Vận tải

Vì sao Hà Nội không triển khai tuyến BRT 02 lên Hòa Lạc?

27/12/2017, 07:18

Có thể khẳng định, chưa năm nào Hà Nội phát triển mạng lưới xe buýt mạnh mẽ như năm 2017.

5

Ông Nguyễn Hoàng Hải

Trao đổi với Báo Giao thông, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, tuyến buýt 107 lên khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã khá thuận lợi nên Hà Nội không cần thiết triển khai tuyến BRT lên đây nữa.

Đang tiếp tục nghiên cứu các tuyến BRT mới

Hồi đầu năm, TP Hà Nội đã nghiên cứu triển khai tuyến buýt nhanh BRT thứ 2 Kim Mã - Hòa Lạc. Việc triển khai tuyến buýt thường 107 trên cùng tuyến đường liệu có ảnh hưởng gì đến hiệu quả của tuyến buýt nhanh số 2 khi triển khai không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Tuyến BRT 02 chỉ là một nghiên cứu sơ bộ. Hiện với việc cung ứng dịch vụ, xe buýt chính thống, cụ thể là tuyến 107 lên khu Công nghệ cao Hòa Lạc, chúng tôi cho rằng không cần thiết triển khai tuyến BRT lên đây nữa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển các tuyến BRT khác, nhất là khi có thời gian để đánh giá đầy đủ về hiệu quả của tuyến BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa.

Ông có thể đánh giá sơ bộ về hiệu quả của tuyến BRT 01 đến thời điểm này?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Sau một năm vận hành, tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa đã đạt được kết quả khá tích cực, cụ thể là vận hành đúng phương án thiết kế. Lượng khách vẫn đang tiếp tục tăng trưởng.

So sánh với các tuyến buýt khác, tuyến BRT thuộc nhóm có sản lượng vận chuyển cao. Hành khách của xe buýt BRT tập trung chủ yếu vào giờ cao điểm 7 - 9h và 16h30 - 18h30, chiếm khoảng 50% sản lượng của cả ngày. Số lượng hành khách sử dụng vé tháng đi lại thường xuyên ổn định, dẫn đầu trong mạng lưới xe buýt nói chung của TP. Có 53,7% hành khách tham gia trả lời khảo sát cho biết đã đi bộ để tiếp cận tuyến BRT trước và sau chuyến đi.

4

Tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa đang hoạt động khá hiệu quả

Mở rộng mạng lưới, kết nối xe buýt với khu đô thị mới

Cùng với việc nghiên cứu, phát triển các tuyến buýt nhanh BRT, năm 2017, Hà Nội đã mở mới kỷ lục số lượng tuyến buýt thường. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Năm 2017 là năm có nhiều dấu ấn trong việc phát triển mạng lưới xe buýt của thành phố. Trong đó, trước hết là việc ra đời và chính thức đi vào hoạt động tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa, loại hình xe buýt vận chuyển khối lớn, tốc độ cao lần đầu tiên có mặt ở Hà Nội và Việt Nam.

"Hiện hành khách đã có thể truy cập ứng dụng “timbuyt.vn” trên điện thoại di động để truy cập các thông tin về mạng lưới tuyến. Các doanh nghiệp vận hành buýt, đặc biệt là Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã đầu tư xây dựng Trung tâm Điều hành buýt hiện đại, Trung tâm Dịch vụ khách hàng hoạt động liên tục, cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc của hành khách. Trong năm 2017, mạng lưới xe buýt đã được cải thiện cả số lượng, chất lượng dịch vụ cũng như năng lực phục vụ”.

Ông Nguyễn Hoàng Hải
Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị Hà Nội

Mạng lưới xe buýt của Hà Nội cũng được mở rộng rất nhanh chóng. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có 110 tuyến, trong đó, riêng năm 2017, Hà Nội đã phát triển được 18 tuyến xe buýt mới.

Có thể khẳng định, chưa năm nào Hà Nội phát triển mạng lưới xe buýt mạnh mẽ như năm 2017. Các tuyến buýt hiện đã phủ kín toàn bộ 30 quận, huyện của Hà Nội, xóa được toàn bộ vùng trắng xe buýt bằng mạng lưới xe buýt có trợ giá, có dịch vụ hấp dẫn, ổn định và hình ảnh hoàn toàn mới so với những năm trước đây.

Hình ảnh xe buýt tại Hà Nội đã được thay đổi rất nhiều. Thành phố đã có xe buýt nhận dạng tuyến rõ ràng bằng màu sắc mới, có tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch theo tiêu chuẩn Euro 4 đầu tiên được vận hành. Xe buýt của Thủ đô cũng đã có nhiều dịch vụ cung ứng cho hành khách theo hướng hiện đại hơn, áp dụng công nghệ tiên tiến hơn.

Sau khi phủ kín tất cả quận, huyện bằng buýt trợ giá, mục tiêu tiếp theo của xe buýt Hà Nội trong năm 2018 là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Hiện, chúng tôi đã có mạng lưới buýt đến các khu vực chính, trung tâm chính. Thời gian tới, chúng ta sẽ phát triển đến các khu vực mới, khu đô thị mới… triển khai xe buýt nhỏ để đón khách từ những vùng sâu, vùng xa, những khu vực hạ tầng nhỏ hẹp mà xe buýt lớn không thể tiếp cận đến những hành lang chính của xe buýt.

Cùng đó, chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng phương tiện. Trong năm 2018, chúng tôi dự kiến sẽ đưa xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch khí hóa lỏng CNG vào 3 tuyến buýt nữa.

Trong năm 2018, chúng tôi sẽ sớm đưa vào những trung tâm điều hành thông minh, ứng dụng thông minh cũng như tích cực triển khai hệ thống thẻ vé điện tử để sử dụng cho toàn bộ mạng lưới xe buýt hiện nay và có thể tiếp cận hệ thống đường sắt đô thị trong tương lai gần.

Nhiều ý kiến cho rằng, mạng lưới xe buýt đã tương đối phát triển nhưng hạ tầng dành cho xe buýt vẫn còn sơ sài, đặc biệt tại khu vực ngoại thành. Bản thân ông đánh giá như thế nào về việc này?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Đúng là hạ tầng xe buýt đã phát triển mạnh mẽ ở nội thành với mật độ cao. Tuy nhiên, ở ngoại thành thì ngược lại. Trên nhiều hành lang xe buýt vận hành, chúng ta chỉ mới có điểm dừng mà còn thiếu nhà chờ và các tiện ích cho hành khách. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có việc khu vực ngoại thành không có vỉa hè nên chưa thể triển khai xây dựng nhà chờ.

Ngay tại nội thành, chúng tôi cũng còn rất nhiều việc phải làm. Cụ thể, thời gian qua, hạ tầng xe buýt rất bất ổn định do phải xê dịch, tháo dỡ… để phục vụ những công trình lớn của thành phố. Trong năm 2018, chúng tôi sẽ phải phục hồi lại những điểm này. Cùng đó là việc tiếp tục “cuộc chiến” chống lấn chiếm chiếm hạ tầng, nhà chờ cho xe buýt đã liên tục triển khai trong nhiều năm qua.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.