Xã hội

Vì sao kết quả Hội nghị T.Ư 5 được cán bộ, đảng viên, nhân dân trông đợi?

10/05/2022, 16:20

Xem xét nhiều nội dung liên quan “sát sườn” đến đời sống, Hội nghị Trung ương 5 được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm, trông đợi.

Hội nghị rất quan trọng và có ý nghĩa

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội với nhiều nội dung quan trọng được thảo luận. Hội nghị được cán bộ, đảng viên, nhân dân đặc biệt quan tâm theo dõi bởi lần này Trung ương thảo luận, quyết định nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.

img

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ ngày 4/5, bế mạc vào hôm nay (10/5) với nhiều nội dung quan trọng

Thường xuyên theo dõi diễn biến của Hội nghị qua báo chí, phương tiện truyền thông, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) nhận định: Những nội dung mà Hội nghị Trung ương 5 lần này đặt ra, thảo luận, quyết định là những vấn đề rất lớn và quan trọng đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ đảng viên và nhân dân.

Đó là những vấn đề như: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021; và một số vấn đề quan trọng khác.

“Như vậy, trong tổng kết thực tiễn, Trung ương lần này đã tổng kết 4 Nghị quyết lớn. Trong đó có những vấn đề liên quan “sát sườn” đến đời sống của đại bộ phận nhân dân. Đặc biệt là vấn đề đất đai”, ông Hà nói.

img

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương)

Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng Nguyễn Đức Hà cho biết, tại Hội nghị lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở và đặt ra nhiều vấn đề rất lớn và sâu sắc.

"Khi nói về vấn đề đất đai, Tổng Bí thư có nói rằng, chúng ta phải nghiên cứu, suy nghĩ, tìm ra câu trả lời, là tại sao nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai.

Chắc chắn Trung ương sẽ ban hành một số Nghị quyết để tiếp tục thực hiện. Đây cũng chính là cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của đảng. Cho nên xin nhấn mạnh rằng, Hội nghị lần này rất quan trọng và có ý nghĩa”, ông Hà nói.

Tiếp tục quan tâm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hà, một trong những nội dung được nhân dân rất quan tâm đó là Hội nghị lần này thảo luận về Đề án thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Trước khi có đề án này, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung tên gọi của Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng.

Bây giờ không chỉ là Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng mà là Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Chính tiêu cực mới là cái lớn, tham nhũng chỉ là một biểu hiện của tiêu cực. Cái đẻ ra tiêu cực chính là suy thoái về tư tưởng, chính trị, suy thoái về đạo đức lối sống”, ông Hà cho hay.

Tại Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư cũng cho biết từ chủ trương này, hiện nay đã có 5 tỉnh, thành phố lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

“Rõ ràng khi Ban chỉ đạo cấp tỉnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập thì vai trò và nhiệm vụ sẽ được mở rộng, tăng cường.

Với sự chỉ đạo như vậy, vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực không còn là “trên nóng, dưới lạnh”. Nhân dân rất mong chờ sớm thành lập Ban chỉ đạo này ở toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố”, ông Hà nói.

img

T.S Nguyễn Đình Quyền, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Còn theo T.S Nguyễn Đình Quyền, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), chủ trương lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cần thiết và đã được 63/63 tỉnh thành ủng hộ.

Theo ông Quyền, để ban chỉ đạo hoạt động hiệu quả cần có các giải pháp đồng bộ, trong đó, cần rút kinh nghiệm so với ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2007 để có cơ cấu tổ chức hợp lý.

Cụ thể, từ người đứng đầu ban chỉ đạo cấp tỉnh đến cơ cấu, thành phần phải khác so với trước đây và cần có bộ máy tham mưu giúp việc có chuyên môn sâu về điều tra, truy tố, xét xử để phát hiện tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra.

Bên cạnh đó, trách nhiệm công vụ từng thành viên trong ban chỉ đạo, việc kiểm soát quyền lực, phương thức chỉ đạo, mối quan hệ phối hợp giữa ban chỉ đạo với các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh, thành phố cũng phải chuẩn mực...

T.S Quyền góp ý, khi tổ chức ban chỉ đạo cấp tỉnh không nên dập khuôn theo mô hình của Trung ương, bởi địa phương có những đặc thù riêng.

Do vậy, cần nghiên cứu thực tiễn để đề ra cơ cấu tổ chức, cơ quan tham mưu, mối quan hệ phối hợp, kiểm soát quyền lực, trách nhiệm công vụ... để đảm bảo hợp lý, phát huy hiệu quả.

T.S Quyền cho rằng với địa phương, cơ quan thường trực của ban chỉ đạo cần chọn liên ngành, bao gồm đại diện của thanh tra, công an, viện kiểm sát, tòa án, còn ban nội chính có thể là cơ quan chủ trì trong cơ quan thường trực.

Ông Quyền lý giải, ở Trung ương, Ban Nội chính là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo Trung ương vì có nhiều đơn vị chuyên môn đủ khả năng tham mưu, còn với ban nội chính tỉnh thành, một số nơi do nhân sự còn ít nên cần liên ngành làm cơ quan thường trực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.