Xã hội

Vì sao hơn 10 ngày phát hiện ca ngộ độc, Pate Minh Chay mới bị đóng cửa?

08/09/2020, 17:10

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội tiết lộ lý do hơn 10 ngày phát hiện ca ngộ độc, Pate Minh Chay mới bị đóng cửa.

img
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội

Chiều 8/9, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội Nguyễn Minh Hùng đã thông tin về vụ việc ngộ độc Pate Minh Chay.

Theo ông Hùng, sau khi nhận được thông tin qua báo chí phản ánh về việc người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm Pate Minh Chay do Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (trụ sở tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) sản xuất, Cục Quản lý thị trường Hà Nội TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo xử lý kịp thời.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường Hà Nội số 9, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh sản xuất của Công ty này.

Tại buổi kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều lỗi vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh sản xuất của Công ty này như: người tiếp xúc với sản phẩm không đeo khẩu trang, dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy, nguyên liệu đầu vào có nhãn không đủ nội dung…

Trước câu hỏi: “Ngày 18/8, phát hiện ca ngộ độc liên quan đến Pate Minh Chay, đến ngày 20/8, liên ngành đến kiểm tra cơ sở sản xuất Minh Chay lại không có yêu cầu đình chỉ hoạt động cơ sở sản xuất này? Vì sao phải đến phải đến 30/8 mới đình chỉ? Từ ngày 20/8 đến 30/8 cơ sở này vẫn sản xuất bình thường. Như vậy trách nhiệm thuộc về đơn vị nào?”

Ông Nguyễn Minh Hùng trả lời: “Việc đình chỉ cơ sở sản xuất này không thuộc thẩm quyền của đơn vị quản lý thị trường, trách nhiệm thuộc ngành nông nghiệp và UBND huyện Đông Anh”.

Lý giải về điều này ông Hùng nói thêm: “Theo quy định của pháp luật đối với mặt hàng sản xuất thực phẩm sử dụng nguyên liệu thực vật giao cho ngành nông nghiệp cấp phép và hậu kiểm, ngành y tế chịu trách nhiệm chất lượng. Ngành quản lý thị trường có một phần trách nhiệm trong vụ việc này”.

Cũng tại buổi họp báo ông Hùng, cơ sở Pate Minh Chay được cấp phép sản xuất tại Đông Anh từ đầu năm 2020, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phải đến tháng 7/2020 mới hoạt động và chủ yếu mà bán hàng trên mạng, không có cửa hàng phân phối.

“Cơ sở sản xuất này hoạt động lại vào tháng 7 và đưa ra thị trường trên 10 nghìn sản phẩm”, ông Hùng nói.

Thông tin thêm về vụ việc này, ông Phạm Thanh Học, Phó Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP Hà Nội cho biết, đây là vụ việc không hề mong muốn, gây rất bức xúc trong xã hội, vì liên quan đến tính mạng của con người.

Ông Học khẳng định, sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo thành phố, các sở ban ngành đều rất tích cực, chủ động nhưng để có kết luận đánh giá đầy đủ “không dễ chút nào cần thiết phải có thời gian”. Vì nếu không cẩn thận, thông tin chưa chuẩn, chưa chính xác, đánh giá chưa chuẩn vấn đề thì đôi khi mất đi một doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Về vấn đề thu hồi sản phẩm, ông Học cho biết, theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế mà ông có được, hiện tại đã thu hồi được 141 sản phẩm từ các khách hàng chủ yếu tại Hà Nội bao gồm 35 sản phẩm Pate Minh Chay và 106 sản phẩm khác. Đã bàn giao 35 sản phẩm Pate Minh Chay cho Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.

“Hầu hết các khách hàng đã sử dụng hết hoặc bỏ đi sau khi biết thông tin cảnh báo nên công tác thu hồi sản phẩm của Pate Minh Chay gặp nhiều khó khăn”, ông Học cho biết.

Hiện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và quận, huyện thị xã đã gọi điện liên hệ đến 1.857 lượt khách hàng, hiện còn 142 khách hàng chưa liên lạc được. Tổng số lọ Pate Minh Chay mua 1.220 lọ (khách hàng liên lạc được đã khai báo), đã sử dụng/hoặc bỏ đi 1.030 lọ, còn lại 190 lọ đang thu hồi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.