Hạ tầng

Vì sao chọn thiết kế cầu Trần Hưng Đạo mang phong cách cổ điển Đông Dương?

14/09/2021, 18:30

Phương án thiết kế mang dáng vẻ cổ điển, có tính chất kết nối văn hóa đã được lựa chọn cho kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng.

Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) vừa hoàn thiện phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo (Hà Nội) bắc qua sông Hồng.

Vị trí cầu Trần Hưng Đạo được nghiên cứu xây dựng nằm ở khoảng giữa cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy. Phía Nam nối vào đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh 2 quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.

img

Phương án kiến trúc được lựa chọn cho cầu Trần Hưng Đạo

Đề xuất 3 phương án thiết kế kiến trúc

Theo nghiên cứu của TEDI, điểm đầu dự án tại ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, Q.Hoàn Kiếm; điểm cuối tại khu vực giao cắt với QL5A (đường Nguyễn Văn Linh), Q.Long Biên. Tổng chiều dài tuyến khoảng 5,57km, tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 8.300 tỷ đồng.

img

Vị trí xây dựng cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng

TEDI cũng đưa ra phương án thiết kế cụ thể các nút giao trên tuyến: Nút giao với đường Trần Hưng Đạo và đường đê Hữu Hồng (đường Nguyễn Khoái, Trần Khánh Dư), nút giao với QL5A (đường Nguyễn Văn Linh),…

Đối với kết cấu cầu chính, TEDI đề xuất sử dụng hệ dầm chủ dạng dầm hộp liên tục bê tông cốt thép dự ứng lực chiều cao thay đổi, bề rộng cầu 31m, kết cấu 2 trụ chính phía ngoài có phần tháp được tạo dáng thẩm mỹ kiến trúc.

img

Phương án thiết kế nút giao trên tuyến

Kết cấu cầu dẫn sử dụng dạng dầm bản rỗng phạm vi trong đô thị và dầm super-T đoạn ngoài bãi sông có chiều rộng thay đổi phù hợp với quy mô mặt cắt tại từng đoạn; Kết cấu cầu nhánh lên xuống sử dụng dạng dầm bản rỗng phạm vi trong đô thị và dầm super T đoạn ngoài bãi sông; quy mô nhánh lên xuống rộng 7m.

img

Phương án thiết kế theo ý tưởng: Người chủ soái

Về kiến trúc của cầu Trần Hưng Đạo, TEDI đưa ra 3 ý tưởng thiết kế, cụ thể như sau:

Phương án 1: Người chủ soái

TEDI cho biết, ý tưởng chính của phương án kiến trục này từ hình tượng vị tổng tư lệnh Trần Hưng Đạo, vị tướng kiệt xuất của triều Trần.

Bố cục tháp chính giữa tượng trưng cho Trần Hưng Đạo, các tháp biên tượng trưng cho toàn quân đoàn kết, hướng về người chỉ huy.

Trụ tháp chính giữa có kiến trúc khác biệt với 4 trụ tháp hai bên, gợi nhớ hình ảnh 5 vị tướng giỏi nhất thời Trần gồm: Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư.

Phương án này mang phong cách đương đại với đường nét mạch lạc khỏe khoắn, tạo hình mạnh mẽ hiên ngang, lấy cảm hứng từ đường nét võ khí và quân phục Việt cổ.

img

Phương án thiết kế theo ý trưởng: Cánh hạc bay

Phương án 2: Cánh hạc bay

Theo TEDI, phương án này lấy ý tưởng từ câu nói nổi tiếng “Chim hồng hạc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh” của Trần Hưng Đạo, nói lên ý nghĩa về sức mạnh đoàn kết.

Cảm hứng từ câu danh ngôn đưa đến ý tưởng về một kết cấu vừa phóng khoáng như chim hạc, vừa là kết hợp hài hòa giữa các bộ phận cấu thành để tạo nên một thể hoàn chỉnh.

Ba vòm chính mềm mại tương phản với 4 tháp nghiêng hai bên, tương hỗ, neo giữ nhau, tạo thành sự thống nhất giữa các mặt đối lập, như tinh thần hài hòa âm dương.

img

Phương án thiết kế kiến trúc theo ý tưởng: Xứ Đông Dương

Phương án 3: Xứ Đông Dương

Theo TEDI, cầu Trần Hưng Đạo với tiêu chí là cầu có tính chất văn hóa, kết nối địa danh lịch sử, các khu vực trung tâm nội đô lịch sử phía Nam sông Hồng với khu vực trung tâm phát triển phía Bắc sông Hồng. Phương án Xứ Đông Dương với ý tưởng kết nối hiện đại và tương lai từ cảnh quan đường Trần Hưng Đạo, xuất phát điểm của cây cầu từ bờ Nam sông Hồng.

Phương án này phù hợp quy hoạch 2 bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của thành phố trung tâm gắn với trục Hồ Tây - Cổ Loa tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm Hà Nội.

TEDI cho biết, phương án mang dáng vẻ cổ điển, thơ mộng, là sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính, nét xưa cũ về một xứ sở đầy màu sắc và sinh động mà Hà Nội là thủ phủ - xứ Đông Dương.

img

Phương án thiết kế này được 13/15 thành viên hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo của UBND TP.Hà Nội lựa chọn

TEDI cho biết đã đề xuất các cấp thẩm quyền lựa chọn phương án kiến trúc xứ Đông Dương (phương án 3) cho cầu Trần Hưng Đạo.

“Phương án này mang ý tưởng kết nối hiện tại và tương lai, kết nối địa danh lịch sử, các khu vực trung tâm nội đô lịch sử phía Nam sông Hồng với khu vực trung tâm phát triển phía Bắc sông Hồng”, đại diện TEDI thông tin.

Phương án tối ưu đã được lựa chọn

Trên cơ sở nghiên cứu, đề xuất của TEDI, vừa qua, Hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo của UBND TP. Hà Nội đã có kết quả đánh giá, xếp hạng các phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Cụ thể, phương án 1 được 1/15 thành viên Hội đồng lựa chọn; phương án 2 được 1/15 thành viên Hội đồng lựa chọn và phương án 3 được 13/15 thành viên hội đồng lựa chọn.

“Phương án 3 được chọn là phương án có số điểm cao nhất. Phương án thiết kế này mang dáng vẻ cổ điển với tiêu chí là cây cầu có tính chất văn hóa, kết nối cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với nhiều công trình kiến trúc đặc trưng kiểu Pháp và Đông Dương sang khu vực phát triển hiện đại Bắc sông Hồng”, PGS.TS.KTS Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Chủ tịch hội đồng đánh giá.

Là thành viên hội đồng tuyển chọn, bà Lã Thị Kim Ngân, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã bỏ phiếu lựa chọn phương án 3. Bà Ngân cho rằng, 3 phương án đưa ra với 3 phong cách kiến trúc. Tuy nhiên, phương án 2 và 3 có phong cách hoàn toàn khác biệt và là 2 xu hướng có thể tiếp tục được nghiên cứu triển khai.

Bà Ngân nhận xét: “Phương án 2 có hướng hiện đại, khác biệt so với kiến trúc các công trình cầu đã có, có tính biểu tượng nhưng chưa có cá tính (lặp lại kiểu kiến trúc đã có của một số cây cầu trên thế giới).

Phương án 3 theo hướng kết nối, hài hòa với phong cách kiến trúc phố cũ, đặc biệt có cá tính riêng, không bị lẫn với kiến trúc đã có. Tuy nhiên, cần được nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng về tỷ lệ giữa các khối, các chi tiết, đường cong của vòm giữa”.

img

Theo đánh giá của thành viên Hội đồng tuyển chọn, phương án 3 thực chất là cầu đúc hẫng đã được thi công nhiều ở Việt Nam. Phương án này dễ thi công, dễ duy tu bảo dưỡng, kinh phí thấp.

Ông Nguyễn Văn Nhậm, chuyên gia Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng cũng cũng bỏ phiếu cho phương án 3. Theo ông Nhậm, phương án 3 thực chất là cầu đúc hẫng đã được thi công nhiều ở Việt Nam. Đây là phương án hợp lý nhất về mặt kết cấu trong 3 phương án đưa ra. Phương án này dễ thi công, dễ duy tu bảo dưỡng, kinh phí thấp.

“Tuy nhiên, để khác với các cầu cùng loại đã và sắp xây dựng ở Hà Nội như: cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Mễ Sở,… cần thiết kế hai đầu tháp đầu cầu đẹp, hệ thống chiếu sáng hợp lý”, ông Nhậm lưu ý.

Hà Nội chấp thuận Công ty Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án

UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản chấp thuận Công ty Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy trình, quy định.

Công ty Him Lam có trách nhiệm liên hệ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội để được cung cấp thông tin và kết quả thực hiện việc tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, làm cơ sở lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án,...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.