Xã hội

Vì sao giảm 2% thuế VAT chỉ áp dụng đến hết tháng 6/2025?

30/11/2024, 18:16

Tại phiên họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã lý giải việc chỉ giảm 2% thuế VAT đến hết tháng 6/2025.

2 lý do không không kéo dài thời gian

Chiều nay (30/11), trong buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, PV Báo Giao thông đặt câu hỏi, Quốc hội đã quyết định giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng đầu năm 2025. Đây là quyết định được nhiều doanh nghiệp chờ đón để có thêm nguồn lực phục hồi và phát triển bền vững hơn.

Tuy nhiên tại sao thời hạn không áp dụng cho cả năm 2025 để thực sự hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp cả về tâm lý và nguồn lực?

"Cùng với đó việc giảm thuế thu nhập cho báo chí đã nhận được ý kiến góp ý của một số đại biểu đề nghị cần giảm hơn nữa để tạo thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan báo chí. Việc này, cơ quan soạn thảo và thẩm tra sẽ tiếp thu như thế nào?", PV Báo Giao thông nêu câu hỏi.

Vì sao giảm 2% thuế VAT chỉ áp dụng đến hết tháng 6/2025?- Ảnh 1.

Ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Trả lời nội dung này, ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã nhiều lần trình giảm 2% thuế VAT.

"Lần này thời hạn giảm chỉ thực hiện trong 6 tháng, vì liên quan đến cân đối ngân sách của địa phương. Khi Chính phủ trình thì dự toán ngân sách đã được Quốc hội thông qua, cho nên giảm thuế cả năm thì sẽ ảnh hưởng đến cân đối", ông Tuấn Anh nói.

Nguyên nhân thứ hai được ông Vũ Tuấn Anh đưa ra là do Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

"Do đó việc giảm 2% đến hết tháng 6/2025 là phù hợp. Khi hết thực hiện Nghị quyết giảm thuế thì sẽ chuyển sang quy định của Luật mới vừa được thông qua", ông Vũ Tuấn Anh nói.

Liên quan đến giảm thuế thu nhập cho báo chí, ông Tuấn Anh cho hay, vừa qua, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, Chính phủ bám sát chiến lược cải cách thuế, giảm diện đối tượng không chịu thuế, cũng như là thuế suất 5%, để tiến tới thực hiện một mức thuế suất.

Vừa qua Chính phủ đánh giá rất nhiều loại hàng hóa dịch vụ để làm sao điều chỉnh đối tượng không chịu thuế, cũng như là giảm thuế suất 5%.

"Một số đại biểu Quốc hội đề nghị đối với lĩnh vực văn hóa, trong đó có báo chí cần giảm thuế suất. Tuy nhiên, chúng ta cũng xã hội hóa rất nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hóa, báo chí.

Qua rà soát, xem xét thì thấy thực hiện chiến lược cải cách thuế thì sau này sẽ áp chung một mức thuế suất, không còn ưu đãi thuế nữa.

Thông lệ quốc tế cũng như các tổ chức quốc tế đã khuyến nghị chúng ta rất nhiều lần là việc ưu đãi thuế không đảm bảo tính công bằng. Do đó việc hỗ trợ thì sẽ không hỗ trợ qua thuế", ông Tuấn Anh nói.

Chính phủ chưa trình Quốc hội sửa mức giảm trừ gia cảnh

Tại cuộc họp báo, báo chí cũng phản ánh câu chuyện về mức giảm trừ gia cảnh đã được nêu nhiều, Bộ Tài chính cũng đã có thông tin lấy ý kiến. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2026 mới thông qua và năm 2027 mới thực hiện. Trong khi mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã rất lạc hậu, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Vì sao giảm 2% thuế VAT chỉ áp dụng đến hết tháng 6/2025?- Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp báo.

Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Tuấn Anh cho biết, nhiều đại biểu đã có ý kiến về việc sửa mức giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, nội dung này từ lâu Chính phủ chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trên thực tế, so với thời điểm điều chỉnh trước đây thì mức giảm trừ gia cảnh đã có nhiều thay đổi. Trong quá trình làm việc với cơ quan soạn thảo, các cơ quan Quốc hội đã có ý kiến nghiên cứu thay đổi.

Song, Bộ Tài chính thời gian qua đang tập trung vào việc sửa các lĩnh vực vướng mắc cần tháo gỡ ngay. Trong sửa Luật Thuế giá trị gia tăng cũng đã điều chỉnh ngưỡng chịu thuế giá trị gia tăng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng. Việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ đồng bộ để giảm ngưỡng chịu thuế với các hộ, cá nhân sản xuất kinh doanh.

"Liên quan giảm trừ gia cảnh, khi sửa luật sẽ trình các mức điều chỉnh. Nhưng theo thẩm quyền thì Chính phủ chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét điều chỉnh", ông Vũ Tuấn Anh nói.

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Trong đó, đề xuất thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, doanh thu tính thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh... trước khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Đối với mức giảm trừ gia cảnh, tờ trình dự thảo thừa nhận mức hiện hành được áp dụng từ năm 2020 đến nay nên cũng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới.

Hiện mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, bên cạnh mức giảm trừ quá thấp, biểu thuế hiện hành cũng được đánh giá chưa hợp lý, quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm từ 7 bậc (hiện nay là 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%) xuống mức phù hợp; cùng với đó xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.