Giao thông

Vì sao doanh nghiệp buýt liền kề Đà Nẵng đồng loạt “cầu cứu” Thủ tướng?

31/10/2019, 11:55

Lo ngại các tuyến buýt liền kề bị đẩy ra khỏi trung tâm, 8 doanh nghiệp buýt liền kề tuyến Quảng Nam - Đà Nẵng gửi đơn "cầu cứu" Thủ tướng...

img
8 doanh nghiệp vận tải buýt liền kề của Quảng Nam và Đà Nẵng với khoảng trên 120 xe buýt đang đứng trước nguy cơ bị khai tử - Ảnh minh họa

Phá vỡ trật tự vận tải, lo "xe dù" bùng phát

Lo ngại tình trạng xe dù sẽ bùng phát trong nội đô khi nhiều tuyến buýt liền kề bị đẩy ra khỏi trung tâm như đề xuất của Sở GTVT Đà Nẵng, 8 doanh nghiệp vận tải xe buýt liền kề liên tỉnh tuyến Quảng Nam - Đà Nẵng vừa có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.

Theo các doanh nghiệp vận tải TP Đà Nẵng, các tuyến xe buýt liên tỉnh không được hoạt động trong nội đô sẽ gây khó khăn trong việc di chuyển, đi lại của người dân, nảy sinh tình trạng “xe dù, bến cóc” và khiến trật tự vận tải khách bị phá vỡ.

Đơn kêu cứu của 8 doanh nghiệp vận tải khách được cấp phép hoạt động trên tuyến buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết, ngay từ đầu những năm 90, các doanh nghiệp này đã mạnh dạn đầu tư phương tiện kinh doanh vận tải buýt liền kề không trợ giá trên 5 tuyến, có hành trình đi vào nội đô TP Đà Nẵng.

"Với lưu lượng vận chuyển bình quân trên 8.300 lượt khách/ngày, qua nhiều năm, các tuyến buýt này đã tạo được thói quen, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch. Nhờ tuyến buýt này được kết nối với các tuyến xe buýt nội thành có trợ giá, người dân dễ dàng tiếp cận với các trường học, bệnh viện, nơi tham quan du lịch, giao lưu văn hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Điều quan trọng, xe buýt liền kề giúp giảm thiểu phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc, đảm bảo ATGT cho hai hai địa phương", nội dung đơn kêu cứu nêu.

Các doanh nghiệp cũng cho biết đã thay mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng tuyến xe buýt liền kề mẫu, giúp người dân có hành trình thuận tiện, an toàn. Qua khảo sát, lấy ý kiến hơn 2.500 hành khách đi trên các tuyến buýt liền kề cho thấy, người dân đều mong muốn giữ nguyên lộ trình như hiện nay và đề nghị đầu tư đổi mới phương tiện.

Khách sẽ bỏ tuyến, hơn 120 đầu xe thành sắt vụn

Mặc dù vậy, gần đây các doanh nghiệp vận tải buýt liền kề cho biết rất bất ngờ khi Sở GTVT Đà Nẵng trình UBND thành phố chủ trương đưa các tuyến xe buýt liền kề tuyến Quảng Nam - Đà Nẵng ra khỏi trung tâm, chỉ được hoạt động ở ngoại thành cách trung tâm trên 10 km. Nếu theo lộ trình đề xuất này, người dân muốn đến được trung tâm phải qua 2 lần đón xe, mất thêm 1 lần tiền mua vé mới.

Việc đưa các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố sẽ gây khó cho việc đi lại của người dân, chưa kể người già yếu, đau ốm, tần tật thì sự bất tiện đó sẽ tăng lên nhiều lần, người nghèo, người lao động thu nhập thấp, học sinh, sinh viên càng thêm khó khăn. Các loại xe dù có điều kiện phát triển, gây ùn tắc, mất ATGT, nhất là sẽ gây lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước trong việc trợ giá xe buýt.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Văn Dũng, Giám đốc Xí nghiệp Vận tải, Công ty CP GTVT Quảng Nam nhìn nhận, việc đưa các tuyến xe buýt liền kề cách trung tâm 10km sẽ tạo điều kiện cho các loại xe dù thừa cơ bùng phát. Hơn nữa, việc bỏ tuyến buýt này sẽ tạo thêm áp lực giao thông thành phố, do người dân sẽ phải sử dụng xe máy vào nội thành nhiều hơn. Trong khi đó, xe buýt có trợ giá khó đảm bảo được mỗi ngày có gần 10.000 lượt khách đi lại giữa từ bến xe vào trung tâm thành phố.

img
Theo Hiệp hội Vận tải ô tô VN, nếu theo đề xuất của Sở GTVT Đà Nẵng đưa điểm đầu, điểm cuối của 5 tuyến buýt liền kề từ Quảng Nam đi Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố 11km là không phù hợp với mục tiêu hoạt động của xe buýt- Ảnh minh họa

“Xe buýt liền kề không trợ giá đã hoạt động bình thường gần 20 năm nay, các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh xe buýt vẫn đi vào trung tâm thành phố, tại sao Đà Nẵng lại cấm? Nếu điều đó xảy ra, hành khách sẽ không đi xe tuyến này nữa, doanh nghiệp sẽ phá sản, hàng trăm người lao động mất việc làm, trên 120 đầu xe sẽ thành sắt vụn”, ông Dũng chua xót.

Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp vân tải khách tại Đà Nẵng cũng cho rằng”, đề xuất này đi ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước về giảm thiểu phương tiện cá nhân, xóa sổ “xe dù, bến cóc".

Đi ngược với chủ trương, gây thêm ùn tắc

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền cho biết, trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, không có quy định điểm đầu, điểm cuối của các tuyến xe buýt phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách.

“Nếu theo đề xuất của Sở GTVT Đà Nẵng đưa điểm đầu, điểm cuối của 5 tuyến buýt liền kề từ Quảng Nam đi Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố 11 km là không phù hợp với mục tiêu hoạt động của xe buýt. Khi đó, sẽ thêm một lượng phương tiện khác đưa khách từ bến xe vào thành phố và ngược lại, tăng thêm ùn tắc, làm tăng chi phí và thời gian đi lại của người dân", ông Quyền nói.

Cũng theo ông Quyền, xu thế hiện nay là mở rộng, tăng tỷ trọng của vận tải khách công cộng, nhất là đối với xe buýt, tạo tiện lợi trong nhu cầu đi lại của hành khách, an toàn, tiết kiệm, nhất là đối với những người lao động có thu nhập thấp. Tại nhiều cuộc họp trực tuyến ATGT với các địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã chỉ đạo chuyển các tuyến vận tải khách cố định có cự ly trên dưới 100 km, có tần suất lớn thành các tuyến buýt liền kề. Nhiều tỉnh, thành phố đã chuyển các tuyến này thành xe buýt như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Đắk Lắk…

“Đây là chủ trương đúng nhằm xóa bỏ tình trạng xe hợp đồng trá hình hay còn gọi là xe Limousine len lỏi vào nội thành gây ùn tắc giao thông, hạn chế “xe dù, bến cóc”. Tôi cho rằng, việc không tạo điều kiện cho các tuyến buýt liền kề hoạt động là đi ngược lại chủ trương này và nhu cầu của hành khách”, ông Quyền khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.