Quản lý

Đường thủy gặp khó khăn gì trong ứng dụng công nghệ vào quản lý hạ tầng?

10/09/2020, 07:32

Vài tháng gần đây, một số ứng dụng quản lý trực tuyến phao, đèn tín hiệu, đo mực nước tự động, camera giám sát ATGT bị lỗi.

imgCục Đường thủy nội địa VN đang nỗ lực khắc phục lỗi phần mềm quản lý phao, thiết bị đọc mực nước tự động để sớm vận hành trở lại. (Ảnh: hệ thống camera, thiết bị đọc mực nước tự động tại sông Lô)

Khó khăn trong triển khai

Khu vực cầu Việt Trì - Hạc Trì trên sông Lô là một trong các vị trí được Cục Đường thủy nội địa VN thí điểm lắp trạm đo mực nước tự động và camera giám sát tàu thuyền từ năm 2016. Hệ thống này có chức năng tự động ghi nhận sự thay đổi của mực nước, truyền trực tuyến dữ liệu về trung tâm xử lý để phục vụ thông báo luồng chạy tàu, đếm lượt tàu thuyền qua lại phục vụ quản lý vận tải và công tác bảo đảm ATGT đường thủy.

Tuy nhiên, đầu tháng 9/2020, có mặt tại khu vực trên, PV Báo Giao thông ghi nhận nhân viên đơn vị quản lý tuyến đường thủy trên hàng ngày phải thực hiện đo mực nước bằng thủ công. Camera đếm phương tiện cũng không truyền được dữ liệu như trước.

Trạm quản lý tuyến cho biết, từ khoảng 4 - 5 tháng nay hệ thống thiết bị tự động trên không hoạt động được nên mới phải chuyển sang làm thủ công như trước đây. “Chúng tôi không rõ nguyên nhân tại sao các ứng dụng trên bị trục trặc, không truy cập vào phần mềm được nữa nên chuyển sang phương thức thủ công. Theo quy định, mỗi ngày, trạm phải hai lần thực hiện đo mực nước để ghi chép, cập nhật và truyền thông tin thủ công”, đại diện trạm này cho hay.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các trạm quản lý đường thủy khác như tuyến sông Hồng, sông Thái Bình.

Ngoài ra, vài tháng gần đây, ứng dụng quản lý, giám sát tự động từ xa đối với phao, đèn tín hiệu trên phao dẫn luồng cũng đang dừng hoạt động khiến việc quản lý phao, đèn tín hiệu gặp nhiều khó khăn.

Theo một trạm trưởng quản lý đường thủy trên tuyến sông Hồng qua Hà Nội cho biết, các phao trên tuyến đều đã được gắn thiết bị định vị GPS, thiết bị giám sát tình trạng hoạt động (cường độ sáng, chế độ chớp). Trước đây, chỉ cần theo dõi trên máy tính, điện thoại là phát hiện ngay được phao nào di chuyển lệch khỏi vị trí hoặc ánh sáng, chế độ chớp không đảm bảo để khắc phục.

Tuy nhiên, vài tháng gần đây ứng dụng phần mềm này dừng hoạt động, có khi phao bị trôi giạt nhưng trên máy tính vẫn báo ở nguyên vị trí. Giờ định mức số lần kiểm tra tuyến giảm xuống nên nhân viên trên trạm phải phối hợp với nhân dân địa phương hỗ trợ, báo tin khi phát hiện phao trôi, đèn tín hiệu trục trặc.

Theo tìm hiểu, sau hơn 3 năm thí điểm, hệ thống ứng dụng nhắn tin điện thoại cho phương tiện vào cảng, bến đến nay cũng đang được rà soát, đánh giá hiệu quả. Hệ thống 55 trạm AIS (hệ thống thông tin tự động) đã được lắp đặt đến nay để phục vụ quản lý phương tiện thủy trên hành trình cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành.

imgGiao thông thủy qua khu vực cầu Đuống, sông Đuống

Giải pháp nào khắc phục và định hướng phát triển?

Trao đổi với Báo Giao thông, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Lê Minh Đạo cho hay, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã nắm được tình trạng trên. Nguyên nhân cơ bản là do phần mềm của chương trình quản lý đang bị lỗi.

Phần mềm quản lý hoạt động phao, thiết bị định vị GPS do một đơn vị công nghệ thông tin xây dựng, cung cấp. Tuy nhiên thời gian vừa qua phần mềm bị lỗi, hệ thống tiếp nhận tín hiệu từ các đèn không thể hoạt động. Hiện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đang nỗ lực triển khai việc sửa chữa, khắc phục lỗi phần mềm trong điều kiện nguồn kinh phí để xây dựng phần mềm quản lý và duy trì hệ thống còn rất khó khăn.

Nhấn mạnh sẽ sớm khắc phục tình trạng trên, ông Đạo thông tin, trong tháng 9/2020 Cục Đường thủy sẽ triển khai hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung cấp phần mềm quản lý phao qua GPS và đo mực nước tự động để đưa vào hoạt động thử nghiệm, phục vụ công tác quản lý phao đèn đến ngày 31/12/2020; còn phần mềm quản lý hệ thống camera sẽ được triển khai trong một dự án khác.

“Sắp tới, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ triển khai dự án Tích hợp công nghệ thông tin trong lĩnh vực đường thủy nội địa từ Chương trình Aust4Transport cho Chính phủ Úc tài trợ với kinh phí khoảng 500.000 đô la Úc (tương đương 6,8 tỷ đồng) để cải tạo, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin phục vụ quản lý ngành Đường thủy. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp công tác quản lý kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo hướng đồng bộ, hoàn chỉnh hơn trên cơ sở củng cố và tích hợp hệ thống hiện có”, ông Đạo cho biết.

Đầu tư hơn 2.556 đèn gắn thiết bị định vi, 63 trạm đo mực nước tự động

Trong giai đoạn 2017-2019, Cục Đường thủy nội địa VN đã ưu tiên triển khai thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hạ tầng đường thủy quốc gia, nhằm hiện đại hóa quản lý và giảm chi phí quản lý bảo trì thường xuyên.

Cụ thể, ngành đã triển khai lắp 2.556 đèn trên phao gắn thiết bị định vị GPS; lắp 63 trạm đo mực nước tự động, 50 vị trí điều tiết giao thông lắp camera; nghiên cứu ứng dụng xây dựng bản đồ số hạ tầng đường thủy và đầu tư hệ thống Trung tâm giám sát ATGT để quản lý tập trung hệ thống phao, đèn tín hiệu.

Ngoài ra, Cục cũng thí điểm lắp đặt hệ thống thiết bị cảnh báo tàu thuyền tự động tại một số cầu vượt sông, thử nghiệm phao vật liệu nhựa PE thay thế cho phao sắt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.