Hạ tầng

Vì sao đề xuất ACV đầu tư mở rộng Tân Sơn Nhất?

10/04/2019, 06:30

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Bộ GTVT khẳng định cơ quan này đồng thuận phương án giao ACV thực hiện dự án.

img
CHK quốc tế Tân Sơn Nhất thường xuyên đối mặt với tình trạng quá tải

Giao ACV là hợp lý

Theo Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là một trong 21 cảng đang được giao ACV quản lý, khai thác, cung cấp chuỗi dịch vụ hàng không liên tục từ khu bay, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách.

Vì vậy, việc để ACV đầu tư và khai thác thêm 1 nhà ga tại Tân Sơn Nhất không chỉ bảo đảm nguyên tắc mỗi cảng hàng không, sân bay chỉ có một người khai thác mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả, đồng bộ dây chuyền phục vụ với các nhà ga T1, T2 hiện có, tối ưu và nâng cao hiệu quả dự án và các công trình mà ACV đã đầu tư và đang khai thác.

Một lý do quan trọng khác mà cơ quan quản lý vốn Nhà nước đề nghị giao ACV làm chủ đầu tư dự án do đây là công trình có tính chất cấp bách, cần triển khai khẩn trương để giải quyết tình trạng quá tải hiện nay tại sân bay Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của TP HCM và cả nước, đặc biệt là trong việc thu hút và phục vụ khách quốc tế.

Văn bản do bà Hà ký cũng khẳng định: “ACV là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình CTCP với tỷ lệ vốn Nhà nước chi phối gần như tuyệt đối (95,4%), có năng lực, kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý, khai thác các cảng hàng không, sân bay, có nguồn lực tài chính đảm bảo nhu cầu vốn của dự án”.

Trước đó, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Chính phủ giao ACV làm chủ đầu tư dự án này. Sau khi cân nhắc ưu, nhược điểm của 4 hình thức đầu tư (gồm giao cho ACV - Người khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp; Sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; Thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư; Đầu tư xây dựng theo hình thức PPP), Bộ GTVT đề xuất phương án chọn là giao ACV.

Theo Bộ GTVT, giao ACV làm chủ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng có hiệu quả tài chính nói chung và CHK quốc tế Tân Sơn Nhất nói riêng là rất cần thiết, để tạo nguồn bù đắp một phần vốn đầu tư và duy trì khai thác liên tục tại các CHK không mang lại hiệu quả mà ACV đang quản lý để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế vùng miền như: Rạch Giá, Cà Mau, Điện Biên, Đồng Hới, Tuy Hòa...

img
CHK quốc tế Tân Sơn Nhất thường xuyên đối mặt với tình trạng quá tải

An toàn hàng không phải được coi trọng hàng đầu

Cho rằng dự án nhà ga T3 hứa hẹn mang lại cơ hội kinh doanh rất lớn tại một cảng hàng không lớn nhất Việt Nam hiện nay, chuyên gia hàng không Trịnh Như Long nói: Việc lựa chọn nhà đầu tư cũng như thực hiện dự án này như thế nào, cần phải được xem xét một cách tổng thể, trong bối cảnh hoạt động tăng trưởng mạnh mẽ và không được gián đoạn của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.

“Với hàng không, an toàn, an ninh phải được coi trọng hàng đầu và không được đánh đổi vì bất kỳ lý do gì. Điều này hoàn toàn đúng cả trên bình diện quốc tế. Vụ tai nạn đáng tiếc với dòng máy bay Boeing 737 MAX vừa qua là một ví dụ điển hình về việc cộng đồng hàng không dân dụng không thỏa hiệp với vấn đề an toàn, an ninh hàng không”, ông Long phân tích.

Cũng theo ông Long, tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, ACV đang là tổ chức được cấp giấy chứng nhận nhà khai thác cảng hàng không, sân bay theo Luật Hàng không dân dụng VN. Bất kỳ quốc gia nào cũng giao trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh cho máy bay hoạt động tại sân bay cho một nhà khai thác cảng hàng không, sân bay duy nhất nhằm kiểm soát, giám sát và xử lý trách nhiệm về an toàn bay và an ninh hàng không.

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) có các quy định chi tiết và cụ thể về trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh cho hoạt động bay của nhà khai thác sân bay. Dù ai là nhà đầu tư nhà ga T3, ACV cũng vẫn chịu trách nhiệm toàn diện với vấn đề an toàn bay, an ninh hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Việc giao Chính phủ xem xét giao cho ACV đầu tư nhà ga T3, nếu có thể, cũng sẽ là giải pháp hợp lý nhằm tiếp tục duy trì trách nhiệm của ACV với tư cách là nhà khai thác cảng hàng không, sân bay bảo đảm an toàn, an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất và bảo đảm cho Tân Sơn Nhất được khai thác liên tục, an toàn ngay cả khi dự án được thực hiện.

Thông tin thêm về đảm bảo an ninh, ông Long cho biết: Rất nhiều hành khách đã đi qua các nhà ga quốc tế mới xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa tại CHK quốc tế Đà Nẵng và Cam Ranh. Tuy nhiên, ít ai biết được công tác bảo đảm an ninh hàng không tại cả trong và ngoài hai nhà ga này đều đang do ACV đảm nhiệm. Ngay cả ở CHK quốc tế Vân Đồn - CHK tư nhân đầu tiên được xây dựng theo hình thức BOT của cả nước, công tác bảo đảm an ninh hàng không vẫn do ACV đảm nhiệm...

Bộ GTVT sẽ thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng

Liên quan đến một số ý kiến cho rằng, việc Bộ GTVT giao ACV làm nhà đầu tư dự án nhà ga T3 là trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tại buổi tọa đàm về vấn đề này tại Báo Giao thông mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, hiện Thủ tướng chưa kết luận giao cho đơn vị nào. Ngày 18/3, Bộ GTVT đã có báo cáo trình Thủ tướng giao cho ACV thực hiện. Bộ GTVT sẽ thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng về vấn đề này.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch ACV cho biết thêm: “Tôi khẳng định trước đây, chưa bao giờ Thủ tướng chỉ đạo không được giao cho ACV thực hiện dự án này. Hiện các báo cáo đã được trình lên cấp có thẩm quyền và chúng tôi chờ đợi kết luận tới đây của Chính phủ”.

Hơn 11.430 tỷ đồng đầu tư nhà ga T3

ACV hiện đã trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng ga hành khách T3 với công suất thiết kế 20 triệu khách/năm, tổng diện tích mặt sàn khoảng 100 nghìn m2 đồng bộ sân đỗ máy bay, đường dẫn trên cao 2 làn xe, cầu cạn trước nhà ga 5 làn xe và sân đỗ ôtô, nhà để xe cao tầng. Dự kiến, tổng kinh phí hơn 11.430 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn doanh nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.