Giao thông

Vì sao Đèo Cả bất ngờ dừng hợp tác đầu tư hệ thống thu phí không dừng?

19/12/2019, 17:36

Tasco yêu cầu Đèo Cả đặt cọc số tiền 60 tỷ đồng để thực hiện chuyển nhượng cổ phần trước khi triển khai các công việc tiếp theo của dự án.

img
Nhiều dự án trên QL1 đã lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng - Ảnh minh họa

Tập đoàn Đèo Cả vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Tập đoàn Tasco và Công ty TNHH thu phí tự động VETC thông báo dừng tìm hiểu thông tin để hợp tác đầu tư tại dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 (BOO1). Ông Lưu Xuân Thuỷ, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã có cuộc trao đổi với các cơ quan báo chí về vấn đề này.

Khác nhau về quan điểm mục tiêu

Thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả đã làm việc với Tasco và Công ty thu phí tự động VETC ký các biên bản làm việc ngày 29/10/2019 và 5/11/2019 để tham gia tìm hiểu hợp tác triển khai đầu tư tại dự án BOO 1. Vì sao, đến nay, Đèo Cả lại xin dừng, thưa ông?

Tôi khẳng định, việc triển khai thu phí tự động không dừng là chủ trương rất đúng đắn của Chính phủ, Đèo Cả cũng lắp đặt thiết bị thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí tại các dự án Tập đoàn đã đầu tư. Nhưng với khó khăn của BOO1, chúng tôi cũng lo lắng vì không biết kết nối và triển khai tiếp như thế nào.

Việc chúng tôi dừng tìm hiểu thông tin và dừng đàm phán với Tasco để hợp tác đầu tư tại dự án BOO1 áp dụng cho QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên xuất phát từ sự khác nhau về quan điểm mục tiêu và sự thiếu nhất quán của Công ty CP Tasco.

Thực tế, quá trình phối hợp sau khi thoả thuận hợp tác giữa các bên được ký kết gặp nhiều bất cập và phía Tasco đã không nhất quán quan điểm. Tôi cho rằng hiện nay, Tasco chỉ quan tâm tới việc thoái vốn và rút lui khỏi dự án nhằm tránh thiệt hại nhất và không quan tâm đến việc phải tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc của dự án.

Cụ thể, Tasco đã yêu cầu đặt cọc số tiền 60 tỷ đồng để thực hiện chuyển nhượng cổ phần trước khi triển khai các công việc tiếp theo của dự án và yêu cầu Tập đoàn Đèo Cả bổ sung tài sản thế chấp ngân hàng để Tasco rút tài sản đang thế chấp trong khi tình trạng dự án đang âm dòng tiền và chưa ai hiểu rõ về thực trạng về dự án hiện nay sẽ đi về đâu. Việc này đã không nhất quán với các nội dung trước đó của lãnh đạo hai đơn vị đã thống nhất phương án tháo gỡ.

Trong quá trình tìm hiểu dự án, theo ông đâu là khó khăn, vướng mắc của dự án này?

Với vai trò là Phó Chủ tịch của Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi) khi làm việc với các nhà đầu tư BOT, tôi nhận thấy, tất cả các nhà đầu tư hạ tầng giao thông đều thống nhất cao và tuân thủ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về chủ trương tổ chức thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức ETC trên nguyên tắc đảm bảo công khai, minh bạch, hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư BOT, nhà đầu tư dự án ETC và người dân.

Thực tế, hiện nay tất cả các trạm thu phí trên QL1 đều đã lắp đặt và vận hành tối thiểu 2 làn ETC hơn 1 năm qua, thể hiện việc rõ việc họ rất đồng tình và ủng hộ chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, việc triển khai dự án thực tế đang rất khó khăn do có những bất cập như: Để sử dụng được dịch vụ, chủ phương tiện phải nộp tiền vào tài khoản trả trước của nhà đầu tư ETC (tại Ngân hàng BIDV) mà chưa có sự kết nối liên thông với tài khoản tại các ngân hàng khác của chủ phương tiện. Chưa áp dụng các hình thức thanh toán khác như: Ví điện tử, thẻ cào,… gây khó khăn, bất tiện khi người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt. Đồng thời, người dùng dịch vụ ETC phải chuyển tiền trước vào tài khoản ETC nhưng không được tính lãi.

img
Ông Lưu Xuân Thuỷ, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả

Tiếp đến, các trường hợp miễn phí vẫn phải trừ tiền khi đi qua trạm và chỉ được hoàn trả lại trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày phát sinh giao dịch. Đặc biệt, khi năng lực tài chính và uy tín của nhà đầu tư chưa được xác định, không có sự bảo lãnh ngân hàng, thống nhất của Ngân hàng Nhà nước thì việc người dân nộp tiền trước tạo nên số dư rất lớn tại tài khoản của nhà đầu tư sẽ có thể xảy ra rủi ro, tranh chấp kinh tế.

Đồng thời, tất cả các trạm thu phí trên QL1 đều đã lắp đặt và vận hành tối thiểu 2 làn ETC hơn 1 năm qua, tuy nhiên số lượng phương tiện dán thẻ (e-tag) và sử dụng dịch vụ ETC còn rất thấp (khoảng 800.000/3,5 triệu phương tiện) do việc thanh toán khó khăn, bất tiện. Ngoài ra, do tỷ lệ phương tiện sử dụng thấp nên doanh thu của dự án ETC bị sụt giảm so với dự kiến.

Cộng đồng trách nhiệm với Bộ GTVT để tháo gỡ khó khăn cho dự án

Ông kỳ vọng thế nào về việc giải quyết các vướng mắc này?

Chủ trương của Chính phủ về việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng là rất đúng đắn. Tuy nhiên, với cách thức triển khai hiện nay đã làm phát sinh nhiều vướng mắc và xung đột, không đáp ứng tiến độ đề ra, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư BOT, tạo dư luận tiêu cực về lĩnh vực hợp tác công - tư. Tôi cho rằng, các bên liên quan đến dự án đã nhìn ra các khiếm khuyết khi triển khai thí điểm mô hình ETC với thời gian quá gấp gáp, các nhà đầu tư mong muốn Chính phủ sớm có chỉ đạo sớm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc và tiếp tục triển khai dự án thu phí tự động không dừng hoàn thành trong thời gian tới.

Đây là lĩnh vực mới, Bộ GTVT đã tích cực triển khai dự án khi đã phê duyệt đầu tư, đánh giá năng lực của nhà đầu tư, xác định công nghệ, quyết định tổng mức đầu tư và phương án tài chính để hoàn thành việc thu xếp và giải ngân tín dụng cho thực hiện dự án nhưng phương án triển khai trên thực tế đến nay sẽ khó khả thi khi chưa đánh giá các tác động bị ảnh hưởng của môi trường xung quanh,… Các nhà đầu tư rất mong mỏi các bên liên quan chia sẻ, cùng cộng đồng trách nhiệm với Bộ GTVT để tháo gỡ khó khăn cho dự án này.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.