Vận tải

Vì sao Hà Nội chậm sắp xếp luồng tuyến?

22/11/2016, 08:08
image

Hà Nội lại vừa đề xuất thay đổi phương án sắp xếp, điều chỉnh luồng tuyến so với kế hoạch đã được chốt...

6

Xe khách Anh Huy dừng đỗ đón khách tùy tiện tại số 1 Khuất Duy Tiến (Hà Nội) gây mất trật tự ATGT

Hà Nội lại vừa đề xuất thay đổi phương án sắp xếp, điều chỉnh luồng tuyến so với kế hoạch đã được chốt thời gian hoàn thành trong tháng 10/2016. Dư luận và các doanh nghiệp (DN) đặt ra câu hỏi là vì sao các phương án sắp xếp luồng tuyến liên tục thay đổi, thiếu nhất quán và chậm triển khai?

Nắn tuyến, không theo quy hoạch đã duyệt

Tháng 5/2016, Sở GTVT Hà Nội có Báo cáo số 583/BC-SGTVT đề xuất Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội cho phép điều chỉnh Quy hoạch chi tiết (điều chuyển trước các tuyến đi 4 tỉnh như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Lắk từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm). Đề xuất này đã được Bộ GTVT đồng ý về chủ trương và khẳng định, các tuyến do Sở GTVT Hà Nội đề xuất điều chỉnh như trên đã có trong danh mục tuyến vận tải hành khách liên tỉnh tại Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc.

Tuy nhiên, khi kế hoạch sắp xếp, điều chỉnh luồng tuyến này tưởng như đã được chốt và cứ thế triển khai, hoàn thành trước tháng 10 thì ngày 12/10, Sở GTVT Hà Nội lại có Báo cáo số 1246 gửi UBND TP Hà Nội đề xuất thay đổi phương án điều chỉnh luồng tuyến. Theo đó, thay vì việc sắp xếp theo quy hoạch, kế hoạch đã đưa ra, Sở GTVT Hà Nội  lại trình một phương án hoàn toàn mới.

Tại cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu Sở GTVT Hà Nội sớm hoàn thành các giải pháp phân tuyến, phân luồng và không được “bàn lùi” khi thấy có sự phản đối của một vài Sở GTVT, DN. Ông Chung yêu cầu hướng xử lý là phương tiện phía Nam đến đâu thì chỉ dừng ở đấy, phía Bắc đến đâu cũng chỉ về đến đó. Còn lại vận chuyển hành khách tới các điểm sẽ do Tổng công ty Vận tải Hà Nội bố trí xe buýt tiếp tục trung chuyển.

Ngày 21/11, trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội xác nhận thông tin đã từng đề xuất Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo hướng điều chỉnh trước các tuyến đi 4 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Lắk từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm và nhận được sự đồng ý của Bộ GTVT. Tuy nhiên, các tỉnh sau đó đã có ý kiến gửi Thủ tướng, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội cho rằng, phương án này chưa hợp lý, đồng thời đề nghị giữ ổn định các tuyến đang hoạt động.

Ông Viện cũng cho rằng, sau khi nghiên cứu thấy phương án trên chưa đồng bộ về hướng tuyến nên Tổ công tác đã xây dựng phương án tổng thể, điều chỉnh toàn bộ các tuyến vận tải phù hợp với định hướng quy hoạch chi tiết với hơn 39,8 nghìn chuyến xe/tháng, trong đó điều chỉnh từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm hơn 15,2 nghìn chuyến, từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Yên Nghĩa hơn 5,7 nghìn chuyến, từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Gia Lâm hơn 300 chuyến… Cùng đó, có điều chỉnh ngược lại hơn 1,2 nghìn chuyến từ bến xe Nước Ngầm về bến xe Mỹ Đình, 150 chuyến từ bến xe Nước Ngầm về bến xe Yên Nghĩa…

Ông Viện đồng thời xác nhận, trong bản kế hoạch mới có điểm đáng chú ý là sẽ đề xuất việc nắn tuyến. Cụ thể, các xe từ bến xe Mỹ Đình đi các tuyến: Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk theo Đại lộ Thăng Long - đường Hồ Chí Minh. “Hiện, Sở GTVT Hà Nội đang thực hiện quy trình đề nghị Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch luồng tuyến vận tải làm cơ sở để triển khai. Sở cũng đang làm việc với các Sở GTVT liên quan để tổ chức thực hiện”, ông Viện cho biết.

Ngay sau khi Sở GTVT Hà Nội có Văn bản số 1303 gửi Bộ GTVT thông báo nội dung báo cáo UBND TP Hà Nội tại Văn bản 1246/BC-SGTVT, ngày 7/11, Bộ GTVT có văn bản khẳng định: “Các cơ quan tham mưu của Bộ chưa được Sở GTVT lấy ý kiến” và cho đến ngày 7/11, Bộ GTVT cũng chưa nhận được ý kiến của UBND TP Hà Nội về vấn đề sắp xếp, điều chỉnh tuyến vận tải trên địa bàn. Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thuỷ, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, hiện Hà Nội đang làm văn bản báo Bộ GTVT nhưng chưa có văn bản chính thức về việc điều chuyển luồng tuyến này. Khi nhận được báo cáo, Bộ GTVT sẽ có ý kiến chính thức.

7
Xe Anh Huy bị CSGT xử lý trên đường Vành đai 3 trên cao, Hà Nội do vi phạm dừng đỗbắt khách trái phép - Ảnh: PV

Chậm ngày nào tắc ngày đấy

Trước thông tin Sở GTVT Hà Nội đưa ra phương án “nắn tuyến” và đưa ra lộ trình thực hiện mới đã có nhiều ý kiến không đồng tình và cho rằng, việc điều chỉnh xe tuyến đi Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long - đường Hồ Chí Minh không đúng với quy hoạch luồng tuyến của Bộ GTVT. Phương án mới làm kéo dài thời gian điều chỉnh luồng tuyến, khiến giao thông khu vực Mỹ Đình thêm ùn tắc.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, việc sắp xếp, điều chỉnh luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh của Sở GTVT Hà Nội đang rất lúng túng, chậm chạp, gây hoang mang trong các DN vận tải. “Đến giờ này cần phải quyết liệt thực hiện sắp xếp, điều chuyển tuyến vận tải hành khách liên tỉnh theo đúng phương án đã xây dựng. Xe chạy phía Bắc phải về đúng bến xe phía Bắc, các xe chạy tuyến phía Nam, phía Đông cũng phải thực hiện tương tự chứ không phải chỉ điều chuyển trước các tuyến đi 4 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Lắk”, ông Thanh nêu quan điểm. 

Tương tự, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, Sở GTVT Hà Nội chưa đánh giá đúng mục đích của chủ trương điều chỉnh luồng tuyến nhằm để đảm bảo TTATGT. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo xe đến bến nào đầu tiên, từ hướng nào đến thì phải vào bến đó. Nhưng, hiện nay xe phía Nam lại chạy lên Mỹ Đình, xe phía Bắc lại chạy lên Giáp Bát... gây ra ùn tắc giao thông.

“Khi đã có chủ trương, giải pháp thì phải thực hiện. Nhưng, Sở GTVT Hà Nội lại đưa giải pháp đi hỏi ý kiến các Sở GTVT địa phương và DN. Tôi nói thẳng là không cần phải hỏi vì Bộ GTVT trước khi phê duyệt Quyết định 2288 đã hỏi ý kiến các sở và DN rồi. Bây giờ cứ thế thực hiện thôi”, ông Liên bày tỏ quan điểm đồng thời cho rằng, nhiều ý kiến nói, nếu sắp xếp như vậy sẽ gây ra khó khăn cho hành khách phải di chuyển nhiều mới ra được bến xe chỉ là ngụy biện, bởi trong phương thức vận tải không có nước nào trên thế giới lại đặt bến xe ở tận nhà. Dứt khoát hành khách phải di chuyển. Ngay cả tàu điện ngầm cũng vậy, hành khách phải đi bộ có khi hàng cây số mới ra được bến tàu. Không có phương thức vận tải nào vận chuyển hành khách từ nhà đến nhà được.

Một DN vận tải trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng cũng bày tỏ, việc sắp xếp lại luồng tuyến tại Hà Nội là rất cần thiết để lập lại trật tự vận tải, tránh ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, việc kéo dài, thiếu dứt khoát và còn nhiều bất cập đang khiến các DN thấp thỏm, lo âu.

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, hiện Bộ GTVT đã cử các cơ quan tham mưu và đơn vị chức năng cùng Hà Nội xây dựng các phương án sắp xếp, điều chỉnh luồng tuyến. Việc điều chỉnh luồng tuyến của Hà Nội được thực hiện dựa trên việc điều chỉnh quy hoạch các bến xe trong thời gian tới. Khi Hà Nội có đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch luồng tuyến, nếu thấy hợp lý thì Bộ GTVT sẽ có văn bản chấp thuận.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.