Vận tải

Vì sao hành khách ngại đi xe buýt?

27/10/2016, 08:11
image

Dù được hưởng nhiều ưu đãi, trợ giá lớn, nhưng chất lượng xe buýt chưa đáp ứng được kỳ vọng.

18

Khách hàng chủ yếu của xe buýt là học sinh, sinh viên vì giá rẻ - Ảnh: Ngọc Ánh 

Dù được hưởng nhiều ưu đãi, trợ giá lớn, nhưng chất lượng xe buýt chưa đáp ứng được kỳ vọng. Đây là lý do khiến hành khách đi xe buýt tại Thủ đô Hà Nội liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây. Hiện xe buýt chỉ chủ yếu phục vụ đối tượng hành khách là sinh viên và người thu nhập thấp.

Xe buýt khu biệt với hành khách

Những ngày gần đây, PV Báo Giao thông trực tiếp khảo sát thực trạng nhiều tuyến buýt trên địa bàn Hà Nội như: Tuyến 32, 34, 26, 27, 20A, 20B… Điều dễ nhận thấy là tỷ lệ hành khách trên xe buýt đa phần là sinh viên, người già và người lao động tại các khu vực lân cận vào nội thành buôn bán. Trong đó, sinh viên (chủ yếu là sinh viên ngoại tỉnh chưa có phương tiện đi lại) chiếm tuyệt đại đa số đến khoảng 60% lượng hành khách.

Bạn Tạ Duy Thái, 21 tuổi quê Đông Anh (Hà Nội) sinh viên năm thứ 3 Đại học Công nghiệp là người thường xuyên đi học bằng xe buýt tâm sự: “Đây là phương tiện đi lại rất tiện lợi với những sinh viên chưa có phương tiện cá nhân như em. Thế nhưng chắc em chỉ coi xe buýt là phương tiện đi lại trong những năm học đại học. Sau này đi làm, có điều kiện mua xe máy, em không đi xe buýt nữa vì vừa mất thời gian, vừa quá chật chội”.

Điều dễ nhận thấy trên xe buýt rất ít hành khách là công chức hay những người làm việc tại các cơ quan, văn phòng. Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Đình Hùng, nhà ở gần điểm xe buýt Đại học Công nghiệp, cho biết: “Nhà mình chỉ cách điểm đón xe buýt hơn một cây số nhưng chưa bao giờ đi làm bằng xe buýt. Mình rất sợ đi xe buýt vì xe quá đông, gặp phải cảnh tắc đường thì lỡ hết việc”.

Tại một cuộc hội thảo liên quan đến xe buýt tại Hà Nội mới đây, TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng lý giải nguyên nhân xe buýt chưa thu hút được nhiều đối tượng hành khách. Theo ông Minh, phương tiện giao thông cá nhân phát triển quá nhanh, xe buýt không được ưu tiên, nên trở thành chậm chạp, không nhanh hơn xe đạp là bao. Trong khi đó, với kinh tế và thu nhập cá nhân liên tục tăng trưởng và khả năng mua được một chiếc xe máy chỉ với 2-3 tháng thu nhập, chính sách vé giá rẻ của xe buýt không còn sức hút như trước đây.

>>> Xem thêm video:

Ngán buýt ngoại ô

Khoảng 10h ngày 22/10, tại điểm chờ xe buýt tuyến số 20B (Cầu Giấy - Sơn Tây), đứng đón xe tại điểm chờ đối diện cổng Chùa Hà, nhưng PV phải mất đến 20 phút mới có chiếc xe buýt BKS 29B - 092.13 lao tới. Bước lên xe, cảm nhận đầu tiên là sự cũ nát và mùi khói xe khét lẹt. Tiếp đó là cảnh hành khách chen chân nhau trên từng mét vuông sàn xe. Chiếc xe lao đi, xóc lên xóc xuống khiến hành khách trên xe nghiêng ngả, nhiều người ngã dúi dụi. Do trời nóng, người đứng san sát nên ai cũng cảm thấy khó thở vì đủ các thứ mùi, mùi xe, mùi mồ hôi người nhưng hành khách vẫn phải kiên nhẫn đi tiếp hành trình.

“Nhà tôi ở thị trấn Phùng, đi từ Cầu Giấy về nếu không bị tắc đường cũng phải mất khoảng 45 phút. Xe đi chậm, nhiều khi rất sốt ruột, mệt mỏi”, ông Nguyễn Quốc Phúc, một hành khách thường xuyên đi tuyến buýt này chia sẻ.

Quan sát của PV, đoạn từ Nhổn về Sơn Tây, những điểm đón khách của xe buýt thường không có mái che, không có chỗ ngồi. Giờ cao điểm xe buýt chạy như rùa bò. Anh Dương Minh Hồng, phụ xe tuyến số 32 cho biết: “Xe quy định 45 đến 50 phút một lộ trình nhưng do tắc đường nên có khi phải mất hơn 1 giờ đồng hồ xe mới đi hết lộ trình”.

Bạn Nguyễn Thị Thanh Thư, sinh viên năm thứ 2 Đại học Thương mại đang đi xe buýt từ Cầu Giấy về Sơn Tây thẳng thắn chia sẻ, nếu có phương tiện khác chắc sẽ không chọn xe buýt. “Xe buýt đông, hay bị trễ thời gian. Đấy là chưa kể cảnh phải chen lấn trên xe. Thậm chí, thỉnh thoảng có những lái, phụ xe khó tính, hay cáu gắt”, Thư nói.

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, sản lượng hành khách của các tuyến buýt có trợ giá năm 2014 đạt 463,5 triệu lượt hành khách. Năm 2015 đạt 431,9 triệu lượt hành khách và 9 tháng đầu năm 2016 đạt trên 290 triệu lượt hành khách. Về nguyên nhân hành khách sụt giảm, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, từ năm 2014 đến nay, một số công trình trọng điểm của thành phố được triển khai đồng bộ, gấp rút trên các tuyến xuyên tâm, trục chính đã ảnh hưởng đến hoạt động của xe buýt, dịch vụ xe buýt bị xáo trộn, thiếu ổn định, không hấp dẫn và không thuận tiện cho hành khách.        

Thiện Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.