Chỉ đổ cột, chờ mặt bằng
Đầu giờ chiều 4/5, khu lán trại của liên danh thi công gói thầu số 19 cạnh đường Nguyễn Văn Cừ (phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) mở cổng, nhưng không một bóng người. Cửa nhà ban chỉ huy công trình khóa kín…
Phía bên kia đường, khu đất công giao cho Dự án đường Vành đai phía Tây cỏ mọc đầy. Cuối khu đất, một chú bò được nhốt trong cái chuồng gỗ cũ kỹ, có lẽ đã dựng khá lâu, không ai thèm đuổi…
"Thời gian qua, để khỏi rảnh việc, công ty phải đúc một số cọc ở mặt bằng nơi khác, sau này vận chuyển vào hiện trường, chấp nhận khó khăn và tốn kém vì chưa có mặt bằng.
Ở quận Bình Thủy, người dân chưa nhận tiền đền bù nên không cho chúng tôi đặt ống bơm cát. Nhưng cát cũng chưa có mà bơm.
Thực ra, công ty cũng triển khai được vài trăm mét đường, nhưng cũng không có cát để thi công", một lãnh đạo Công ty Đầu tư và Xây lắp Trí Việt cho biết.
Hai đơn vị này cùng với CIENCO 5 là liên danh đảm nhận gói thầu số 19 trị giá 508,8 tỷ đồng của Dự án đường Vành đai phía Tây, khởi công ngày 10/3/2023.
Còn dự án đường Vành đai phía Tây khởi công trước đó, vào ngày 17/11/2022 - tức đã hơn 17 tháng.
Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Trí Việt nhờ cùng lúc đang thi công một số dự án khác nên công nhân, máy móc… được điều sang, không phải nằm chờ. Còn Công ty CP Vật tư thiết bị xây dựng công trình 624 chờ khi nào có mặt bằng mới huy động nhân lực, thiết bị… về công trường.
Do phải chờ mặt bằng, nên đến thời điểm này, gói thầu số 19 có tiến độ chậm nhất. Hiện khối lượng thi công gói thầu này mới đạt 7,829 tỷ đồng - chỉ đạt 1,54%. Thành viên còn lại trong liên danh này là CIENCO 5 hiện chỉ đang thi công các phần việc như: đào khuôn đường, đắp cát K90 và đúc các cấu kiện đúc sẵn như gối cống, giếng thu…
Tuyến đường này có chiều dài 19,264km. Trong tổng số khoảng 1.243 trường hợp bị ảnh hưởng, dự kiến bố trí tái định cư (TĐC) khoảng 464 trường hợp.
Đến nay, mới phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ cho 673 hộ dân với số tiền là 991,94 tỷ đồng (đạt 54%). Đã tiến hành chi trả cho 655 hộ dân với số tiền 991,94 tỷ đồng (đạt 52,5%). Và Và các địa phương mới bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đạt khoảng 50%.
Sở GTVT thành phố Cần Thơ - chủ đầu tư dự án cho biết, dự án đã khởi công được 4 trên tổng số 7 gói thầu thi công xây lắp. Giá trị thực hiện của 4 gói thầu đạt khoảng 369 tỷ đồng, đạt 16,92% giá trị hợp đồng.
Các gói còn lại đã có kết quả thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án mới có kết quả thẩm định hồ sơ dự toán.
Chủ đầu tư nói gì về tiến độ giao mặt bằng?
Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó giám đốc Sở GTVT thành phố Cần Thơ cho biết, khoảng hơn 50% tổng số hộ dân bị ảnh hưởng đã được chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và đã bàn giao mặt bằng.
Nhưng còn những hộ dân chưa được phê duyệt (do vượt tổng mức đầu tư) nên mặt bằng chưa liên tục nên chưa thể triển khai thi công đồng bộ được toàn bộ các gói thầu số 16, 17, 19.
Và ông Tùng đề nghị UBND quận Ninh Kiều, Ô Môn, Bình Thủy, huyện Phong Điền chỉ đạo Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ xét pháp lý, phê duyệt và bàn giao mặt bằng các gói thầu đang triển khai thi công như gói 16, gói 17, gói 19 và gói 20, khi chủ trương và tổng mức dự án được phê duyệt.
Tập trung ưu tiên giải phóng mặt bằng các đoạn ưu tiên để triển khai thi công các gói 16, 17 và 19 thuộc địa bàn quận Ô Môn, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền.
Gói thầu số 17, nhờ đã được giao 80% mặt bằng, nên tiến độ thi công khả quan nhất, đạt khối lượng thi công 149,840 tỷ đồng, tương đương 26,9%.
Mặt khác, các khu TĐC của các quận, huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện và một số khu chưa có giá nền, nên chưa đủ điều kiện để bàn giao nền TĐC cho các hộ dân.
Do đó, theo ông Tùng, đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC. Và đây là vấn đề cần được khắc phục, đẩy nhanh tiến độ, giao nền sớm cho các hộ dân bị ảnh hưởng nhằm tăng tỷ lệ giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Theo UBND quận Bình Thủy, quận đang tập trung đẩy nhanh, thực hiện tốt công tác thẩm định chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC, đối thoại, xử lý nhanh khi dân có khiếu nại… nhằm tăng tốc độ giải phóng mặt bằng cho dự án này...
Và trong chuyến kiểm tra thực tế dự án đường Vành đai phía Tây ngày 22/4 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ nhấn mạnh: Đối với nguồn vốn được bố trí năm nay, ưu tiên cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và các hạng mục xây cầu vì làm cầu mất nhiều thời gian.
UBND các quận, huyện tập trung cho công tác xây dựng các khu TĐC để bố trí cho người dân bị ảnh hưởng dự án.
Ngoài ra, chủ đầu tư và các quận, huyện có thể tổ chức họp giao ban định kỳ một tháng/lần nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện…
Dự án đường Vành đai phía Tây (nối quốc lộ 91 và quốc lộ 61C) khởi công ngày 17/11/2022. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 3.838 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.838 tỷ đồng); trong đó, chi phí xây dựng 2.684 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 1.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2026.
Theo thiết kế, Vành đai phía Tây có điểm đầu nối quốc lộ 91 tại quận Ô Môn, đi qua các quận, huyện: Bình Thủy, Phong Điền, Ninh Kiều, Cái Răng rồi nối vào quốc lộ 61C.
Toàn tuyến dài 19,3km, mặt cắt ngang đầu tư hai đơn nguyên, mỗi bên 16,5m (phần mặt đường 11m), vận tốc thiết kế 50 - 60 km/h... với 25 cầu; trong đó, lớn nhất là cầu Ba Láng vượt sông Cần Thơ dài 518m, 14 cống mỗi bên cùng 9 nút giao và 9 điểm quay đầu xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận