Xã hội

Vì sao dự báo thời tiết cực đoan Việt Nam chưa chính xác?

02/03/2018, 07:31

Ngoài bão, Việt Nam còn xuất hiện khoảng 20 loại hình thời tiết cực đoan khác...

16

Trận lũ quét khiến gần 20 người chết hồi tháng 8/2017 tại xã Nặm Păm, huyện Mường La, Sơn La

Bản tin dự báo cần dài hạn hơn, chi tiết hơn

Nhớ lại trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng hồi tháng 8/2017, khiến gần 20 người chết và mất tích, anh Cà Văn Biên, Trưởng bản Hua Nậm, xã Nặm Păm, huyện Mường La, Sơn La cho biết: "Tối 2/8/2017 thông qua hệ thống phát thanh của địa phương, anh nghe được thông tin cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét tại khu vực Mường La. Tới khoảng 20h, trời bắt đầu mưa to. Càng về sau mưa càng to khác thường. Tôi vội xách chiếc loa chạy ra ngoài kêu gọi mọi người trong bản chạy lũ. Vừa lên tới khu vực cao thì nước tràn về, cuốn phăng tất cả”. Sau trận thiên tai ấy, anh Biên bày tỏ: “Giá như bản tin dự báo chính xác hơn, dự báo dài hạn trước thời điểm xảy ra thì người dân sẽ kịp thời gian di chuyển tài sản, không thiệt hại nặng nề như thế”.

"Trong giai đoạn 2016-2019, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) sẽ hỗ trợ 191 quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, đặc biệt là tăng cường các sản phẩm về cảnh báo sớm và phát triển dịch vụ khí tượng. Điều này sẽ giúp tăng cường năng lực ứng phó thiên tai của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư, giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại về tính mạng và tài sản. "

Giáo sư Petteri Taalas
Tổng Thư ký WMO

Với địa hình đa dạng, từ đồng bằng chiêm trũng tới đồi núi, Ninh Bình là một trong những địa phương có nguy cơ xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Bình nhận định: Thông tin ngành Khí tượng thủy văn rất quan trọng đối với công tác phòng chống thiên tai tại địa phương.

“Thông tin dự báo được địa phương đón nhận và chia ra thành 3 thời kỳ: Trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai, kèm với đó là công tác chuẩn bị ứng phó, chỉ đạo thực hiện và khắc phục thiệt hại. Chính vì thế, chính quyền địa phương các cấp đều có chung nguyện vọng nhận được thông tin dự báo dài hạn trước 3 ngày xảy ra thiên tai; trong trường hợp chỉ có thể dự báo ngắn hạn thì nên dự báo chi tiết vùng có thể xảy ra thiệt hại để tập trung chỉ đạo và ứng phó”, ông Tiến nói.

Theo TS. Đặng Thanh Mai, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiện vẫn chủ yếu dựa trên thống kê, các bản đồ về địa hình kết hợp dự báo mưa từ các mô hình số, dữ liệu mưa từ ảnh vệ tinh, viễn thám. Tuy nhiên, mạng lưới trạm quan trắc đo mưa tại các khu vực vùng núi, thượng nguồn sông suối, nơi hình thành lũ quét, sạt lở đất lại chưa đủ dày, kèm theo hạn chế về khoa học kỹ thuật, nên hiện chưa dự báo chi tiết, cụ thể và có độ chính xác cao.

“Các bản tin hiện nay chưa dự báo được chính xác, chi tiết về thời gian, địa điểm, cường độ, phạm vi xuất hiện lũ quét, sạt lở đất mà mới dừng ở mức cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất theo huyện hoặc xã, vùng và mang tính chất định tính nhiều hơn định lượng”, bà Mai cho biết.

Năm 2020, tăng thời hạn dự báo thời tiết cực đoan

Theo các chuyên gia, không những phải hứng chịu nhiều cơn bão mạnh, Việt Nam còn xuất hiện khoảng 20 loại hình thời tiết cực đoan khác như: Lũ ống, lũ quét, dông lốc, vòi rồng, mưa đá… Tuy nhiên, việc dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan này vẫn đang là khó khăn, thách thức của cơ quan khí tượng thủy văn.

Ông Trần Hồng Thái, Phó tổng giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia - Phó chủ tịch Ủy ban Bão quốc tế nhận định: “Thông thường các cơ quan khí tượng chỉ nhận diện cảnh báo được trước thời điểm xảy ra khoảng 15-20 phút, lâu nhất 30 phút. Các bản tin dự báo dài hạn của Việt Nam mới đang áp dụng cho nhiệt độ, lượng mưa, thủy văn với độ chính xác khoảng 80%”.

Theo ông Thái, rào cản của ngành Khí tượng hiện nay là mạng lưới quan trắc còn thưa, chỉ đạt 20 -30% mật độ so với khu vực, khoảng 50% trạm tự động, còn nhiều trạm đo thủ công. Nguồn lực đầu tư cho mạng lưới quan trắc, truyền tin, dự báo còn hạn chế; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ các bản tin dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, chi tiết hóa các dự báo điểm…

Để khắc phục, cải thiện chất lượng dự báo, ông Thái cho biết, ngành Khí tượng thủy văn đang tiếp cận các công nghệ mới dự báo tốt hơn như: Xây dựng mạng lưới radar, cảnh báo dông sét, tăng dày mạng lưới quan trắc và tỷ lệ các trạm tự động, các mô hình dự báo tổ hợp… “Ngay trong năm 2018, cơ quan khí tượng sẽ báo đưa ra những bản tin gần gũi dễ hiểu với người dân; có những dự báo điểm thay vì các bản tin dự báo chung chung như trước đây nhằm tăng độ chính xác”, ông Thái khẳng định. Ông còn thông tin thêm, đến năm 2020, khi Việt Nam đã có hệ thống radar hoàn thiện, chắc chắn sẽ tăng thời hạn dự báo thiên tai, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.