Thời sự

Vì sao đô thị lớn cứ mưa là ngập?

24/12/2018, 08:03

Tại các đô thị lớn, vấn đề xử lý ngập úng chưa được giải quyết căn cơ do quá trình đô thị hóa...

17

Nước ngập đường phố TP.HCM do mưa và triều cường

Chia sẻ với PV Báo Giao thông về việc tại các đô thị lớn, vấn đề xử lý ngập úng chưa được giải quyết căn cơ, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, nguyên nhân do quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số, mở rộng đô thị, nhiều hồ, ao, kênh rạch bị san lấp, lấn chiếm; diện tích bề mặt bị bê tông hóa ngày càng gia tăng khả năng chứa nước và tiêu thoát tự nhiên giảm đáng kể. Mặt khác, quá trình đô thị hóa cũng gia tăng tải trọng lên nền đất yếu, làm gia tăng lún sụt nền đất.

Tính dự báo trong quy hoạch đô thị cũng vẫn còn hạn chế, chưa dự báo được các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đặc biệt mưa cực đoan vượt mức tính toán của quy hoạch và mức triều cường gia tăng bất thường vượt mức báo động cấp III. Dẫn giải từ TP.HCM, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết, đến nay địa phương này đã có 3 quy hoạch được phê duyệt gồm: Quy hoạch tổng thể thoát nước của thành phố được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 6/2001(Quy hoạch 752); Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt tháng 10/2008 (Quy hoạch 1547); Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 được phê duyệt đầu năm 2010 (Quy hoạch 24).

Tuy nhiên, thời điểm lập các quy hoạch này chưa tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng và mưa “cực đoan”. Tính toán dự báo quy hoạch nói trên chưa dự báo được các diễn biến phức tạp và bất thường của thời tiết tác động đến hệ thống thoát nước thành phố. Các tuyến cống được tính với lượng mưa tối đa là 95mm trong 3 giờ ứng với mực nước triều là +1,32m. Trong khi đó, đã xuất hiện những trận mưa gia tăng cả tần suất và vũ lượng. Điển hình ngày 25/11 vừa qua, tại quận Tân Bình, TP.HCM có vũ lượng mưa từ 200 - 400mm.

“Công tác quy hoạch và quản lý cao độ nền tại các thành phố đô thị lớn chưa được xem trọng. Những đô thị đặc biệt, thành phố trực thuộc Trung ương cần thiết lập quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt theo Nghị định số 37/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009”, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật nhấn mạnh.

Ngoài ra, công tác lập, thực hiện dự án đầu tư thoát nước còn hạn chế, năng lực hệ thống tiêu thoát nước chưa đồng bộ, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa: “Hệ thống thoát nước hiện hữu đã được xây dựng từ lâu, hư hỏng, nhiều bùn, rác. Việc kết nối giữa hệ thống thoát nước mới và cũ, giữa hệ thống thoát nước đô thị và hệ thống sông, rạch, thủy lợi còn hạn chế, năng lực tiêu thoát nước của toàn hệ thống còn kém. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các dự án, giải quyết vấn đề về thoát nước chống ngập còn chậm”, vị đại diện phân tích.

Trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch Xây dựng (QCXDVN: 01/2008/BXD) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật (QCVN 07:2016/BXD) đã có quy định bắt buộc tuân thủ trong lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, thiết kế xây dựng đối với hệ tầng kỹ thuật nói chung và các công trình thoát nước nói riêng như: Yêu cầu về cao độ nền, chu kỳ trận mưa tính toán đối với các loại đô thị, yêu cầu về độ dốc, các yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống thoát nước. “Hiện, Bộ Xây dựng đã và đang triển khai theo kế hoạch xây dựng và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật ngành xây dựng. Trong đó có QCVN 01:2008/BXD đang được rà soát cập nhật phù hợp phát triển đô thị cũng như ảnh hưởng Biến đổi khí hậu, nước biển dâng tới quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Bộ Xây dựng sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất”, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.