Thế giới

Vì sao Mỹ bất ngờ hủy quyết định trục xuất du học sinh?

17/07/2020, 06:48

Chính quyền Washington bất ngờ rút lại quyết định buộc hàng chục nghìn sinh viên nước ngoài về nước nếu chỉ học online vào học kỳ mùa Thu tới.

img
Hàng triệu du học sinh Mỹ thở phào nhẹ nhõm sau khi Mỹ thu hồi quyết định bắt buộc sinh viên nước ngoài học trực tuyến trong kỳ học mùa Thu tới phải về nước

Hơn một tuần sau khi khiến hơn 1 triệu học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh nước ngoài trên khắp nước Mỹ hoang mang, lo sợ bị trục xuất vì có chương trình học trực tuyến vào kỳ học mùa Thu tới, chính quyền Washington bất ngờ rút lại quyết định.

Hàng triệu sinh viên hoảng loạn và lo lắng

Thẩm phán Allison D. Burroughs ở Massachusetts hôm 14/7 bất ngờ thông báo trong một cuộc điều trần qua video rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đã hủy kế hoạch buộc hàng chục nghìn sinh viên nước ngoài về nước nếu chỉ học online vào học kỳ mùa Thu tới. Dù không nêu lý do nhưng động thái đảo ngược chính sách bất ngờ của chính quyền Trump được đánh giá là một chiến thắng lớn cho các trường đại học nhằm bảo vệ hàng nghìn sinh viên quốc tế trước sức ép tái mở cửa giữa đại dịch.

Giới quan sát thì cho rằng, lý do trước hết có lẽ bởi áp lực cực lớn từ làn sóng chỉ trích và kiện tụng gay gắt từ các trường đại học và giới phân tích. Ngoài Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Havard nộp đơn kiện Chính phủ Mỹ vì quy định trên, một nhóm các trường đại học công và tư đều tham gia vào hình thức “amicus brief” (văn bản góp ý của một bên thứ ba, không liên quan quyền lợi trực tiếp đến vụ việc nhưng có quan ngại sâu sắc, gửi cho tòa án để giúp tòa có thêm thông tin xử lý vụ việc) để phản đối quy định của chính quyền ông Donald Trump.

Trước đó, ngày 6/7, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo du học sinh tại Mỹ sẽ phải về nước nếu chương trình đang theo học chuyển sang dạy online 100% vào mùa Thu tới. Người ở lại bị coi là cư trú bất hợp pháp và có thể bị trục xuất. Du học sinh hiện còn ở Mỹ và đã đăng ký các môn học 100% online cho học kỳ mùa Thu được yêu cầu thay đổi ngay lập tức bằng cách chuyển đến các trường có dạy trực tiếp, hoặc kết hợp hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến. Thông tin này khiến các trường cao đẳng và đại học cũng như sinh viên quốc tế bị sốc.

Hơn 1,1 triệu người, trong đó có khoảng 24.000 sinh viên Việt có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách mới này, dù mỗi năm đóng góp 41 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ và đảm nhận hơn 458.000 việc làm ở nước này. Việc mất sinh viên quốc tế có thể khiến các trường đại học thiệt hại hàng triệu đôla học phí và gây khó khăn cho các công ty Mỹ trong việc tuyển dụng những lao động có tay nghề cao.

Sau Harvard và MIT, tổng chưởng lý của 20 bang, trong đó có Massachusetts và California, cũng đệ đơn kiện, cáo buộc chính sách trên là liều lĩnh, tàn nhẫn và vô nghĩa trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng cao đỉnh điểm. Hàng chục trường đại học khác và các tổ chức đại diện sinh viên quốc tế lên tiếng ủng hộ vụ kiện.

Tổng chưởng lý bang California Xavier Becerra, người dẫn đầu một đơn kiện riêng chống lại quy định của ICE, chỉ trích “những hành động độc đoán” của Trump đang đặt sức khỏe của sinh viên và cộng đồng vào nguy hiểm.

“Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang buộc các trường Đại học và Cao đẳng Mỹ phải lựa chọn giữa mất toàn bộ sinh viên ngoại quốc hoặc nối lại chương trình học trực tiếp, đặt ra những mối hiểm họa về sức khỏe với sinh viên, giảng viên, công nhân viên ngành giáo dục”, ông Diane Hernandez, một luật sư nhập cư đang làm việc tại Công ty Luật Hall Estill cho biết trong một thông báo.

“Tự bắn vào chân mình”

Lý do sâu xa khác có lẽ là do nếu thực hiện việc trục xuất sinh viên vì chương trình học trực tuyến, Washington còn đối mặt với những tác động dài hạn và sâu rộng tới không chỉ ngành giáo dục mà cả chính trị.

Là một quốc gia, khi chúng ta quay lưng lại với các sinh viên nước ngoài tài năng, chúng ta không chỉ đánh mất tất cả những gì mà họ mang đến các lớp học và phòng thí nghiệm, chúng ta còn từ bỏ một tài sản chiến lược. Các đối thủ cạnh tranh của chúng ta công khai ghen tỵ về khả năng chúng ta thu hút và tiếp nhận tài năng từ khắp nơi. Tôi sợ rằng chúng ta sẽ chỉ nhận ra sức mạnh chiến lược này của Mỹ một khi nó đã mất đi.
Chủ tịch Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) L. Rafael Reif


Từ lâu, Mỹ luôn là địa điểm hàng đầu trên thế giới của sinh viên quốc tế và giáo dục cấp cao, thu về hàng chục tỷ USD lợi nhuận hàng năm. Riêng năm ngoái, gần 270.000 sinh viên nước ngoài đã đăng ký vào các trường đại học Mỹ, đưa số lượng sinh viên quốc tế ở nước này đã lên tới 1,1 triệu người, theo Báo cáo của Viện Giáo dục Quốc tế.

Vì sự bất ổn dai dẳng ở Mỹ, những ứng viên quốc tế tương lai có thể sẽ chuyển hướng tìm các trường khác ở châu Âu, Australia. Xu hướng đó sẽ hình thành một cú giáng tài chính đau đớn hơn nữa với các trường cao đẳng Mỹ vốn bị tổn thương vì Covid-19.

Song song với đó, ngành giáo dục này còn trở thành thứ quyền lực mềm tiềm năng. Bởi, đây là cách để một quốc gia “có thể tạo ảnh hưởng tới suy nghĩ của 3/4 trong 1 triệu người/năm, sau đó phần lớn những người này quay trở lại nước nhà và mang theo hình ảnh nước Mỹ rõ nét hơn, khác biệt hoàn toàn so với cách họ nhìn quốc gia này qua truyền thông từ những nơi xa xôi”, bà Joseph Nye, cựu Chủ nhiệm Khoa Chính trị Kennedy, Đại học Havard cho biết.

Chuyên gia Joseph Nye nói rằng, nhiều sinh viên quốc tế theo học ở Mỹ, khi quay trở về quốc gia mình và thăng tiến lên những vị trí cấp cao trong Chính phủ hoặc ngành công nghiệp.

Thống kê cho thấy, năm 2019, có tới 62 nguyên thủ hoặc lãnh đạo Chính phủ từ các nơi trên thế giới đều theo học tại Mỹ, theo báo cáo từ Viện Chính sách Giáo dục cấp cao có trụ sở tại Anh thực hiện.

Hiểu tầm quan trọng đó, từ lâu, Mỹ luôn sẵn sàng cấp vốn cho các chương trình của những tổ chức giáo dục trên khắp đất nước, tài trợ cho các chương trình trao đổi sinh viên cấp 3… có tiềm năng củng cố quyền lực mềm đó. Vì những lý do trên, nếu tiếp tục duy trì quyết định đó, chả khác nào hành động “tự bắn vào chân mình”.

Sau khi Nhà Trắng thông báo hủy chính sách trục xuất du học sinh, Chủ tịch Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) L. Rafael Reif cho rằng, sự thay đổi nhanh chóng của chính quyền là bằng chứng cho thấy vai trò quan trọng của sinh viên quốc tế trong giáo dục, nghiên cứu và đổi mới ở Mỹ. “Những sinh viên này giúp chúng ta mạnh hơn và chúng ta làm tổn thương chính mình khi chúng ta xa lánh họ”, ông nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.