Hạ tầng

Vì sao không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên phía Bắc?

12/06/2017, 07:05

Các phương án tính tới việc sử dụng đất sân golf để mở rộng sân bay đều có khối lượng GPMB lớn.

1

Khi hoàn thành dự án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ nâng công suất khai thác lên khoảng 45 triệu hành khách/năm, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế - Ảnh: Thanh Bình

Sau phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại Quốc hội hôm 8/6 "không thể mở rộng Tân Sơn Nhất lên phía Bắc", một số chuyên gia đã lên tiếng phản biện. Để rộng đường dư luận, Báo Giao thông tìm câu trả lời từ những người trong cuộc và chuyên gia có uy tín.

Ông Nguyễn Bách Tùng - Giám đốc Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) - đơn vị chịu trách nhiệm lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHK quốc tế Tân Sơn Nhất chia sẻ thẳng thắn với Báo Giao thông xung quanh việc xây thêm đường băng trên vị trí sân golf.

2

Ông Nguyễn Bách Tùng

Đã tính tới phương án sử dụng đất sân Golf

Một trong những vấn đề được dư luận hết sức quan tâm là phần đất sân golf tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay. Tại sao không sử dụng phần đất sân golf để mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, thưa ông?

Là đơn vị được giao tư vấn lập quy hoạch điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, trên cơ sở quỹ đất hiện có (kể cả phần diện tích đất do quốc phòng quản lý) và mục tiêu nâng công suất khai thác, chúng tôi đã nghiên cứu 7 phương án quy hoạch. Tại mỗi phương án đều nêu rõ ưu, nhược điểm.

"Tôi khẳng định việc Bộ GTVT lựa chọn ADCC là đơn vị tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHK quốc tế Tân Sơn Nhất hoàn toàn khách quan. ADCC là đơn vị tư vấn thiết kế hàng đầu về cảng hàng không sân bay tại Việt Nam. Ngoài việc thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch theo quy định của pháp luật, để đảm bảo khách quan, hiệu quả, Bộ GTVT đã chỉ đạo phải có thêm một tư vấn độc lập khác ngoài quân đội để thẩm tra việc lập quy hoạch của ADCC”.

Cục trưởng Cục Hàng không VN
Lại Xuân Thanh

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, phần đất sân golf đã được tính đến rất kỹ càng khi rà soát, nghiên cứu lên các phương án điều chỉnh quy hoạch.

Thực tế, để nâng công suất khai thác CHK quốc tế Tân Sơn Nhất lên khoảng 45 triệu hành khách/năm thì có 7 phương án quy hoạch được tư vấn đề xuất, trong đó có tới 4 phương án đã tính tới việc sử dụng đất sân golf để làm đường cất, hạ cánh thứ 3 và các công trình phụ trợ.

Cụ thể, phương án 1, nghiên cứu xây dựng mới 1 đường CHC phía Bắc (khu vực sân golf), cách đường CHC 25R/07L 1800m và xây dựng 2 nhà ga mới và các công trình phụ trợ nằm trên khu vực đất sân golf. Đây là phương án đã được tư vấn Nhật Bản nghiên cứu trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án CHK quốc tế Long Thành, với TMĐT hơn 201 nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng khoảng 140.000 hộ dân, diện tích GPMB lên tới 616ha.

Phương án 2, nghiên cứu xây dựng mới đường CHC số 3 về phía Bắc và hoàn chỉnh hệ thống đường lăn, sân đỗ, khu dịch vụ kỹ thuật và nhà ga hành khách với 3 kịch bản (phương án) khác nhau gồm: 2A, 2B, 2C, khác nhau chủ yếu về khoảng cách giữa đường CHC số 3 đến đường CHC 25R/07L để giảm thiểu diện tích và chi phí GPMB. Cụ thể: Phương án 2A, sẽ xây dựng đường CHC số 3 về phía Bắc cách đường CHC 25R/07L 1500m. Phương án này có TMĐT khoảng 187.265 tỷ đồng, ảnh hưởng khoảng 68.000 hộ dân, GPMB 561ha; Phương án 2B, xây dựng đường CHC số 3 về phía Bắc cách đường CHC 25R/07L 760m. Phương án này có TMĐT khoảng 152.425 tỷ đồng, ảnh hưởng khoảng 42.000 hộ dân, GPMB 499.81ha; Phương án 2C, xây dựng đường CHC số 3 về phía Bắc cách đường CHC 25R/07L 215m (TMĐT khoảng 100.961 tỷ đồng, ảnh hưởng khoảng 25.400 hộ dân, GPMB 326.5ha).

Dễ dàng nhận thấy, các phương án trên đều có khối lượng GPMB lớn, số hộ dân phải giải tỏa nhiều nên kinh phí triển khai sẽ rất tốn kém, thời gian xây dựng kéo dài và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Sau rất nhiều bàn thảo, cân nhắc, Thường trực Chính phủ đã thống nhất lựa chọn phương án 3. Ưu điểm của phương án này là gì, thưa ông?

Ưu điểm lớn nhất của phương án 3 là đáp ứng năng lực khai thác 43 ÷ 45 triệu HK/năm nhưng lại có thời gian thực hiện quy hoạch nhanh nhất (2 - 3 năm), kinh phí thấp nhất (ước khoảng 16.000 tỷ đồng) và diện tích đất quốc phòng phải chuyển đổi là ít nhất (12,54ha). Tôi khẳng định, chúng tôi đã làm hết sức khoa học, khách quan, cầu thị và phương án 3 là phương án tối ưu.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, vừa qua, Bộ Quốc phòng đã đồng ý bàn giao 21ha, từ đó có thể xây thêm 29 vị trí đỗ máy bay dân dụng.

3

Để nâng công suất khai thác CHK quốc tế Tân Sơn Nhất lên khoảng 45 triệu hành khách/năm, có 7 phương án quy hoạch được tư vấn đề xuất

Không có chuyện làm đường băng thứ 3 mà không phải giải tỏa nhà dân

Vừa qua, trả lời báo chí, ông Nguyễn Thiện Tống cho rằng có thể làm đường băng thứ 3 ở vị trí sân golf mà không cần giải tỏa hộ dân nào. Thậm chí, ông Tống còn cho rằng ADCC đã không khách quan khi đưa ra chi phí và thời gian thực hiện các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Ông có thể nói gì về điều này?

Tôi có thể khẳng định luôn: Không thể xây được đường băng 2.600m trong phạm vi sân golf mà không phải giải tỏa nhà dân. Trong 7 phương án báo cáo Chính phủ thì có phương án 2B tính toán đến việc mở đường băng tại vị trí mà ông Tống nói. Tuy nhiên, như tôi đã phân tích, tính khả thi của phương án này không cao vì vẫn phải giải phóng nhà dân và đơn vị quân đội.

Hơn nữa, cần phải hiểu rằng làm thêm đường băng 2.600m không chỉ đơn thuần là làm mỗi đường băng này mà còn cần thêm chiều dài để bố trí các dải bảo hiểm và các hệ thống đèn tiếp cận. Đây là những điều kiện tối thiểu để cất, hạ cánh cả ban ngày lẫn ban đêm. Chưa kể là còn phải đảm bảo an toàn độ cao tĩnh không theo tiêu chuẩn cho phép. Các công trình nào có độ cao vượt quá quy định tĩnh không đều buộc phải xử lý để đảm bảo an toàn cất hạ cánh.

Như vậy, cần tổng cộng chiều dài khoảng 4.000m để xây dựng đường băng 2.600m. Tôi khẳng định làm đường băng 2.600m vẫn cần phải giải toả nhà dân và các đơn vị quân đội.

Chúng tôi khẳng định đã thực hiện công tác tư vấn một cách khoa học và khách quan, đã đề cập đến tất cả các phương án có thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Các phương án này đã được xem xét kỹ lưỡng trên mọi phương diện và đã được báo cáo, bảo vệ qua rất nhiều cuộc họp.

Chúng tôi cũng khẳng định rằng, phương án 3 là phương án khả thi nhất, không ảnh hưởng đến người dân, tốn kém ít nhất, xây dựng nhanh nhất và đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và người dân là nhanh chóng giải quyết vấn đề ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh rằng, từ trước đến nay mọi người chỉ nhắc đến sân golf ở khu vực phía Bắc mà không nhắc tới rất nhiều đơn vị quân đội nằm giữa sân golf và sân bay, đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất, bảo vệ TP.HCM.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.