Thời sự Quốc tế

Vì sao đường phố Trung Quốc từng vắng bóng giờ lại nhộn nhịp hàng rong?

Nhiều thành phố tại Trung Quốc đã nới lỏng quy định cấm bán hàng rong trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm chạp sau dịch Covid-19.

Gánh nặng mưu sinh buộc nhiều người dân Trung Quốc quay trở lại bán hàng rong

Tại Trung Quốc, khi cuộc sống dần trở lại bình thường sau đại dịch Covid-19, những xe hàng rong cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên phố.

Nhiều người tìm đến công việc này để có thêm thu nhập trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm chạp sau đại dịch và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Cô Wang Chunxiang là một ví dụ. Sau 6 năm nghỉ việc, giờ cô quay lại với công việc bán bánh bột nhào trên xe đẩy rong ruổi khắp những con phố đông đúc tại Thượng Hải vì mức lương nhân viên vệ sinh quá thấp, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt.

img

Cô Wang Chunxiang kiếm sống nhờ xe đẩy bán bánh bột nhào tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

“Do đã bước vào giai đoạn trung niên và trình độ học vấn không cao, tôi chỉ có thể kiếm được 5.000-6.000 Nhân dân tệ (khoảng 868 USD)/tháng khi làm nhân viên vệ sinh. Trong khi đó, giá thuê nhà tại Thượng Hải rất đắt đỏ. Ngay cả những căn hộ chất lượng thấp cũng có giá 2.000-3.000 nhân dân tệ/tháng”, cô Wang, 43 tuổi, cho hay.

Khi chuyển sang bán hàng rong, mỗi hộp bánh bột nhào có giá 15 nhân dân tệ/hộp, cô có thể kiếm được 10.000 nhân dân tệ/tháng.

Theo hãng tin Reuters, áp lực kinh tế đã khiến nhiều người dân Trung Quốc buộc phải mưu sinh bằng nghề bán hàng rong bất chấp khả năng bị phạt, tịch thu hàng hóa.

Cô Wang Xuexue, 28 tuổi, rong ruổi bán hoa trên đường phố Thượng Hải bằng chiếc xe tay ga, thừa nhận, nhiều lần cô cũng rơi vào cảnh hớt hải chạy trốn lực lượng chức năng nhưng vẫn chấp nhận.

Cô không muốn kinh doanh tại các khu vực được phép buôn bán theo quy định vì đây là những khu vực có thu phí nhưng không có nhiều hành khách qua lại.

Từng mạnh tay dẹp bỏ, nhiều địa phương Trung Quốc cho phép bán hàng rong trở lại

Hàng chục năm qua, nhiều thành phố Trung Quốc đã cấm hoặc quản lý chặt chẽ hoạt động bán hàng rong, kinh doanh quầy hàng trên đường phố nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, thời gian gần đây, không ít thành phố tại Trung Quốc đã nới lỏng quy định cấm bán hàng rong trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia này chậm phục hồi sau đại dịch.

Trong tháng 5, thị trấn Truy Bác, tỉnh Sơn Đông trở thành hiện tượng trên mạng xã hội tại Trung Quốc sau khi đông đảo du khách đổ về đây để thưởng thức các quầy bán thức ăn đường phố giá rẻ. Lượng du khách đổ về đông tới mức giới chức địa phương phải phát cảnh báo về tình trạng quá tải.

Trung tâm công nghệ Thâm Quyến vốn cấm bán hàng rong từ năm 1999, nay vừa thông báo sẽ nới lỏng quy định vào tháng 9. Trong khi đó, TP Thượng Hải đang lấy ý kiến cộng đồng về sửa đổi quy định cấm bán hàng rong. Vào tháng 4, thành phố này đã lập 74 địa điểm cho phép người bán hàng rong hoạt động.

Trong tháng 5, TP Lan Châu cũng thông báo sẽ lập các khu vực cho phép mở quầy hàng trên đường phố trong bối chính quyền cảnh thành phố đang khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

img

Một xe bán đồ ăn trên đường phố tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Ông Bruce Pang - nhà kinh tế trưởng tại tập đoàn tư vấn bất động sản, thương mại toàn cầu Jones Lang Lasalle, cho biết: “Không khó hiểu vì sao một số chính quyền địa phương tại Trung Quốc thử nghiệm cho phép bán hàng trên đường phố khi họ đang gặp áp lực rất lớn về ổn định kinh tế địa phương và tạo công ăn việc làm”.

Theo hãng tin Reuters, thị trường việc làm tại Trung Quốc khá ảm đạm với tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ trong độ tuổi 16-24 lên mức cao kỷ lục 20,4% trong tháng 4, trong khi con số của tháng 3 là 19,6%. Cũng trong tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tại Trung Quốc (tính chung tất cả độ tuổi) là 5,2%.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), trong năm nay sẽ có số lượng kỷ lục (11,58 triệu) sinh viên dự kiến tốt nghiệp đại học, gia nhập thị trường lao động tại Trung Quốc. Trong khi đó, SCMP nhận định cơ hội việc làm tại Trung Quốc hiện khá hạn chế trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.