Quản lý

Vì sao còn nhiều đăng kiểm viên bị kỷ luật?

08/06/2015, 08:02

5 tháng đầu năm 2015 vẫn có tới 20 ĐKV tại hơn chục trung tâm bị phát hiện có sai phạm...

81

Tất cả những trường hợp ĐKV bị kỷ luật trong 5 tháng đầu năm 2015 đều do đánh giá sai tình trạng kỹ thuật kiểm định (Ảnh minh họa)

Dù Cục Đăng kiểm VN giám sát chặt các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc, đồng thời xử lý mạnh tay các đăng kiểm viên (ĐKV) vi phạm. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2015 vẫn có tới 20 ĐKV tại hơn chục trung tâm bị phát hiện có sai phạm. Vậy vì sao lại diễn ra tình trạng này?

Do đánh giá sai phương tiện

Theo Cục Đăng kiểm VN, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015 đã có 20 (ĐKV) bị đình chỉ chức danh do sai phạm trong nghề nghiệp, dẫn tới một trung tâm và bốn dây chuyền bị buộc phải tạm ngừng hoạt động. Trong đó, chỉ riêng tháng 5/2015 vừa qua có đến 9 ĐKV của 6 trung tâm đăng kiểm bị phát hiện, xử lý.

Những số liệu trên cho thấy, Cục Đăng kiểm VN tiếp tục giữ nhịp thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT về thực hiện các giải pháp phòng chống tiêu cực và siết chặt chất lượng kiểm định. Dù vậy, số trường hợp vi phạm trên cũng cho thấy tiêu cực, sai phạm trong lĩnh vực này vẫn luôn có nguy cơ quay trở lại.

“Cơ chế tiền lương, thù lao cho người lao động tại các trung tâm đăng kiểm do địa phương hoặc doanh nghiệp chủ quản hiện không đồng đều, có thể khiến các đơn vị, ĐKV cố tình bỏ qua lỗi kỹ thuật để tiêu cực hoặc thu hút phương tiện. Cục Đăng kiểm VN sẽ đánh giá, nghiên cứu để đưa ra một cơ chế vận hành phù hợp, nhằm đảm bảo đời sống ĐKV, người lao động, góp phần phòng ngừa sai phạm, tiêu cực”.

Ông Trần Kỳ Hình
Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN

Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, các trường hợp sai phạm được phát hiện thông qua hoạt động hậu kiểm, phúc tra ngẫu nhiên kết quả kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm hoặc phát hiện sự bất thường qua hệ thống giám sát camera. “Trong các trường hợp bị kỷ luật từ đầu năm 2015 đến nay, không có trường hợp nào do có biểu hiện tiêu cực, nhận tiền của lái xe, mà đều do cá nhân ĐKV bỏ sót nội dung, chi tiết kỹ thuật phương tiện phải kiểm tra; do đánh giá, kết luận không đúng tình trạng kỹ thuật, đánh giá từ không đạt thành đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, tính chất, mức độ vi phạm đã giảm so với năm trước”, ông Trí nói.

Đồng thời, ông Trí cũng lý giải nguyên nhân gián tiếp dẫn đến sai phạm của các ĐKV còn do sự quản lý tại nội bộ của trung tâm đăng kiểm thiếu chặt chẽ. Cùng đó, ĐKV không thường xuyên được luân chuyển kiểm định ở cả 5 công đoạn, dẫn đến có trường hợp chỉ làm ở một công đoạn trong thời gian dài, nên thiếu kinh nghiệm, độ chuẩn xác khi kiểm định công đoạn khác. Ngoài ra, còn do đơn vị, cá nhân ĐKV thiếu chủ động cập nhật, phổ biến các văn bản, hướng dẫn trong hoạt động kiểm định. Bên cạnh đó, cũng có thể từ yếu tố nhạy cảm khác là có đơn vị thúc đẩy ĐKV làm nhanh để tăng năng suất kiểm định, nhằm cạnh tranh, thu hút phương tiện đến kiểm định.

Siết quản lý tay nghề ĐKV

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo hầu hết trung tâm đăng kiểm đều ủng hộ chủ trương của Cục Đăng kiểm VN về việc kiểm tra đột xuất hoạt động kiểm định xe cơ giới đang lưu hành. Biện pháp này có tác dụng răn đe, cảnh báo từ xa, khiến đơn vị và các ĐKV buộc phải ý thức trách nhiệm hơn trong nghề nghiệp. Nói về nguyên nhân ĐKV đánh giá sai tình trạng kỹ thuật phương tiện, giám đốc một đơn vị đăng kiểm (đề nghị không nêu tên) cho biết, công việc của ĐKV là chuẩn đoán phương tiện mà không tháo rời các chi tiết, bộ phận của xe. Vì thế, ĐKV non kinh nghiệm dễ có các thao tác thiếu chuẩn xác (như khi lái phương tiện vào kiểm tra, đạp chân ga để đo khí thải…), dẫn đến kết luận sai.

“Trước đây, người làm nghề đăng kiểm phải tập sự 36 tháng sau đó mới được thi để trở thành ĐKV chính thức. Bây giờ thời gian được rút ngắn xuống còn 6 tháng nên không phải ai mới vào nghề cũng làm tốt ngay”, vị giám đốc nói.

Tuy nhiên, có giám đốc trung tâm đăng kiểm cho rằng, cũng có những yếu tố khách quan dẫn đến việc ĐKV bị kỷ luật. Chẳng hạn cùng một chiếc xe, khi kiểm tra độ chụm đèn pha của xe, độ trượt ngang của bánh xe, phanh… có khi năm lần kiểm tra cho ra năm kết quả khác nhau, mà theo quy định khi phúc tra chỉ cần kết quả sai với tiêu chuẩn là vi phạm. “Ngoài nguyên nhân do trình độ tay nghề của ĐKV, còn do điều kiện mặt phẳng không đạt chuẩn, chỉ cần xe tiến tới tiến lui, tay lái không ở vị trí thẳng tuyệt đối hay áp suất lốp khác nhau cũng dẫn đến kết quả khác”, vị giám đốc này nói.

Ở các nước tiên tiến, chủ xe thường thay thế mới các thiết bị, cụm phụ tùng. Ở nước ta chủ yếu là sửa, khắc phục theo kiểu “vá víu”, mà đa số sửa bằng thủ công. Do vậy, khi kiểm tra khó đạt được giá trị tiêu chuẩn tuyệt đối, có những trường hợp cho kết quả ở trên hoặc dưới một chút của ngưỡng kỹ thuật đạt và không đạt tiêu chuẩn.

Liên quan đến vấn đề kỹ thuật, ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, trên thực tế cũng xảy ra trường hợp có khi hai đến ba lần kiểm tra cho kết quả khác nhau. Đơn cử, khi kiểm tra phanh, có trường hợp khi phanh dừng tại điểm tiếp xúc tốt nhất của tang phanh sẽ cho kết quả đạt yêu cầu, còn tại điểm khác lại không. Do đó, nếu ĐKV ít kinh nghiệm sẽ dễ đánh giá sai kết quả kiểm nhiệm.

Theo ông Hệ, nhằm giảm thiểu tình trạng ĐKV đánh giá sai tình trạng kỹ thuật, Cục Đăng kiểm VN sẽ tổ chức nhiều đợt tập huấn, rút kinh nghiệm cho ĐKV trên toàn quốc. Đồng thời, siết chặt hơn công tác kiểm tra tay nghề để góp phần nâng cao trình độ ĐKV.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.