Xã hội

Vì sao Hà Nội để cây sưa quý cả chục tỷ chết khô?

04/04/2023, 16:23

Một cây sưa đỏ có tuổi thọ gần 100 tuổi, giá trị ước tính vài chục tỷ đồng đã chết khô ven Hồ Hoàn Kiếm mà chưa được xử lý.

Đang khảo sát, lên phương án chặt hạ cây

Liên quan đến việc cây sưa đỏ có tuổi thọ gần 100 tuổi, cao khoảng hơn 10m, đường kính thân khoảng 70cm, gần với cầu Thê Húc bị chết khô, thân tróc vỏ, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, quận đã giao cho Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phụ trách và khảo sát.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Kim Quỳnh, Phó phòng Quản lý dự án và hạ tầng kỹ thuật (Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội) cho biết, trước đây, khi phát hiện cây sưa đỏ bị chết, đơn vị đã cử người đi khảo sát và chặt bỏ những cành cây có nguy cơ bị rơi, tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân và du khách.

img

Cơ quan chức năng đang khảo sát để trình phương án chặt hạ cây gỗ sưa có tuổi thọ gần 100 tuổi, cao khoảng 10m, đường kính khoảng 70cm ở gần cầu Thê Húc

Đến nay, Ban quản lý đang liên hệ với các sở, ban ngành và đơn vị liên quan về việc khảo sát, phương án chặt hạ cây rồi báo cáo UBND quận Hoàn Kiếm để xem xét.

"Đây là cây sưa đỏ, giá trị lớn nên chúng tôi phải báo cáo quận để xin chặt hạ. Ngoài ra, khi chặt hạ chúng tôi không có kho để lưu trữ, bảo quản lại phải xin chỉ đạo của Sở Xây dựng, rồi báo cáo Sở Tài chính, UBND TP xem xét xử lý gỗ như thế nào", ông Quỳnh cho hay.

Theo ông Quỳnh, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội chính thức nhận quản lý cây sưa đỏ ở khu vực hồ Hoàn Kiếm từ năm 2022. Đến ngày 1/3/2023 thì mới ký hợp đồng với một đơn vị để duy tu, duy trì cây.

Thời điểm Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội chính thức nhận quản lý cây sưa đỏ thì cây đã có dấu hiệu chết. Hiện các cơ quan chức năng chưa xác định được nguyên nhân khiến cây chết.

Giá trị cây sưa đỏ có thể lên đến vài chục tỷ đồng

Anh Trọng Tùng, một thợ làm đồ gỗ ở Nam Định cho biết, cây sưa đỏ càng lâu năm thì vân gỗ càng cuộn lên, khác hẳn với các đường vân gỗ khác là chỉ hơi vòng. Ngoài ra, mùi của cây sưa đỏ rất đặc biệt, dịu và thơm ngát.

Theo anh Tùng, giá trị kinh tế của gỗ sưa phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, chất lượng gỗ khi xẻ cây ra và mùi hương của cây gỗ đó là hai yếu tố thương lái chú trọng để đưa ra giá bán.

"Trung bình những cây sưa đỏ có tuổi đời từ 30 - 40 năm thì có giá từ 20 - 30 triệu đồng/kg. Còn đối với cây gần 100 tuổi, cao khoảng 10m, đường kính thân khoảng 70cm thì có giá từ 40 - 60 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán này vẫn có thể thay đổi tuỳ thuộc vào chất lượng gỗ, vân gỗ và mùi hương của gỗ", anh Tùng chia sẻ.

Với cây sưa trăm tuổi, đường kính lên tới 70cm, chất lượng gỗ tốt, anh Tùng ước tính giá bán có thể vài chục tỷ đồng.

"Khoảng hơn 10 năm trước, gỗ sưa đỏ thường được các thương lái người Trung Quốc tìm mua, nghe nói để làm ra những đồ vật tâm linh. Tuy nhiên, hiện nhu cầu mua gỗ sưa ít hơn nhiều, nhất là từ khi có Covid-19", anh Tùng cho biết thêm.

Chia sẻ thêm, anh Tùng cho biết, cây gỗ sưa càng già tuổi thì càng có giá trị, vân gỗ càng đẹp và mùi hương càng nhiều. Khi cây chết mà bảo quản tốt thì vân gỗ và mùi hương vẫn được lưu giữ như lúc cây sống. Còn nếu để cây dầm mưa dãi nắng, mối mọt... thì chất lượng gỗ có thể bị ảnh hưởng.

Trong khuôn viên chùa Phụ Chính, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có hai cây sưa quý hiếm, một cây có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm, 130 năm tuổi. Một cây khác cũng có chiều cao hơn 10m, đường kính khoảng 80cm, khoảng gần 100 năm tuổi.

Năm 2010, có người đến trả giá hơn 100 tỷ đồng cho một cây sưa đỏ nhưng người dân không bán. Sau đó, người dân đã cưa một cành cây bán với giá 20,5 tỷ đồng để lấy kinh phí xây đình làng. Đến tháng 10/2018, TP Hà Nội có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng quy định của pháp luật.

Đến ngày 27/1/2019, người dân thôn Phụ Chính bắt đầu chặt hạ hai cây sưa đỏ, chia thành 5 nhóm gỗ với trọng lượng từ 550kg đến hơn 2.000kg, đồng thời đưa ra mức giá khởi điểm cho nhóm gỗ đặc biệt là 32 triệu đồng mỗi kg, còn loại gỗ gốc nhỏ, rễ thì hơn 6 triệu đồng mỗi kg.

Đến nay, sau nhiều lần mang ra đấu giá thì số lô gỗ trên vẫn chưa tìm được chủ nhân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.