Xã hội

Vì sao Hà Nội cưỡng chế, “xóa sổ” nhà hàng nổi Hồ Tây?

24/02/2017, 07:01

Sáng qua (23/2), UBND quận Tây Hồ đã tiến hành cưỡng chế, dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép trên Hồ Tây...

1

Xe chuyên dụng được huy động để thực hiện phá dỡ các nhà hàng nổi Hồ Tây - Ảnh: Xuân Đoàn

Sáng qua (23/2), UBND quận Tây Hồ đã tiến hành cưỡng chế, dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép trên Hồ Tây, đoạn từ số 2 đến số 10 đường Nguyễn Đình Thi, mở đầu cho kế hoạch chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh của các nhà nổi, du thuyền tại đây.

“Xóa sổ” hoạt động kinh doanh giải trí trên Hồ Tây

Từ 8h sáng qua (23/2), UBND quận Tây Hồ bắt đầu tổ chức cưỡng chế, giải tỏa các công trình xây dựng trái phép tại Hồ Tây. Ghi nhận của PV Báo Giao thông, trước đó, khoảng 7h30 sáng, một số tuyến đường dẫn vào khu vực đường ven hồ nơi tập trung các du thuyền, nhà nổi đã được lực lượng công an chốt trực, cấm các phương tiện ra, vào.

Đáng chú ý, do không biết kế hoạch cấm đường của UBND quận Tây Hồ nên nhiều người dân vẫn đi theo lộ trình hàng ngày và buộc phải quay lại khi bất ngờ gặp hàng rào cấm. Đúng giờ cao điểm, lượng phương tiện đông nghẹt vì thế, rất nhiều tuyến đường xung quanh khu vực này đã bị ùn tắc nghiêm trọng. 

Thống kê cho thấy, có 13 đơn vị kinh doanh, hoạt động tại khu vực Hồ Tây. Phương tiện thủy hoạt động tại đây gồm nhiều chủng loại, kích thước đa dạng với 8 tàu du lịch, một tàu thể thao; 13 xuồng máy (canô); 10 thuyền chèo tay; 115 vịt đạp nước; 3 bến đợi, 4 nhà nổi, 9 sàn nổi, phao nổi; 16 cầu dẫn, sàn cứng (không có thiết kế, đăng kiểm).

Khoảng 8h30, lệnh cấm vòng ngoài được gỡ bỏ, tuy nhiên vòng trong vẫn duy trì hàng rào với hàng chục cán bộ công an phường chốt trực. Do đó, dù có mặt tại đây từ sớm, song PV cũng không thể tiếp cận được hiện trường, chỉ có thể đứng từ xa. Một nhà bạt đã được dựng lên ngay gần Ban Quản lý Hồ Tây để tiện công việc chỉ đạo. Để đảm bảo an toàn, phía điện lực đã cho cắt điện và công nhân nhanh chóng thu dọn toàn bộ đường dây dẫn điện ra các du thuyền, nhà nổi. Máy cẩu, máy xúc được đưa vào hiện trường cùng nhiều dụng cụ dỡ bỏ khác. Dưới hồ, các canô hỗ trợ cũng được đưa tới. Trong 4 nhà thuyền, thì Potomac được cơ quan chức năng chọn dỡ bỏ đầu tiên. Cùng lúc, hàng chục công nhân được đưa vào bên trong nhà nổi để dọn đồ, đồng thời đập bỏ các trụ cầu dẫn. Phía ngoài, xe cẩu, máy xúc làm nhiệm vụ kéo đổ cổng chào, rào chắn....

Chị Thủy (sống ở phố Trích Sài) cho biết, sống gần Hồ Tây nên ngày nào cũng đi qua khu vực này. “Việc di dời mấy nhà nổi này tôi đã nghe từ vài năm nay, cứ thỉnh thoảng lại thấy gióng lên rồi lại im. Đến hôm nay, thấy máy móc đưa đến tháo dỡ như thế này chắc là mới giải tỏa thật”, chị nói và cho biết thêm, chị hoàn toàn ủng hộ việc làm này của quận Tây Hồ. Dù việc này làm bây giờ cũng là quá muộn nhưng kiên quyết thế này còn hơn không. Hồ Tây đáng nhẽ phải được làm sạch từ lâu, nếu cứ để các nhà nổi này hoạt động, xả thải thẳng xuống, thì hồ sẽ còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trao đổi nhanh với Báo Giao thông tại hiện trường, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, việc cưỡng chế được tiến hành theo đúng chủ trương của thành phố. “Đây là kế hoạch của thành phố nhằm chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng khai thác thủy sản của doanh nghiệp trong phạm vi quản lý Hồ Tây”, ông Hoàng nói.

Xem thêm video:

2

Công nhân di chuyển các kết cấu của du thuyền, nhà nổi sau khi vừa tháo dỡ - Ảnh: Thanh Bình

Doanh nghiệp muốn “giải pháp phù hợp”

Liên quan đến việc giải toả công trình trái phép sáng qua của UBND quận Tây Hồ, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh nhà nổi, du thuyền trên Hồ Tây lại cho rằng, “quá vội vã”.

Đại diện Công ty Potomac (một đơn vị kinh doanh nhà nổi, du thuyền trên Hồ Tây) nói: Việc cưỡng chế quá vội vã bởi chúng tôi vẫn đang làm báo cáo theo yêu cầu tại Thông báo số 38 của UBND TP về quá trình hoạt động kinh doanh, nguồn gốc xuất xứ tàu thuyền, phương tiện nổi, giá trị ban đầu, giá trị sau khấu hao, số lượng lao động… Vậy mà chưa hết tháng 2 như thông báo, UBND phường Thụy Khuê lại ra quyết định cưỡng chế.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, đại diện Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây bày tỏ: “Chúng tôi luôn sẵn sàng chấp hành chủ trương của TP Hà Nội. Tuy nhiên, tưởng là di dời về bến mới tại Đầm Bảy trên Hồ Tây thì giờ chính quyền lại ra quyết định xóa bỏ hoàn toàn. Nên chăng, cơ quan chức năng cần xem xét tài sản trên Hồ Tây của DN để được hỗ trợ, đền bù những chi phí DN đã trang trải”.

Được biết, việc tháo dỡ thực hiện trong tháng 2/2017, sau đó nhà chức trách quận Tây Hồ sẽ lắp đặt lan can tại khu vực từ số 2 đến số 10 Nguyễn Đình Thi. Trước mắt, toàn bộ phương tiện thủy nội địa sẽ được di dời về Đầm Bảy (phường Nhật Tân) tập kết, sau đó sẽ tiếp tục di dời hoàn toàn khỏi Hồ Tây. Theo kế hoạch, toàn bộ công việc này sẽ được thực hiện xong trước ngày 10/3.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.