Quản lý

Vì sao đề xuất bỏ mức trần phí đường cao tốc?

14/05/2020, 18:19

Theo dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất Nhà nước không quy định mức giá tối đa đối với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc...

img
Dù bỏ mức trần phí thu trên cao tốc nhưng doanh nghiệp cũng không thể tăng quá cao do vẫn có đường song hành - Ảnh minh họa

Doanh nghiệp không thể tự tăng phí quá cao

Theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ được giao quy định giá (phí) tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án do Bộ quản lý; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định giá tối đa với các dự án do địa phương quản lý, thay vì Bộ Tài chính quy định như luật hiện hành.

Đặc biệt, dự thảo Luật GTĐB lần này, Bộ GTVT đề xuất Nhà nước không quy định mức giá tối đa đối với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc để kinh doanh.

Với đường cao tốc, mức phí được quy định trong hợp đồng dự án, theo nguyên tắc bảo đảm lợi ích giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, người sử dụng, Nhà nước; Đồng thời, tạo điều kiện để nhà đầu tư thu hồi vốn và lợi nhuận. Trường hợp dự án có rủi ro, Nhà nước cho phép kéo dài thời gian thu, tăng mức thu và các hình thức chia sẻ rủi ro khác.

Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, dự thảo quy định nguồn tài chính từ phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước bao gồm hai loại là phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện và phí sử dụng đường bộ thu đối với phương tiện sử dụng đường bộ cao tốc, đường cấp cao, đường vành đai đô thị được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Lý giải về việc bổ sung nguồn phí sử dụng đường bộ trên đường cao tốc, ông Huyện cho biết, đường cao tốc với dịch vụ cao hơn, an toàn hơn, đường cao tốc có chi phí đầu tư, quản lý, bảo trì lớn hơn, được tổ chức khai thác chặt chẽ hơn so với đường bộ thông thường. Do đó cần phải có quy định khác biệt hơn so với đường bộ thông thường, trong đó có nội dung phí sử dụng đường bộ trên đường bộ cao tốc.

"Với quy định này sẽ đáp ứng một phần nhu cầu về vốn đầu tư, quản lý, bảo trì, khai thác đường cao tốc; đồng thời góp phần điều tiết giao thông, phát huy hiệu quả của dự án, bảo đảm công bằng đối với các phương tiện khi lưu thông trên các tuyến cao tốc nói chung do Nhà nước hoặc doanh nghiệp đầu tư. Mặt khác, người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ có sự lựa chọn khi sử dụng tuyến đường bộ cao tốc có tuyến đường bộ thông thường song hành", ông Huyện cho biết.

Lý giải về đề xuất bỏ mức phí trần trên cao tốc, ông Huyện cho biết, hiện nay mức phí trần từng tuyến cao tốc sẽ tùy thuộc vào phương án tổ chức tài chính xây dựng từ đầu, cũng không phải tự ý nhà đầu tư muốn tăng. Cao tốc là đường chất lượng cao, đường tốt, phương tiện đi vào sẽ phải trả tiền, nhưng nếu nhà đầu tư đưa ra mức giá cao quá, phương tiện sẽ không đi vào, giống như bán hàng giá đắt sẽ bán được ít. Nhiều nước trên thế giới đã bỏ việc quản lý mức trần phí cao tốc, thậm chí còn điều tiết mức phí theo giờ cao điểm và thấp điểm, như vậy mới hiệu quả", ông Huyện nói.

Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp

Trước đó, trong văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GTVT cho biết, thời điểm năm 2019 đã có 45 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT. Trong đó, có 2 dự án doanh thu chỉ đạt 13 - 15%.

Nguyên nhân được Bộ GTVT chỉ ra chủ yếu là do giảm giá vé cho phương tiện lân cận trạm thu phí và giảm giá vé theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35/2016. Bên cạnh đó do sự gia tăng các phương tiện sử dụng vé tháng, quý, năm; lưu lượng xe qua trạm thu phí ở một số tuyến thấp hơn so với dự báo.

"Đặc biệt là việc chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT theo chỉ đạo của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô. Các doanh nghiệp BOT gặp nhiều khó khăn khi phải bổ sung kinh phí để trả nợ ngân hàng theo kế hoạch. Các ngân hàng đã có ý kiến về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ đối với khoản vay", Bộ GTVT cho biết.

Từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện, các doanh nghiệp BOT bị ảnh hưởng trực tiếp do lưu lượng phương tiện giảm sâu, dẫn đến doanh thu giảm, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Có tới 58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50% so với dự báo.

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như tăng mức thu phí; tái cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi vay phát sinh; giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp cần thiết, đề xuất để Nhà nước trưng mua lại toàn bộ dự án.

"Việc phương án tài chính bị ảnh hưởng là do chính sách giá khi điều hành kinh tế vĩ mô (miễn, giảm phí; chưa tăng phí theo lộ trình) và các yếu tố khách quan dẫn đến doanh thu thu phí thấp hơn doanh thu dự báo trong hợp đồng dự án", Bộ GTVT cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.