Xã hội

Vì sao cơ quan báo chí, nhà báo cần được miễn, giảm thuế?

15/08/2021, 10:09

Nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất miễn, giảm thuế cho cơ quan báo chí và nhà báo trên cả nước do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Báo chí sụt giảm mạnh nguồn thu sau 4 lần bão dịch Covid-19

Bộ KH&ĐT vừa đề nghị bổ sung các cơ quan báo chí, nhà báo vào danh sách đối tượng được gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế.

Trước thông tin trên, ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt cho biết: "Cũng như các thành phần kinh tế khác, các cơ quan báo chí cũng là đối tượng chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19. Báo chí không phải là doanh nghiệp sản xuất trực tiếp, vì vậy khi nền kinh tế bị tổn thương thì kinh tế báo chí sẽ bị tác động không nhỏ”.

img

Cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên luôn tích cực tham gia mặt trận phòng chống dịch Covid-19

Theo ông Định, dịch Covid-19 đã tác động tới doanh nghiệp, đặc biệt là đợt tái bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến nhiều doanh nghiệp không thể kinh doanh được, khó khăn dẫn tới doanh thu sụt giảm và buộc họ phải cắt giảm chi phí, trong đó, chi phí cho báo chí là một trong những khoản nằm trong danh sách.

Điều này đã tác động tới doanh thu của các báo, đòi hỏi Ban Biên tập phải điều chỉnh lại cả khoản chi, dẫn tới thu nhập của cán bộ, nhân viên, phóng viên đều bị cắt giảm nhằm tiết kiệm cho cuộc chiến lâu dài với dịch Covid-19.

Mặt khác, cũng chính bởi tác động trực tiếp từ dịch Covid-19, các hoạt động sự kiện như hội nghị, hội thảo, triển lãm, diễn đàn của các cơ quan báo chí bị ảnh hưởng nặng nề.

“Nhiều sự kiện có thể thực hiện được online, chứ có những sự kiện không thể thực hiện trực tuyến được, điều này tác động trực tiếp tới doanh thu của báo.

Với báo Nông thôn Ngày nay, những năm chưa có dịch Covid-19 tổ chức khoảng 15 – 20 sự kiện hội nghị, hội thảo, toạ đàm… Nhưng năm 2020, số lượng sự kiện giảm xuống còn 5 sự kiện, và năm 2021 đến thời điểm này chưa tổ chức được một sự kiện nào, và dự kiến cuối năm khống chế được dịch thì cũng chỉ tổ chức được 1 -2 sự kiện”, ông Định phân tích và nhấn mạnh: “Nếu được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT và miễn tiền phạt chậm nộp thuế sẽ giảm áp lực cho các cơ quan báo chí, cán bộ nhân viên, phóng viên trên cả nước”.

Mong muốn được giảm VAT và thuế thu nhập cá nhân

Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Tổng biên tập phụ trách báo Tri thức và Cuộc sống nhận định, đề xuất của Bộ KH&ĐT là tín hiệu đáng mừng đối với các cơ quan báo chí, nhà báo.

Theo Bộ KH&ĐT, thời gian vừa qua, lực lượng cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên đã tích cực tham gia trong tuyến đầu chống dịch.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ đại dịch, nhiều cơ quan báo chí doanh thu phát hành, quảng cáo sụt giảm từ 40% - 50%. Đồng thời, chi phí cho lực lượng phóng viên tác nghiệp trong khu vực có dịch tăng cao, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các tòa soạn, cũng như đời sống của người làm báo.

Cụ thể, bà Hương phân tích: Thực tế hiện nay cho thấy kinh tế báo chí gặp khó khăn lớn, không chỉ do dịch bệnh Covid-19 mà cả từ việc thực hiện quy hoạch báo chí trong 2 năm trở lại đây, kéo theo đời sống người làm báo bị ảnh hưởng nhiều.

"Vấn đề đặt ra, có lãi mới phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng báo chí giờ muốn đi ngang còn khó! Chính vì vậy, điều các cơ quan báo chí, nhà báo mong muốn được miễn hoặc giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân", bà Hương nói.

Trước tình hình trên, bà Hương kiến nghị: "Với thuế VAT, có thể xem xét áp dụng thực hiện áp 0% thuế VAT đối với nguồn thu từ khai thác giá trị gia tăng trên nền tảng tài nguyên báo chí, có thời hạn hết năm 2022 bởi theo tình hình hiện nay, hậu quả hậu Covid-19 sẽ dai dẳng cả năm sau, chưa chắc kéo dài tới 2023.

Trường hợp bất khả kháng, đề nghị xem xét giảm thuế VAT từ 30-50%. Với thuế thu nhập cá nhân của đội ngũ người làm báo, đề nghị xem xét mức 0% tới năm 2022, trường hợp bất khả thi, chí ít nên ở mức giảm 50%”.

Được biết, dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của Covid-19 đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ, ngành.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất: Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức như đã áp dụng cho năm 2020; Giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính kiến nghị giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.