Đời sống

Vì sao có tục cúng ông Công ông Táo?

28/01/2021, 19:10

Sự tích, ý nghĩa và phong tục cúng "ông Công ông Táo" - một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam.

ý nghĩa cúng ông công ông táo

Phong tục cúng ông Công ông Táo là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt

Sự tích Táo quân (dân gian gọi nôm na là ông Công ông Táo) có nhiều dị bản, tuy nhiên trong cuốn Nghi lễ dâng hương do trụ trì chùa Quán Sứ hiệu đính, có viết trong các vị thần thời cổ thì thần bếp hay Táo quân là vị thần theo sát cuộc sống của mọi người với vai trò là “tay chân” của Ngọc Hoàng đến với muôn nhà.

Ông Công ông Táo thường ngày ghi lại những công, tội, tốt, xấu của mọi người để hằng năm vào ngày 23 tháng Chạp lại trở về trời báo cáo với Ngọc Hoàng, làm cơ sở để Ngọc Hoàng thưởng cho cái tốt, phạt cái xấu, cái ác. Vì vậy, dân gian nhà nào cũng thành tâm thờ cúng Táo quân, không dám đơn sai. Người dân thờ cũng Táo quân không phải chỉ vì sợ phạt mà còn chủ yếu là muốn cầu xin Táo quân ban cho mình những điều tốt đẹp.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Phạm Văn Tuấn, Viện nghiên cứu Hán Nôm cho biết, trong cuốn Phong tục thời cúng của người Việt do tác giả Song Mai – Quỳnh Trang tuyển soạn có đề cập rất rõ nét về Tết ông Táo.

Theo đó, trong ngày 23 tháng Chạp, ngày Táo quân chầu trời, gia đình nào cũng sửa lễ tiễn, cúng ông Công ông Táo lên trời.

Bàn thờ Táo quân được định vị khác nhau, tùy địa phương, có nơi kê cạnh bàn thờ tổ tiên, có nơi đặt bệ thờ ngay trong bếp, có nơi lại thờ ông Táo ở vách giữa phía sau nhà.

Lễ cũng được cử hành chu đáo, kính cẩn và lễ vật là mâm cỗ mặn. Sau khi lễ xong thì hóa vàng và hóa luôn cả cỗ mũ năm trước.

Nói tới ông Công ông Táo – vua bếp cũng là nói tới lửa. Về thời cổ, Lửa và Nước và phương tiện tẩy sạch, thanh khiết hóa. Một bà, hai ông đầu vào lửa là hình ảnh đầu tiên của nghi lễ thanh khiết. Ngoài ra, dân ta còn tin rằng, ngoài các vị thần hữu danh và vô danh còn có các thần thời gian, gọi là Đại vương hành khiển với 12 vị. Ngày các vị cũ ra đi và các vị mới lại xuống nhân gian trùng với ngày ông Táo lên trời 23 tháng Chạp và trở về mặt đất ngày 30 tháng Chạp (Âm lịch).

Phong tục cúng ông Công ông Táo là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Ngày lễ mang ý nghĩa giáo dục về truyền thống trong các gia đình, truyền tải những mong ước tốt đẹp và góp phần gia tăng thêm hương vị ngày Tết ở Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.