Xã hội

Vì sao kiểm tra quốc tịch cổ đông hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn?

01/10/2022, 18:15

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương đã có lý giải vì sao phải kiểm tra quốc tịch cổ đông hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn

Chiều nay (1/10), tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương đã thông tin về việc vì sao đề nghị soát quốc tịch cổ đông hãng bay IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

img

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, hoạt động xác định quốc tịch là bình thường. Việc xác định quốc tịch của cổ đông để chúng ta biết được tư cách của doanh nghiệp thuộc thể loại nào.

Theo quy định của Luật đầu tư và các văn bản hướng dẫn thì doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài và 100% vốn trong nước có một số chính sách khác nhau.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Quốc tịch 2014, một số trường hợp thì người Việt Nam được mang 2 quốc tịch. Trong quy định về hướng dẫn về Luật Đầu tư cũng có những tình huống ứng xử với nhà đầu tư mang 2 quốc tịch.

"Do vậy việc xác định quốc tịch của cổ đông, nhất là cổ đông sáng lập thì cần phải xác định để ứng xử cho phù hợp", ông Phương nói.

Trước đó, Bộ KH&ĐT đề nghị rà soát, kiểm tra tình trạng quốc tịch các cổ đông góp vốn tại IPP Air Cargo để xác định điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục đầu tư.

Hiện cơ cấu cổ đông của Công ty cổ phần IPP Air Cargo gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (đại diện là ông Nguyễn Hạnh), Công ty TNHH Thương mại Duy Anh (đại diện ông Nguyễn Phi Long) đều là doanh nghiệp 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam.

Bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn William Hiếu là công dân Việt Nam nên IPP Air Cargo là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, không có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, trong góp ý gửi Chính phủ về cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo, Bộ KH&ĐT đề nghị rà soát, kiểm tra tình trạng quốc tịch của các cổ đông.

Theo cơ quan này, trường hợp các cổ đông góp vốn tại IPP Cargo Airlines mang 2 quốc tịch thì áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục đầu tư theo khoản 2, Điều 16 Nghị định 31/2021 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.

Điều này có nghĩa là nhà đầu tư có quyền chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục như với nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài. Trường hợp họ chọn là nhà đầu tư trong nước, người mang hai quốc tịch không được thực hiện các quyền, nghĩa vụ với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, 100% cổ đông của IPP Air Cargo là cá nhân có quốc tịch Việt Nam nên công ty này là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam.

Như vậy, dự án đầu tư kinh doanh vận tải hàng hóa bằng đường hàng không của hãng là dự án đầu tư trong nước, không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.

Dự án hàng không của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD. Trong đó, 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

Không có quy định mức chiết khấu trong giá xăng dầu

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, mức chiết khấu xăng dầu là mức giảm giá của các đơn vị bán xăng dầu như doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, phân phối... cho các đối tượng khác. Hiện nay, theo các quy định không có quy định mức chiết khấu trong giá xăng dầu.

"Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu cho các doanh nghiệp xăng dầu mà chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng này, doanh nghiệp tự quy định mức chiết khấu cho người mua. Theo đó, khi nguồn cung dồi dào, giá thế giới giảm nên doanh nghiệp tăng chiết khấu để đẩy lượng bán ra và ngược lại", ông nói.

Thứ trưởng Bộ Công thương thừa nhận thời gian qua có tình trạng chiết khấu thấp, tình trạng bán xăng nhỏ giọt và cho rằng xuất phát hai lý do chính.

Thứ nhất, do đầu năm đến nay thị trường xăng dầu thế giới phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động biên độ lớn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp xăng dầu trong nước.

Trong quý II, doanh nghiệp đầu mối tăng mạnh nhập khẩu nhưng sang quý III, giá liên tục giảm, các doanh nghiệp thua lỗ do nhập khẩu lượng lớn, giá cao nên buộc phải giảm mức chiết khấu cho hệ thống phân phối.

Bên cạnh đó, do cuối năm 2021 đến nay chi phí kinh doanh xăng dầu tăng, tuy nhiên để kiểm soát lạm phát, các chi phí này chưa được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh nên doanh nghiệp đầu mối buộc phải cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có chiết khấu xăng dầu.

Về vấn đề này ngày 23/9, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái xem xét các chi phí xăng dầu và đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công thương thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp xăng dầu.

Liên quan đến vấn đề chiết khấu và chi phí kinh doanh xăng dầu, nhiều doanh nghiệp bán lẻ cho biết với tình hình chiết khấu 0 đồng như hiện tại thì hàng nghìn cây xăng chỉ có thể trụ nổi trong vòng một tháng nữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.