Xã hội

Vì sao Huế tổ chức cuộc thi ý tưởng thiết kế cầu đi bộ nối Thượng Thành?

20/03/2023, 14:17

Cuộc thi thiết kế cầu đi bộ qua Hộ Thành hào nhằm tìm kiếm ý tưởng kiến trúc hài hoà, tạo sự thuận lợi và an toàn cho người tham gia giao thông.

Ngày 20/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đơn vị đang phối hợp với UBND TP Huế tổ chức cuộc thi “Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành hào nối Thượng Thành” nhằm tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo kiến trúc công cộng (dành cho người đi bộ) có tính hài hoà về mặt tổng thể, tạo sự thuận lợi và an toàn cho du khách, người tham gia giao thông từ bến xe Nguyễn Hoàng vào đến khu vực Kinh thành Huế.

img

Sơ đồ hướng tuyến cầu đi bộ vượt Hộ Thành hào nối Thượng Thành. (Ảnh: BTC)

Thời gian nộp bài dự thi cuộc thi từ ngày 20/3 - 20/4/2023. Ban Tổ chức sẽ chấm thi 2 vòng (vòng sơ loại và vòng giám khảo).

Cuộc thi gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba và 1 giải bình chọn. Trong đó, giải nhất có trị giá 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng, giải ba 10 triệu đồng và giải bình chọn dành cho tác phẩm được cộng đồng yêu thích và bình chọn nhiều nhất trị giá 5 triệu đồng.

Theo Ban Tổ chức cuộc thi, thời gian qua lưu lượng phương tiện giao thông, du khách đến Huế tham quan, du lịch ngày càng tăng, trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, gây mất an toàn, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế và hoạt động du lịch, đặc biệt đối với khu vực Đại Nội và vùng phụ cận.

img

Cửa Ngăn là lối vào gần nhất cho khách du lịch đi bộ từ bến xe Nguyễn Hoàng vào khu vực Đại nội Huế, mặt đường qua cầu Cửa Ngăn hẹp và không có vỉa hè nên du khách phải đi bộ xuống lòng đường...

Vị trí thiết kế cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành hào nối Thượng Thành là điểm nối từ trục đường Trần Huy Liệu, vượt qua Hộ Thành hào kết nối Thượng Thành.

Về yêu cầu, thiết kế cần đưa ra được ý tưởng và giải pháp độc đáo nhằm tạo dựng được một kiến trúc phù hợp với không gian di sản, đảm bảo tuân thủ Luật Di sản Văn hoá; đề cao các giải pháp sáng tạo mang tính nhân văn trong thiết kế, tạo thuận lợi và khuyến khích người dân tham gia, đồng thời kiến tạo hình ảnh khác biệt cho đô thị trong bối cảnh toàn cầu hoá.

Thiết kế cũng cần chú trọng tính khả thi trong triển khai thực tiễn, sử dụng vật liệu phù hợp, ứng dụng công nghệ mới để phát huy tính bảo tồn thích nghi di sản; tạo một hệ sinh thái mang tính cộng đồng, hỗ trợ cho một số hoạt động văn hoá, kinh doanh theo hướng sáng tạo...

img

Sơ đồ hướng tuyến cầu đi bộ vượt Hộ Thành hào nối Thượng Thành. (Ảnh: BTC)

Trước đó, ngày 8/2, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng các sở, ngành và các đơn vị liên quan đã đi khảo sát thực địa, kiểm tra tổ chức giao thông khu vực Đại Nội Huế và khu vực phụ cận.

Đối với bài toán giải quyết nhu cầu đi lại cho khách du lịch đi bộ qua khu vực Cửa Ngăn, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với UBND TP Huế tổ chức lấy ý kiến của người dân sinh sống xung quanh khu vực bến xe Nguyễn Hoàng tiếp giáp với đường Trần Huy Liệu về phương án xây dựng cầu gỗ bắc qua hồ kết nối đường Trần Huy Liệu với khu vực Thượng thành để đi vào Đại Nội.

Từ đó làm cơ sở để tiến hành nghiên cứu và tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành hào nối Thượng Thành.

Cửa Ngăn (rộng 6m, bề rộng xe chạy 4,4m), điểm đầu từ đường Lê Duẩn đến điểm giao nhau với đường Ông Ích Khiêm. Đây là lối vào gần nhất cho khách du lịch đi bộ từ bến xe Nguyễn Hoàng vào khu vực Đại Nội Huế để tham quan di sản.

Khách du lịch đến đây thường đỗ xe ở bến xe Nguyễn Hoàng sau đó di chuyển dọc theo cầu Cửa Ngăn. Cao điểm mỗi ngày có đến hàng nghìn lượt khách tham quan đi qua đây. Trong khi đó, mặt đường qua cầu Cửa Ngăn nhỏ hẹp và không có vỉa hè nên du khách đành phải đi xuống lòng đường di chuyển qua Cửa Ngăn để vào tham quan Đại Nội, gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.