Thế giới

Vì sao Mỹ bất ngờ muốn đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên?

14/12/2017, 11:46

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã bất ngờ đề nghị đàm phán trực tiếp với Triều Tiên mà không cần điều kiện trước.

30

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson

Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã bất ngờ đề nghị đàm phán trực tiếp với Triều Tiên mà không cần điều kiện trước. Trong khi đó, Triều Tiên cũng được cho là đã có động thái gợi ý mở “hé cửa” để đàm phán.

“Hãy cứ gặp thôi”

Giữa thời điểm vấn đề Triều Tiên leo thang, mới đây, trao đổi với tổ chức cố vấn Hội đồng Đại Tây Dương của Washington, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói: “Hãy cứ gặp thôi!”. “Chúng tôi đã sẵn sàng để tổ chức cuộc gặp đầu tiên kể cả không cần các điều kiện trước.

Đây là lời đề nghị đàm phán ngoại giao mới nhằm gỡ rối bế tắc, chấm dứt “khẩu chiến” giữa Mỹ và Triều Tiên về bê bối hạt nhân, tên lửa. Nhưng phát ngôn này của Ngoại trưởng Tillerson gây bất ngờ vì nó khá khác biệt so với các tuyên bố trước đó của giới chức cấp cao Mỹ, trong đó, nhất quyết phải bàn về việc giải trừ vũ khí hạt nhân trước khi tổ chức các cuộc đàm phán chính thức.

Những dấu hiệu thay đổi trong cách suy nghĩ của Ngoại trưởng Tillerson diễn ra 2 tuần sau khi Triều Tiên cho biết, họ đã tạo bước đột phá khi phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, có tầm xa bao phủ cả đại lục Mỹ.

Dù vậy, ông Tillerson cho rằng, để có thể xúc tiến các cuộc đàm phán hiệu quả, Triều Tiên cần phải có một giai đoạn kiềm chế, không thử nghiệm tên lửa hay hạt nhân.

Song song với đó, Ngoại trưởng Mỹ cho biết, Mỹ đang nỗ lực để thắt chặt việc thực thi các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Triều Tiên, đặc biệt là các biện pháp bổ sung mà Trung Quốc có thể áp dụng. Cũng theo ông Tillerson, Washington có đủ các lựa chọn quân sự nếu đây là phản ứng cần thiết.

“Điều quan trọng là các nỗ lực ngoại giao phải được hậu thuẫn bằng những biện pháp thay thế quân sự đáng tin cậy”, ông Tillerson nói và nhấn mạnh: Tổng thống Trump muốn phải đảm bảo chắc chắn Triều Tiên không thể phóng vũ khí hạt nhân tới các bờ biển của Mỹ.

Ông Tillerson cũng nhận định, Chủ tịch Triều Tiên là một lãnh đạo mới, không giống như các vị lãnh đạo Triều Tiên trước như người cha Kim Jong-il hay người ông Kim Il-sung.

Nhận định về sự thay đổi quan điểm của ông Tillerson, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí phi đảng phái Daryl Kimball cho biết, đề xuất của ông Tillerson là quá chậm và để các cuộc đàm phán như vậy có thể tiếp diễn, Mỹ cũng như Triều Tiên cần phải tỏ ra kiềm chế hơn nữa.

Triều Tiên đã hé cửa đàm phán

Theo hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Rex Tilerson đã khẳng định trong bài phát biểu rằng, Tổng thống Trump “khuyến khích các nỗ lực ngoại giao” để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Tuy nhiên, nhận định này trái ngược với phản ứng được Nhà Trắng đưa ra sau đó và Tổng thống Trump lâu nay. Sau những nhận định của ông Tilerson, Nhà Trắng phát đi một thông báo khá mơ hồ, không rõ ý Tổng thống Mỹ Donald Trump có đồng tình với nhận định của Ngoại trưởng hay không.

Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ: “Quan điểm của Tổng thống về vấn đề Triều Tiên vẫn không thay đổi. Triều Tiên đang hành động một cách không an toàn. Những động thái của Bình Nhưỡng không tốt cho bất cứ ai và chắc chắn không tốt với bản thân Triều Tiên”.

Trước đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng thể hiện bất đồng quan điểm với quan chức ngoại giao cấp cao khi ông chỉ trích Ngoại trưởng Tillerson đang tốn thời gian vào theo đuổi các cuộc đàm phán với Triều Tiên.

Về phía Bình Nhưỡng, nước này vốn bày tỏ rõ quan điểm, họ không mấy quan tâm tới các cuộc đàm phán với Mỹ cho đến khi họ vừa phát triển khả năng tên lửa có thể đưa Mỹ vào tầm bắn.

Nhận định về khả năng đàm phán với Triều Tiên, từ Liên hợp quốc, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Jeffrey Feltman, sau khi vừa đến thăm nước này cho rằng, giới chức cấp cao ở Bình Nhưỡng không cam kết sẽ tổ chức đàm phán nhưng ông tin, họ đã để hé cánh cửa đối thoại.

Ông Jeffrey Feltman, người từng là quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, quan chức cấp cao nhất của Liên hợp quốc tới Triều Tiên kể từ năm 2011 và hội đàm với Ngoại trưởng nước này là ông Ri Yong Ho và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Pak Myong Guk trong chuyến thăm 4 ngày tại đây.

“Thời gian sẽ nói lên tác động từ các cuộc bàn luận của chúng tôi nhưng tôi nghĩ họ đã để hé cánh cửa. Tôi có niềm hy vọng mãnh liệt rằng, lối vào cho một giải pháp đàm phán luôn rộng mở”, ông Feltman nói như vậy tại phiên họp thông báo kín trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chuyến thăm. “Họ cần thời gian để suy nghĩ kỹ càng và cân nhắc cách phản ứng với thông điệp của chúng tôi”, ông cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.