Xã hội

Vì sao khó dự báo thời điểm hết dịch Covid-19?

17/02/2020, 11:50

Theo PGS. Trần Đắc Phu, rất khó để dự báo dịch Covid-19 ở thời điểm hiện nay, bởi việc này phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch của TQ và thế giới.

img
PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng (Bộ Y tế)

Việt Nam có giải pháp tốt nhưng chưa thể lạc quan

Nhìn lại hàng loạt giải pháp đã được thực hiện trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, tới thời điểm này, ông đánh giá thế nào?

Tôi cho rằng chưa bao giờ chúng ta làm quyết liệt như hiện nay, từ chuyên môn đến việc huy động sự vào cuộc của các ban ngành, chính quyền địa phương. Trong chống dịch, chúng ta còn phải giải quyết rất nhiều các vấn đề liên quan khác. Từ việc tổ chức đón công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước - việc mà từ trước đến nay ta chưa từng làm, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống; kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương...

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, có thể thấy rằng chúng ta làm rất tốt, với đầy đủ các giải pháp.

Tuy vậy cũng vẫn có những khó khăn, nếu chúng ta không kiểm soát, khống chế dịch nhanh dễ dẫn đến sự hiểu lầm. Hiện nay thông tin trên mạng xã hội lan truyền rất nhanh, trong đó có những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho nhiều người.

Như vậy, chúng ta có thể lạc quan với tình hình hiện tại? Liệu chúng ta có thể dự báo khi nào thì hết dịch không, thưa ông?

Nếu nói lạc quan là chưa đúng, bởi còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, của thế giới và có khống chế được không. Nếu Trung Quốc không kiểm soát được dịch bệnh, để lan ra các nước khác cũng gây thêm những khó khăn không lường hết được.

Bởi chúng ta có thể khống chế được con đường từ Trung Quốc nhưng còn với các nước khác thì rất khó. Ở thời điểm này, việc dự báo dịch là rất khó, phụ thuộc vào tình hình dịch ngoài nước và cả sự quyết liệt của chúng ta.

Lỗ hổng cách ly phòng dịch, ai chịu trách nhiệm?

img
WHO ghi nhận giải pháp xử lý dịch Covid-19 của Việt Nam rất hiệu quả (Trong ảnh: Chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: Hữu Tuấn

Hiện chúng ta đang dốc lực khống chế, dập dịch bệnh tại Vĩnh Phúc, nơi có tới 11/16 người mắc virus Corona. Ông có thể cho biết rõ hơn tình hình hiện nay ra sao?

Thời điểm này, Vĩnh Phúc làm quyết liệt với các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch. Nếu trước chỉ cách ly ca bệnh thì giờ cách ly triệt để cộng đồng xã Sơn Lôi để kiểm soát và khống chế dịch bệnh; Bố trí trạm y tế để người dân khi có bất kỳ nghi ngờ gì có thể tìm đến để được sàng lọc kịp thời… Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội cũng được thực hiện với việc mở cửa hàng bình ổn giá, lo đủ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ kinh tế… để người dân an tâm với việc cách ly tại vùng dịch.

Cùng với Vĩnh Phúc, tổ công tác đặc biệt của Ban chỉ đạo Quốc gia cũng phối hợp, hàng sáng có tổ y tế, đoàn thanh niên... đến từng nhà kiểm tra nhiệt độ, khử khuẩn tuyên truyền phòng bệnh, kiểm tra việc đêm qua có ai bỏ đi hay không… nhằm đảm bảo cách ly triệt để.

Chúng tôi cũng đặt vấn đề có nguy cơ lây lan sang các địa bàn khác giáp với vùng dịch, do vậy ở các xã khác của Vĩnh Phúc luôn có thêm 3 - 4 cán bộ y tế tăng cường để phát hiện, khử khuẩn môi trường, tuyên truyền phòng bệnh.

Có thể nói, cách ly và khoanh vùng dập dịch là giải pháp cốt lõi trong phòng chống dịch Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng còn lỗ hổng trong cách ly tại gia đình với người nghi nhiễm virus Corona, quan điểm của ông thế nào?

Bộ Y tế đã có hướng dẫn chi tiết về cách ly tại nhà, tại nơi lưu trú, nơi tập trung hoặc cơ sở y tế… với đối tượng tương ứng. Còn việc không hiệu quả, tôi cho rằng không phải tất cả, nhưng nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví như trách nhiệm của chính đối tượng cách ly, nếu họ có dấu hiệu bệnh không chịu cách ly thì chính người trong gia đình sẽ bị lây nhiễm trước tiên, rồi đến cộng đồng. Tiếp đến là trách nhiệm của những thành viên trong gia đình, cần tạo điều kiện để cách ly đúng quy định.

Cùng với đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương, với vai trò quan trọng giám sát, vận động người cách ly và gia đình có người cách ly đó. Luật quy định rõ, nếu không chấp hành cách ly sẽ bị cưỡng chế thực hiện. Do đó, rất cần sự vào cuộc của nhiều lực lượng trong đó có công an, chứ trông chờ sự tự giác 100% là rất khó. Cần phải làm tốt điều này ở cộng đồng.

Trước tiên người nghi ngờ mắc bệnh phải tự theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu của bệnh hô hấp thì nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Thành công trong việc nuôi cấy và phân lập virus Corona của Việt Nam đã mang lại hi vọng về việc điều chế vacine là không xa, điều đó có đúng không thưa ông?

Tôi cho rằng thành công của việc nuôi cấy và phân lập virus Corona là rất quan trọng. Kết quả này sẽ giúp trả lời chính xác về nguồn gốc của virus, cơ chế gây bệnh, cung cấp các thông tin cần thiết để lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp. Ngoài ra, sẽ cung cấp các nguyên liệu để phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và vacine phòng bệnh. Tuy nhiên việc sản xuất vacine là rất khó và mất nhiều thời gian. Do đó mục tiêu này được đặt ra ở giai đoạn sau.

Cảm ơn ông!

WHO đánh giá cao năng lực Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp. WHO ghi nhận Việt Nam đã xử lý dịch Covid-19 rất tốt. Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch - tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành.

Trích thông tin mới nhất của WHO Việt Nam, cập nhật ngày 13/2 về “Dịch Covid-19: Những gì chúng ta đã biết đến nay”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.