Đường sắt

Vì sao kinh doanh vận tải đường sắt giảm sút?

07/07/2016, 06:49

6 tháng đầu năm 2016, doanh thu vận tải đường sắt chỉ bằng hơn 77% cùng kỳ.

11

6 tháng đầu năm 2016, doanh thu vận tải đường sắt chỉ bằng hơn 77% cùng kỳ.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ SXKD 6 tháng cuối năm 2016 của Tổng công ty Đường sắt VN diễn ra ngày 6/7, đơn vị này cho biết, doanh thu vận tải của các công ty cổ phần đạt hơn 1.954 tỷ đồng, chỉ bằng 77,5% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là doanh thu trực tiếp từ thu cước hàng hóa, hành khách, hành lý, chưa tính doanh thu dịch vụ hỗ trợ.

Lý giải nguyên nhân sản lượng, doanh thu vận tải đạt thấp so với cùng kỳ, các công ty vận tải đưa ra nguyên nhân hàng đầu là do sập cầu Ghềnh, đứt mạch tuyến đường sắt Bắc – Nam ngay trước đợt chạy tàu khách cao điểm: Nghỉ lễ 30/4, mùa du lịch hè cuối tháng 5, tháng 6. Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Tá Tùng cho biết, ước tính những ngày cao điểm tháng 6, đường sắt thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng/ngày khi lượng khách giảm sút và các chi phí khác để phục vụ vận tải có chuyển tải khu vực cầu Ghềnh.

"Để thúc đẩy SXKD, Tổng công ty Đường sắt VN phải đánh giá lại công tác tái cơ cấu từ quản trị doanh nghiệp, mô hình tổ chức để có định hướng tiếp theo… Tiếp tục duy trì tốt sản xuất kinh doanh vận tải, tập trung đẩy mạnh khai thác vận tải hàng hóa, tổ chức vận tải hành khách linh hoạt. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa vận tải”.

Thứ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Ngọc Đông

Một nguyên nhân nữa là do ảnh hưởng vụ cá chết hàng loạt tại các tỉnh Bắc Trung bộ, lượng khách du lịch đến các điểm này giảm hẳn. Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn Đào Anh Tuấn cho biết, lượng khách đoàn đặt vé đi các chuyến tàu từ Sài Gòn đến Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới, Vinh trong hè này giảm mạnh so với các năm trước.

Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội chia sẻ, đường sắt đang phải chịu cạnh tranh gay gắt với hàng không giá rẻ. “Có những đoàn khách 200 - 300 người đến đặt vé, trong khi chờ chúng tôi bố trí chỗ, họ chuyển sang đi máy bay. Hà Nội – Đà Nẵng vé máy bay có 600.000 đồng/vé/chiều, trong khi giá vé đường sắt khoảng 700.000 đồng/vé/lượt giường nằm (điều hòa, khoang 4 giường). Nhưng nếu giảm giá vé nữa, chúng tôi lỗ”, bà Hà nói.

“Không thể đổ hết lỗi cho sập cầu Ghềnh hay thiên tai nên dẫn tới kết quả vận tải đạt thấp”, ông Vũ Tá Tùng nói và cho rằng, cần phải phân tích rõ nguyên nhân để có giải pháp tháo gỡ.

Còn Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Trần Ngọc Thành thẳng thắn nhìn nhận: “Đúng là năng lực đường sắt hạn chế nhưng rõ ràng cũng chưa khai thác hết”. Theo ông Thành, vấn đề là phải tổ chức vận tải như thế nào cho hiệu quả, nhất là lĩnh vực vận tải hàng hóa, từ quản lý, quay vòng toa xe, đến xếp dỡ hàng hóa, đầu tư hạ tầng kho bãi…

Về yếu tố cạnh tranh, ông Thành nhấn mạnh: “Thị trường là phải cạnh tranh, vì vậy vận tải đường sắt có lợi thế gì phải khai thác được lợi thế đó. Phân khúc thị trường nào có lợi cho đường sắt thì khai thác phân khúc đó, có vậy mới cạnh tranh được với các phương tiện khác”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.