Thời sự

Vì sao lại gọi là con đường, cây cầu?

13/11/2014, 15:15

Con đường, cây cầu là những thứ gắn liền với cuộc sống của mỗi người. Mặc dù rất gắn bó, thân thuộc nhưng nhiều người không hiểu tại sao con đường, cây cầu lại được định danh như vậy?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo PGS. TS. Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam), người Việt xưa thường định danh các sự vật, hay hình dung nó trong một bối cảnh nào đó. Con đường, con sông, con dao, cái áo, cây tre... là những danh từ bao gồm loại từ và danh từ chỉ khối. Loại từ trong tiếng Việt có nhiều như: Cái, chiếc, con, cây... danh từ chỉ khối gồm nhiều sự vật cùng loại: Bò, trâu, đường, áo, cầu... Lý do tại sao người Việt chọn loại từ này kết hợp với danh từ chỉ khối kia còn tùy thuộc vào cách suy nghĩ, cách ghi nhận theo tư duy dân gian...

Cụ thể hơn, loại từ con thường kết hợp với những thứ chuyển động, đi lại được như con người, con vật. Đối với đường đi, cha ông ta cũng tư duy nó chuyển động, uốn khúc được nên gọi là con đường. Con sông cũng định danh theo hướng này.

Cây là từ chỉ “thực vật có rễ, thân, lá” vươn lên cao (cây cải, cây tre, cây sấu)... Sau được dùng chỉ những sự vật có hình thù giống cây (cây rơm, cây nấm, cây xăng...). Người xưa từng làm cầu bằng nguyên cây gỗ, cây tre nên người ta tri giác nó là một sự vật có chiều cao. Hơn nữa, cây cầu có nhịp, vươn lên, như biểu tượng một cái cây nên gọi là cây cầu.

PGS. TS. Phạm Văn Tình cũng cho biết thêm, ngôn ngữ có tính võ đoán (tức là không có lý do) nên vẫn có những từ có thể kết hợp với cùng một lúc nhiều loại từ mà không ảnh hưởng đến ngữ nghĩa như: Con thuyền/cái thuyền, con dao/ cái dao...

Ngọc Lê

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.