Bên lề

Vì sao lỗ, K+ vẫn quyết mua bản quyền Ngoại hạng Anh?

25/04/2016, 16:22

Hiện nay, người hâm mộ có nhiều cách xem bóng đá chứ không nhất thiết phải sử dụng truyền hình trả tiền.

033702-01-02_WEMD

Trung vệ  Gabriel Paulista (Arsenal) tranh bóng với tiền đạo Andy Carroll (West ham)

Dù tình hình sản xuất kinh doanh đang thua lỗ, nhưng K+ vẫn rất sốt sắng trong việc mua bản quyền truyền hình (BQTH) Ngoại hạng Anh với số tiền dự kiến lên tới cả nghìn tỷ đồng.

K+ thua lỗ do đâu?

Trong báo cáo tài chính gửi lên Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cho hay, Công ty Truyền hình số vệ tinh (VSTV, đơn vị sở hữu kênh truyền hình K+) chưa có dấu hiệu khởi sắc trong kinh doanh. Cụ thể, tới hết năm 2015, lỗ lũy kế của K+ lên tới 1.979 tỷ đồng. Riêng năm 2015, sau khi trừ tất cả chi phí, K+ lỗ 83 tỷ đồng dù theo kế hoạch ban đầu, K+ sẽ hòa vốn vào năm 2015.

Việc K+ làm ăn thua lỗ khiến không ít người cảm thấy khó hiểu bởi trong những năm qua, đơn vị này có mức tăng trưởng rất ấn tượng. Số lượng thuê bao của K+ đã tăng từ 95.602 vào năm 2009 lên 803.229 vào năm 2015. Tổng doanh thu tăng từ 24,6 tỷ đồng (năm 2009) lên 1.269 tỷ đồng (năm 2015). Giải thích cho vấn đề này, ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc K+ thông tin, sở dĩ K+ chưa thể có lãi là do vốn đầu tư ban đầu lớn và đa phần phải đi vay nên riêng việc trả lãi vay cũng ngốn một khoản tiền không nhỏ.

“Kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền, đặc biệt là truyền hình vệ tinh cần đầu tư lớn cho nội dung nên đòi hỏi vốn hoạt động nhiều, không phụ thuộc vào lượng thuê bao. Những năm đầu, lượng thuê bao rất thấp, trong khi chi phí cao (riêng phí vệ tinh hàng trăm tỷ đồng/năm) nên lỗ lớn là đương nhiên. Số lỗ hàng năm giảm mạnh nhưng khi “cộng dồn” các năm thì lỗ lên hàng nghìn tỷ đồng cũng là dễ hiểu. Ngoài ra, lỗ do K+ hoạt động chủ yếu trên vốn vay, bởi vốn góp ban đầu của hai bên (VTV và Canal+) chỉ đáp ứng 20% vốn hoạt động”, ông Lê Chí Công phân tích.

Để làm rõ hơn về việc VTV và Canal+ chỉ góp 20% vốn hoạt động ban đầu, PV Báo Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong. Ông Phong cho biết: “Việc VTV hay đối tác không góp vốn (ngoài vốn điều lệ - PV), hay việc K+ phải đi vay lãi để hoạt động là điều hết sức bình thường và đúng luật. Còn lý do tại sao hai đơn vị không góp vốn là việc nội bộ nên người ngoài không thể biết được.

Có thể do ăn chia, rồi cơ chế”. Tiếp đục đeo bám vấn đề, chúng tôi đã liên lạc với ông Phạm Thành Lương, Phó tổng giám đốc VTV để làm rõ nhưng ông Lương từ chối trả lời với lý do “tôi đang rất bận”.

Không có Ngoại hạng Anh thì càng lỗ

Ở một diễn biến khác, dù đang thua lỗ và được dự báo tiếp tục lỗ trong hai năm tới, nhưng K+ vẫn rất sốt sắng trong việc mua BQTH giải Ngoại hạng Anh. Số tiền dự kiến phải bỏ ra để sở hữu gói bản quyền trong ba mùa 2016-2019 chắc chắn không dưới 1.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, ông Lê Chí Công khẳng định, K+ hoàn toàn kiểm soát được tình hình: “Đầu tư vào nội dung, đặc biệt là bản quyền chương trình thể thao, phim ảnh… luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí. Chiến lược nội dung của K+ là thể thao nên chúng tôi tập trung đầu tư vào bản quyền thể thao nói chung và Ngoại hạng Anh nói riêng. Vì vậy, không thể vì đang lỗ mà cắt giảm đầu tư, như vậy sẽ càng lỗ hơn”.

Về việc VTV đang có ý định thoái vốn khỏi K+, ông Lê Chí Công nói: “Tôi được biết, mục tiêu thoái vốn tại K+ là nhằm bảo toàn vốn Nhà nước và bổ sung vốn để giảm sức ép vốn vay cho K+.  Đây là việc của hai chủ đầu tư là VTV và Canal+ và phải chờ ý kiến của Chính phủ cho phép trước khi thực hiện các bước tiếp theo”.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo K+ cũng bày tỏ sự lạc quan về tình hình kinh doanh trong những năm tới: “Chúng tôi đầu tư mạnh vào nội dung, giảm giá thuê bao phù hợp với mặt bằng thu nhập của người dân và sẽ có kết quả tốt trong dài hạn khi lượng thuê bao đủ lớn”.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của ông Vũ Quang Huy, Giám đốc kênh VTC3 (Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC), việc mua bản quyền với giá cao đem đến nhiều rủi ro. “Bỏ một số tiền lớn ra mua bản quyền không đồng nghĩa với việc bán được nhiều thuê bao. Nếu mua độc quyền thì càng tai hại bởi có bao nhiêu tiền đều ném hết cho bên nắm bản quyền.

Hiện nay, người hâm mộ có nhiều cách xem bóng đá chứ không nhất thiết phải sử dụng truyền hình trả tiền. Các trận đấu đều có link share trên internet, rồi xem ở quán cà phê, quán nhậu...”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.