Xã hội

Vì sao chợ đêm Bến Thành vẫn chưa được hoạt động trở lại?

04/08/2022, 20:18

Để đảm bảo an toàn cho người dân, trật tự xung quanh chợ đêm Bến Thành. Sau 2 năm đóng cửa dịch Covid-19, thành phố chưa thể cho mở cửa trở lại.

Thông tin trên được ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM nói tại họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM tháng 7, chiều 4/8.

Ông Phương cho biết, chợ đêm Bến Thành (đường Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, quận 1) đóng cửa 2 năm để phòng dịch. Đến nay, chưa đươc mở cửa trở lại là do khu chợ đêm Bến Thành hoạt động dưới lòng đường nên ảnh hưởng đến an toàn của người mua và người bán.

img

Toàn cảnh buổi họp báo chiều 4/8

Ngoài ra, khu vực này đang lại đại công trường phục vụ hoạt động xây dựng của tuyến metro số 1 và không thuận lợi để giao thông qua lại. Vì vậy, Sở Công thương chưa có đề xuất UBND TP mở lại chợ. Sắp tới, khi các điều kiện an ninh trật tự, ATGT được đảm bảo, Sở sẽ có đề xuất mở lại chợ đêm Bến Thành.

Liên quan đến việc vì sao giá xăng đã giảm mà giá hàng hóa thực phẩm trên địa bàn vẫn chưa giảm, ông Phương cho biết, giá xăng chỉ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất còn các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp hàng bình ổn vẫn đang nỗ lực kìm giá cho người tiêu dùng.

"Giá cước vận tải của các doanh nghiệp vận chuyển cũng chưa giảm nên nhiều mặt hàng vẫn khó giảm giá ngay khi giá xăng giảm", ông Phương nói.

Theo ông Phương, để giữ giá ổn định cho người tiêu dùng, Sở đã khuyến khích các nhà phân phối cân đối giữ giá hàng hoá, áp dụng giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, tích cực kết nối hỗ trợ với ngân hàng để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp sản xuất để doanh nghiệp có thể giảm giá sản phẩm.

img

Ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa - Thể thao

Phóng viên đặt câu hỏi, trước thông tin Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn dự kiến hoàn thành việc trùng tu vào năm 2023, song lại kéo dài đến 2027.

Ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh văn phòng Sở Văn hoá - Thể thao thành phố trả lời, Nhà thờ Đức Bà chưa một lần được trùng tu khiến nhiều hạng mục tại đây xuống cấp nghiêm trọng, tổng vốn đầu tư hơn 140 tỷ đồng, khởi công năm 2017, do Tòa Tổng Giám mục TP.HCM thực hiện.

Theo đúng dự kiến sẽ hoàn thành 2023, tuy nhiên ảnh hưởng dịch Covid-19 và nguyên vật liệu phải nhập từ các nước Bỉ, Pháp, Đức nên ảnh hưởng chậm tiến độ công trình.

Các hạng mục của công trình được tu sửa gồm mái ngói, 2 ngọn tháp, cột, kèo, rui mè, kính... Ngoài ra, các bức tường phía ngoài bị bôi bẩn cũng được làm sạch.

"Việc tháo dỡ hàng rào xung quanh sẽ được thực hiện sau khi công trình tu bổ hoàn thành năm 2027", ông Hoàng Anh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.