Bạn cần biết

Vì sao liên tục học sinh mắc rối loạn phân ly?

25/12/2017, 07:27

Nửa tháng qua, tại Bắc Kạn và Đắk Lắk cùng phát hiện những nhóm học sinh có biểu hiện rối loạn phân ly...

20

Học sinh tại Đắk Lắk được thăm khám sau khi có biểu hiện lạ

Liên tục các vụ học sinh mắc rối loạn phân ly tập thể

Mới đây, báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk về trường hợp 6 học sinh tại huyện Krông Bông có biểu hiện lạ, ghi nhận ban đầu do chứng rối loạn phân ly tập thể. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh vẫn cần điều tra nguyên nhân cụ thể. Trước đó, ngày 8/12, giáo viên tại điểm trường Ea Lang của trường Tiểu học Cư Pui 2, xã Cư Pui (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) phát hiện một học sinh nữ có biểu hiện bất thường: Mặt đỏ, môi tím, nói nhảm, thỉnh thoảng lại la hét, không làm chủ được bản thân. Sau đó, có thêm 5 nữ sinh cũng có triệu chứng tương tự. Trước sự việc bất thường này, nhà trường đã báo cáo ngành y tế địa phương.

Nhận được thông tin, Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế Đắk Lắk) đã tổ chức đoàn công tác đến xã Cư Pui - nơi có 6 học sinh dân tộc Mông từ 10-13 tuổi phát bệnh. Theo BS. Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Lắk, các học sinh có triệu chứng mất ngủ, hay nói lảm nhảm, ôm bạn vật xuống đất và chạy ra ngoài khi đang học. Mỗi cơn kéo dài từ 15 phút đến 1 giờ, sau đó các cháu trở lại bình thường. Qua tìm hiểu tại gia đình, các em đều sinh sống bình thường, không ai bị chấn thương vùng sọ não, té, ngã để gây sang chấn về thần kinh; cũng chưa từng mắc bệnh nan y, mãn tính và cấp tính…

Cũng trong tháng 12, tại điểm trường Nà Bản thuộc trường Tiểu học Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) có 5 lớp học với 108 học sinh. Theo bà Lưu Thị Uyên, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường, toàn bộ số học sinh có biểu hiện lạ, không kiểm soát được bản thân đều thuộc điểm trường Nà Bản và đều có triệu chứng giống nhau. Ban đầu các em hơi mệt, sau đó chuyển sang trạng thái hung dữ, mất kiểm soát bản thân không nhận biết được bất kể ai. Khi các thày cô giáo đến hỗ trợ, các em hung dữ, sẵn sàng phản ứng bằng cách đánh lại, cấu xé, cắn các thày cô giáo… Qua giai đoạn hung dữ, các em lại rơi vào trạng thái ngất xỉu, khi tỉnh dậy nhiều em yếu không đi lại được và các em cũng không nhớ lại được.

PGS.TS. Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, người trực tiếp thăm khám cho các học sinh tại Nà Bản cho biết, đây là biểu hiện của rối loạn phân ly tập thể.

Vì sao trẻ bị rối loạn phân ly?

Theo PGS.TS. Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần Bệnh viện 103, rối loạn phân ly không phải là hiện tượng lạ ở Việt Nam. Trước đây, bệnh đã được ghi nhận nhiều ở các đại đội thanh niên xung phong. Hiện nay, bệnh cũng được ghi nhận rải rác. “Rối loại phân ly có đặc điểm tăng cảm xúc, tăng tính ám thị. Trong đó, cơ chế ám thị do các cảm xúc căng thẳng và lo sợ, các kích thích sang chấn dễ gây ra phản ứng dây chuyền tập thể. Do vậy, khi có một người trong tập thể bị, nhiều người khác có thể cũng bị, làm cho người ta có cảm giác bệnh có thể lây lan. Có khi còn bị cho là ma quỷ gây nên”, ông Đức cho biết.

Ths. BS. Nguyễn Mai Hương, Phó trưởng Khoa Tâm thần, BV Nhi T.Ư cũng cho biết: “Rối loạn phân ly là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp với tỷ lệ 0,3 – 0,5% dân số. Một trong những điều kiện thuận lợi khiến trẻ mắc chứng bệnh trên chính là do trẻ sống trong môi trường giáo dục không thích hợp, cha mẹ quá nuông chiều hoặc quá khắt khe với con… Hoặc bệnh xuất hiện sau những sang chấn tâm lý, các vấn đề khó khăn trong học tập, công việc, mối quan hệ mà người bệnh không thể giải quyết được...".

Theo BS. Hương, hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ những tổn thương não bộ gây ra rối loạn phân ly và rối loạn phân ly tập thể. Vì vậy, bệnh lý này còn được gọi là bệnh lý chức năng. Các biểu hiện của bệnh thường phát sinh trong khoảng thời gian ngắn sau các sự kiện gây sang chấn, những vấn đề không giải quyết được gây căng thẳng. Đôi khi, các sang chấn nhỏ nhưng xảy ra thường xuyên cũng có thể là yếu tố thuận lợi cho phân ly, ví dụ như áp lực học tập, mối quan hệ bạn bè không tốt… Trong những trường hợp như vậy, rối loạn phân ly xuất hiện như một cơ chế tự phòng vệ để bảo vệ cho những cá nhân, nhằm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực như lo âu, bất lực. Đồng thời tạo ra những lợi ích thứ phát như được quan tâm, chăm sóc.

“Rối loạn phân ly chủ yếu được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, kết hợp với nâng cao thể trạng và bồi dưỡng nhân cách, thiết lập môi trường phù hợp. Quá trình điều trị thường cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì của cán bộ y tế, gia đình và người bệnh”, BS. Hương cho hay.

Theo khuyến cáo của BS. Hương, để phòng căn bệnh này, gia đình, nhà trường cần rèn luyện tính cách trẻ em ngay từ khi còn nhỏ, hướng dẫn trẻ biết thương yêu, chia sẻ, đương đầu với khó khăn. Đồng thời, tăng cường giáo dục, quản lý con em mình, bồi dưỡng nhân cách, lối sống tốt đẹp, lành mạnh, tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, biết khắc phục khó khăn, tránh các stress tâm lí trong sinh hoạt, học tập và công tác; đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý, giảm sức ép từ việc học tập. Và trong một tập thể cần bố trí tỷ lệ nam, nữ hài hòa…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.