyên về lĩnh vực ô tô - ông Stefan Bratzel, tình trạng tăng giá điện là mối đe dọa đối với ngành công nghiệp xe điện của Đức. Nếu chi phí sử dụng ô tô điện cao hơn, nhu cầu của người tiêu dùng đối với loại phương tiện này sẽ giảm.

Ông Bratzel cùng một số nhà hoạt động trong ngành ô tô điện đang kêu gọi Chính phủ Đức đảm bảo giá điện duy trì ở mức dưới giá xăng vì theo họ là vô cùng quan trọng với tương lai của ngành ô tô điện.

Chưa kể, các chuyên gia còn lo ngại ô tô điện sẽ mất dần sức thu hút khi trợ cấp nhà nước tại Đức cho ô tô điện sẽ giảm một nửa xuống còn 4.500 Euro (khoảng 4.500 USD) vào năm 2023 và người mua xe hybrid sẽ không còn nhận được khoản hỗ trợ 6.750 Euro như hiện tại.

Các chuyên gia cho rằng, khó có thể thực hiện nhanh giải pháp tách riêng giá điện khỏi giá khí đốt như Liên minh châu Âu đề xuất và đã đưa ra một số giải pháp khác nhanh chóng hơn như tăng thuế đối với ô tô sử dụng xăng, dầu diesel đồng thời miễn các loại thuế này với ô tô điện hoặc cho phép ô tô điện sử dụng làn đường dành cho xe bus và chỗ đỗ xe dành riêng cho xe điện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.