Giao thông

Vì sao dự án nút giao cầu vượt Dầu Giây, Đồng Nai chậm tiến độ?

14/06/2019, 18:05

Dự án nút giao Dầu Giây vẫn đang có nguy cơ vỡ tiến độ do chậm bàn giao mặt bằng.

img
Thi công trên công trường cầu vượt Dầu Giây.

Ngày 14/6, Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng đoàn đã kiểm tra thực địa dự án nút giao cầu vượt Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai). Đây là dự án đầu tư theo hình thức xây dựng chuyển giao (BT).

Báo cáo với Đoàn công tác, ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban QLDA 7 cho biết đến nay nhà thầu đã thi công xong phần mở rộng mặt đường song hành trên QL1 và phần đường công vụ đoạn từ đầu tuyến về ngã tư Dầu Giây và nhánh rẽ Hà Nội - Đà Lạt. Đã thông xe cầu Gia Đức và đường hai đầu cầu, hoàn thiện hệ thống thoát nước trên phạm vi được bàn giao mặt bằng.

Hiện nhà thầu thi công được 7/11 mố, trụ, lao lắp dầm được 6/10 nhịp, đổ bê tông cốt thép bản mặt cầu 5/10 nhịp, khoan cọc nhồi mố trụ được 29/46 cọc, còn lại do vướng mặt bằng nên chưa triển khai.

Theo ông Khoát, về tiến độ chung, nhà thầu thi công rất chậm, cầm chừng. Ngoài nguyên nhân khách quan do vướng GPMB trên QL1 từ Km1832+400-Km1833+000 và nhánh rẽ Đà Lạt - TP.HCM, nguyên nhân chính là do năng lực yếu kém. Còn tình trạng huy động thiếu nguyên, vật liệu… khiến thi công không đáp ứng tiến độ.

img
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra thực địa công trường nút giao Dầu Giây chiều 14/6

Lãnh đạo Ban 7 đề nghị UBND huyện Thống Nhất ưu tiên giải ngân chi trả cho các hộ dân để GPMB xong phía bên phải tuyến QL1 đoạn từ ngã tư Dầu Giây về cuối tuyến, bàn giao mặt bằng trong tháng 6 để thi công đường song hành, sau đó tổ chức thi công 4 nhịp còn lại của cầu vượt Dầu Giây.

“Theo tiến độ gia hạn, công trình phải hoàn thành trước 30/8/2019 với điều kiện địa phương bàn giao mặt bằng trước 30/5/2019. Tuy nhiên, đến nay địa phương vẫn chưa bàn giao được mặt bằng sạch để thi công đoạn còn lại. Do đó, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo doanh nghiệp dự án và nhà thầu thi công tập trung nguồn và nguồn lực để đáp ứng đúng tiến độ”, ông Khoát cho hay.

Ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết, cách đây vài ngày, UBND huyện đã tổ chức họp với người dân và công bố phương án đền bù tái định cư. Theo ông Cương, phương án đền bù giải tỏa 1 lần với mức giá đã được UBND tỉnh phê duyệt. Dự kiến, trong tháng 6, sẽ chi trả bồi thường và bàn giao mặt bằng cho các hộ nằm ở phần bên phải tuyến.

Chỉ đạo tại hiện trường, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định đã gần tới ngày phải hoàn thành nhưng dự án nút giao, cầu vượt Dầu Giây tiến độ thi công chậm.

“Hiện công tác GPMB vẫn còn quá chậm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Trước mắt, cần tập trung bàn giao đoạn bên phải tuyến để thi công nốt các trụ móng quan trọng. Ban 7 cần tiếp tục giám sát đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, phối hợp chặt với địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng cho dự án”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Nút giao thông ngã tư Dầu Giây kết nối QL20-QL1 đoạn qua Đồng Nai sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giải quyết “điểm đen” giao thông trên QL1. Tuy nhiên, đến nay, công trình đang khá ngổn ngang. Dự án được khởi công vào đầu tháng 2/2017, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2018. Dự án nút giao Dầu Giây có hạng mục chính là xây dựng cầu vượt dọc theo QL1, mặt cắt ngang cầu là 16m với 4 làn xe cơ giới. Phần nút giao được mở rộng cả trên QL1 và QL20. Ngoài ra, một đoạn QL20 dài 1,5km được mở rộng từ nút giao Dầu Giây về hướng Đà Lạt… Tổng mức đầu tư cho toàn bộ hạng mục là gần 299 tỷ đồng, bằng nguồn vốn dư thuộc dự án khôi phục, cải tạo QL20 đoạn Dầu Giây - Bảo Lộc.

Chiều cùng ngày 14/6, theo lịch trình Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cùng đoàn công tác tiếp tục kiểm tra tuyến tránh thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.