Thế giới giao thông

Vì sao hàng không Indonesia gây chết người nhiều nhất thế giới?

21/12/2015, 09:35

Indonesia là nước có tỉ lệ tai nạn máy bay gây chết người cao gấp 3 lần tỉ lệ trung bình thế giới.

IMG_0049
Hạ tầng xuống cấp là một trong những nguyên nhân khiến hàng không Indonesiabị đánh giá là mất an toàn (Trong ảnh: Sân bay quốc tế Jakarta).

Tỉ lệ tai nạn cao gấp 3 thế giới

Trong giai đoạn 9 năm từ 1990 đến 1998, tỉ lệ tai nạn hàng không tại Indonesia là 7,81% trên 1 triệu chuyến bay, cao hơn trung bình thế giới 5,5 lần. Năm nay, con số này đã giảm xuống 1,96% trên 1 triệu chuyến bay nhưng vẫn cao hơn trung bình thế giới 3,4 lần. Trong khi, số lượng chuyến bay không ngừng tăng so với trước đây. 10 năm trở lại đây, Indonesia xảy ra 13 vụ tai nạn chết người, trong khi 1 thập kỷ trước Indonesia chứng kiến 14 vụ - theo Flightglobal.

Tổng Giám đốc Hiệp hội Hàng không châu Á - Thái Bình Dương Andrew Herdman cho biết: “Chúng tôi nhận thấy tỉ lệ số vụ tai nạn đã giảm nhưng sự cải thiện này chưa phù hợp với những thành tựu phát triển khác tại Indonesia. Mọi người đánh giá quá thấp quy mô thị trường cũng như tốc độ phát triển hàng không Indonesia”.

Vụ tai nạn máy bay QZ8501 khiến 162 người thiệt mạng của Hãng hàng không Air Asia năm ngoái đến nay vẫn khiến dư luận không khỏi bất ngờ và cảnh tỉnh giới chức phải tăng cường an toàn hàng không. Bởi đây là chiếc máy bay gần như mới do phi công có kinh nghiệm hàng chục năm trong không lực Indonesia và hơn 9 nghìn giờ bay máy bay thương mại điều khiển. Tuy nhiên, nguyên nhân tai nạn lại do lỗi của phi công cũng như các vấn đề trong vận hành của phi hành đoàn.

Ông Ignasius Jonan, người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Indonesia chỉ hai tháng trước khi thảm hoạ QZ 8501 xảy ra thừa nhận: “Ngay khi tôi được bổ nhiệm vào vị trí này, tôi đã nhận thấy một điều, ngành Hàng không Indonesia cần có rất nhiều vấn đề về an toàn cần phải cải thiện”.

Hạ tầng xập xệ, máy móc lạc hậu

Về nguyên nhân chủ quan, đầu tiên, Indonesia hiện đang thiếu hụt trầm trọng phi công, kiểm soát viên không lưu, nhân viên mặt đất. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân quan trọng khác khiến an toàn hàng không tại Indonesia tụt xuống tồi tệ nhất thế giới. Vụ tai nạn QZ8501 là ví dụ điển hình cho hạn chế chung về nhân lực hàng không dẫn tới tình hình an toàn bay kém nhất thế giới. Trong kết luận về nguyên nhân tai nạn, Chủ nhiệm Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia Soerjanto Tjahjono thừa nhận, đào tạo nhân lực hàng không của Indonesia chưa hợp lý, quá trình hợp tác vận hành trong buồng lái và kỷ luật bay còn kém.

Nguyên nhân thứ hai là hạ tầng xập xệ, lạc hậu. Phần lớn hệ thống hạ tầng như sân bay, trang thiết bị kỹ thuật đều thiếu đầu tư và hoạt động quá công suất sân bay 3 lần. Chất lượng phần lớn trong số 296 sân bay ở Indonesia đều kém hoặc có đường băng quá ngắn. Thậm chí, ông Wisnu Darjono, Giám đốc điều hành AirNav Indonesia - Tổ chức kiểm soát không lưu Nhà nước cho biết, nhiều đường băng không có hệ thống thiết bị hỗ trợ hạ cánh; Do đó, phi công gặp khó khăn trong điều kiện thời tiết xấu.

Để khắc phục, ông Jonan cho biết, Chính phủ có kế hoạch mở rộng, tăng cường các đường bay, nhà ga hiện tại cũng như xây dựng thêm 15 sân bay mới cho tới năm 2018. Từ đó, các hãng có thể sử dụng máy bay phản lực thay vì máy bay cánh quạt tuabin nhỏ - nguyên nhân khiến tỉ lệ tai nạn tăng cao. Bộ Giao thông Indonesia cũng đang hiện đại hóa hệ thống thiết bị hỗ trợ đáp máy bay dưới sự giúp đỡ của các công ty đến từ Anh, Mỹ với mục tiêu tới năm 2018, hơn 100 sân bay sở hữu hệ thống này. Bộ trưởng Bộ Giao thông Indonesia cho biết, năm tới, Chính phủ sẽ giải ngân khoảng 1 tỉ USD - con số lớn chưa từng có để tăng cường an toàn cả về đường bộ, đường biển và hàng không.

Nguyên nhân thứ ba nằm ở việc bảo dưỡng dàn máy bay cũ còn hời hợt, thiếu chuyên môn. Một ông phi công của Indonesia, F. Novara nhớ lại: Năm 2011, chuyến bay chở 74 hành khách do ông điều khiển đã bị cháy động cơ sau khi vừa cất cánh do vòi phun nhiên liệu bị rò rỉ. “Tất cả tôi có thể làm chỉ là cầu nguyện hành khách được an toàn”, ông Novara nói. Kết quả điều tra cho thấy, đường ống nhiên liệu bị xoắn - lỗi này đáng lẽ đội bảo trì phải phát hiện trước khi máy bay cất cánh.

Ngoài nguyên nhân chủ quan, bản thân Indonesia là một trong những nơi thường xuyên xảy ra sấm sét, núi lửa phun trào… dẫn tới việc máy bay di chuyển qua nước này cũng khá phức tạp. Trong tháng 10 và 11 năm nay, các hãng hàng không đã hủy hàng trăm chuyến bay đến và rời Bali do núi lửa Rinjani hoạt động. Khói bụi do núi lửa phun trào có thể làm tắc động cơ máy bay dẫn đến sự cố. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.