Xem - ăn - chơi

Vì sao khó khai tử gameshow truyền hình?

17/03/2016, 06:50

Theo thống kê sơ bộ, năm 2015, có trên dưới 40 gameshow truyền hình thực tế.

Anh-1
Đơn giá quảng cáo chương trình Hòa âm ánh sáng - The Remix 2016

Không ít ý kiến cho rằng nên dừng lại các chương trình gameshow, tìm kiếm tài năng. Tuy nhiên, các nhà sản xuất liệu có dễ dàng khai tử những chương trình gameshow này khi nó vẫn mang lại doanh thu khủng?

Ai định đoạt sự sinh tử của gameshow?

Mới đây, nhà sản xuất âm nhạc Thanh Bùi, người từng vào top 6 Australia Idol và từng làm giám khảo chương trình The Voice Kids, Vietnam Idol đưa ra quan điểm: “Nên dừng những chương trình tìm kiếm tài năng ca nhạc”. Tuy nhiên, tiếng kêu gọi của những nghệ sĩ có tham vọng đưa nhạc Việt ra thế giới e rằng vẫn luôn là lạc lõng. Bởi sự sống chết của gameshow không phụ thuộc nhà sản xuất mà phụ thuộc vào cơ quan chức năng và khán giả.

Một số gameshow tạm dừng không phải do nhà sản xuất mà do bị các cơ quan chức năng “tuýt còi” hoặc dư luận lên án, hoặc do đơn vị sở hữu bản quyền yêu cầu. Chương trình Điệp vụ tuyệt mật của Cát Tiên Sa ngay tập đầu tiên phát sóng đã nhận án phạt ngưng phát sóng hai tuần vì đưa sai bản đồ Việt Nam. Sau 5 tập phát sóng tiếp theo, chương trình đã dừng phát sóng hẳn.

Tương tự, chương trình Người giấu mặt của BHD lên sóng mùa đầu tiên vào năm 2013 và sau ba năm, chương trình đã “biến mất”. Năm 2015, Người giấu mặt bị Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử nhắc nhở vì hình ảnh một thí sinh ôm ấp, đưa tay vào ngực áo thí sinh khác trong tập 7 của chương trình.

Mới đây nhất, NSX Đấu trường tiếu lâm vừa tuyên bố chương trình phải tạm dừng sau hai tập phát sóng trên Truyền hình Vĩnh Long vì những yêu cầu của đơn vị sở hữu bản quyền format quốc tế.

Gameshow truyền hình - cỗ máy in tiền “khủng”

Các gameshow không bị đào thải là mảnh đất hái ra tiền của nhà sản xuất. Theo thống kê sơ bộ, năm 2015, có trên dưới 40 gameshow truyền hình thực tế chiếm sóng ở tất cả các kênh từ quốc gia đến địa phương.

Khán giả có nhiều cơ hội lựa chọn các gameshow theo sở thích như: Gameshow ca hát, hài hước, trí tuệ, vận động cơ bắp, khiêu vũ… Trên You Tube, mỗi tập phát sóng của các gameshow vẫn thu hút hàng triệu lượt người xem. Theo một số tài liệu chúng tôi điều tra được, từ ngày 18/1 - 28/2 rating (chỉ số người theo dõi chương trình) tại bốn thành phố: Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng trên sóng VTV3 của chương trình Thần tượng Bolero là 2,6 triệu người xem, Tìm kiếm tài năng Vietnam’s Got Tallent là 3,5 triệu người xem, Hòa âm ánh sáng là 3,1 triệu người xem, Bước nhảy hoàn vũ là 3,1 triệu người xem.

Trong khi đó, một số chương trình khác phát trên VTV3 như Chuẩn cơm mẹ nấu là 2,2 triệu người xem, Quà tặng cuộc sống 1,5 triệu người xem, Sắc màu phái đẹp 1,8 triệu người xem. Cùng đó, nếu chú ý, ta sẽ thấy bảng giá quảng cáo được đăng tải tại trang Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình TVAD của VTV có mức khủng. Chương trình Hòa âm ánh sáng có đơn giá quảng cáo là 300 triệu/30s; Bước nhảy hoàn vũ là 250 triệu/30s; Chương trình Thần tượng Bolero là 250 triệu/30s; Vietnam Got’s Talent có giá là 180 triệu/30s.

Chương trình Ngôi sao Phương Nam, Hội quán Tiếu lâm, Cười xuyên Việt - Tiếu lâm Hội của Đài PT - TH Vĩnh Long có giá 120 triệu/30s….Ngoài gói đầu tư và tài trợ cho chương trình, còn những quảng cáo nhỏ ngoài chương trình như: The Remix có 10 liveshow, Bước nhảy hoàn vũ có 12 đêm thi, Vietnam Got’s Talent như mọi năm có 26 tập. Trung bình mỗi đêm thi thường hơn 10 phút quảng cáo, nếu tính theo bảng giá đã định thì trong mỗi tập của chương trình, doanh thu quảng cáo lên tới cả chục tỷ đồng. Ngoài ra, nhà sản xuất còn thu được tiền từ việc nhắn tin bình chọn của hàng triệu khán giả trong cả nước.

Như vậy, trừ sự can thiệp từ cơ quan chức năng, đơn vị sở hữu bản quyền, thì khán giả chính là người quyết định sự tồn tại của gameshow. Khán giả còn xem, còn tò mò thì còn rating, quảng cáo và nhà sản xuất vẫn sống tốt. Chính vì vậy, không bao giờ có chuyện ngừng sản xuất các gameshow.

Có thể chương trình hay gameshow này sẽ bị kết thúc hay gián đoạn, nhưng rất nhanh thôi, chúng sẽ lập tức có người khác thế chân... Chuyên gia quảng cáo tên T. hiện đang công tác tại một tập đoàn truyền thông lớn cho hay: “Đứng trên phương diện của một nhà tài trợ, họ chỉ quan tâm đến hiệu quả của chương trình bao nhiêu người biết đến. Một chương trình càng dính “phốt”, người quảng cáo càng có lợi. Trừ khi chương trình tai tiếng, phải dừng lại đột xuất và bị tuýt còi mới dừng tài trợ”.

Chị Chu Hồng Tuyết, từng làm Công ty Truyền thông, quảng cáo Vietstarmax cho biết: “Giá quảng cáo thường đi theo cái gọi là thương hiệu và rating. Các chương trình Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam Got’s Talent, The Remix… có tên tuổi nhất định và thời gian dài. Ngoài ra, một số chương trình có những gương mặt nghệ sĩ hot, hấp dẫn người xem. Khi mà rating cao thì các nhà quảng cáo vẫn sẽ tài trợ, quảng cáo cho chương trình”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.