Thời sự Quốc tế

Vì sao Mỹ phát hiện khí cầu nghi của Trung Quốc mà không bắn hạ?

Lầu Năm Góc đang theo dõi thiết bị nghi là khí cầu do thám của Trung Quốc di chuyển vào khu vực phía bắc nước Mỹ trong vài ngày qua.

Đã tính đến bắn hạ khí cầu

Ngày 2/2, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết: “Chúng tôi cho rằng đây là khí cầu do thám tầm cao của Trung Quốc. Một số trường hợp tương tự từng được ghi nhận trong vài năm trở lại đây, bao gồm thời điểm trước chính quyền đương nhiệm của Mỹ”.

Quan chức quốc phòng của Mỹ thông tin thêm khí cầu hiện đang di chuyển ở độ cao không gây ảnh hưởng tới hoạt động giao thông hàng không thương mại, không tiềm ẩn nguy cơ về quân sự hoặc đe dọa tính mạng người dân trên mặt đất.

Ông Ryder cũng cho biết dựa trên tuyến đường di chuyển hiện tại, khí cầu có thể đi qua “một số địa điểm nhạy cảm”, nhưng thiết bị không gây ra nguy cơ thu thập thông tin tình báo đáng kể. Trên thực tế, Lầu Năm Góc đánh giá khí cầu có giá trị hạn chế trong khả năng thu thập thông tin tình báo.

img

Thiết bị nghi là khí cầu do thám của Trung Quốc bay trên bầu trời bang Montana, Mỹ ngày 1/2. Ảnh - AP

Ông Ryder cho hay Chính phủ Mỹ đã liên hệ với Chính phủ Trung Quốc thông qua Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington và phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc về vấn đề này. Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa phản hồi trước đề nghị đưa ra bình luận về thông tin trên.

Theo một quan chức cấp cao thuộc chính quyền Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã được báo cáo về sự việc và yêu cầu giới chức quân đội Mỹ đề xuất giải pháp.

Hãng tin CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao nước này cho biết quân đội Mỹ từng cân nhắc phương án bắn hạ khí cầu tại sân bay Billings, bang Montana vào ngày 1/2.

Để thực hiện nhiệm vụ, quân đội Mỹ sẽ cần phối hợp với cơ quan quản lý hàng không dân sự để đảm bảo không phận xung quanh khu vực bắn hạ khí cầu không có máy bay hoạt động.

Tuy nhiên, một số tướng lĩnh quân đội cấp cao của Mỹ, bao gồm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đã khuyến nghị không nên bắn rơi khí cầu do lo ngại mảnh vỡ có thể đe dọa an toàn của dân thường dưới mặt đất. Quan chức Mỹ cũng nhận định khí cầu không tiềm ẩn nguy cơ về quân sự và chính quyền Mỹ đã lập tức hành động để ngăn chặn khả năng thu thập các thông tin nhạy cảm.

Cuối cùng, Tổng thống Biden đã chấp thuận phương án không bắn hạ khí cầu. Tuy nhiên, quan chức quốc phòng Mỹ cũng cho biết trong trường hợp mức độ rủi ro gia tăng, Mỹ sẽ cân nhắc các phương án để xử lý phương tiện này.

Bên cạnh đó, cùng ngày, Bộ Quốc phòng Canada ra thông báo cho biết bộ này đang theo dõi vụ việc liên quan tới một khinh khí cầu do thám được cho là của Trung Quốc sau khi khinh khí cầu này được phát hiện bay qua Bắc Mỹ.

Khí cầu do thám là gì?

Theo hãng tin Reuters, việc sử dụng khí cầu tầm cao để do thám và thực hiện các nhiệm vụ quân sự khác là cách làm có từ giữa thế kỷ trước.

Trong Thế chiến thứ II, quân đội Nhật Bản đã tìm cách đưa bom cháy vào trong lãnh thổ của Mỹ bằng cách sử dụng khí cầu.

Lúc đó, không có mục tiêu quân sự không bị ảnh hưởng nhưng nhiều dân thường đã bị thiệt mạng khi một trong số khí cầu đó rơi trong rừng Oregon.

Ngay sau Thế chiến II, quân đội Mỹ bắt đầu khai thác sử dụng khí cầu do thám tầm cao thực hiện một loạt nhiệm vụ quy mô lớn được gọi là Project Genetrix trong đó đưa khí cầu bay qua lãnh thổ của Liên bang Xô-Viết trong những năm 50 của thế kỷ trước.

Những khí cầu kiểu này thường vận hành ở độ cao 24.000 – 37.000m, bên trên khu vực máy bay thương mại sử dụng. Các máy bay thương mại thường bay dưới 12.000m.

Máy bay chiến đấu thường vận hành ở khoảng 65.000 feet (khoảng 19.000m) dù máy bay do thám như U-2 có thể hoạt động ở mức cao nhất là 80.000 feet (khoảng 24.000m) hoặc hơn.

Lợi thế của khí cầu do thám so với vệ tinh đó là khả năng có thể quan sát trên vùng đất rộng từ khoảng cách gần hơn và có thể dành nhiều thời gian đối với 1 khu vực là mục tiêu chính, theo báo cáo năm 2009 của Đại học Tham mưu và Chỉ huy thuộc Không lực Mỹ.

Không giống như vệ tinh đòi hỏi các bệ phóng vũ trụ trị giá hàng trăm triệu USD, khí cầu có thể được triển khai với chi phí thấp hơn.

Việc điều khiển khí cầu không được thực hiện trực tiếp mà có thể được hướng dẫn tới khu vực đích bằng cách điều chỉnh độ cao để tận dụng các luồng gió khác nhau, theo nghiên cứu năm 2005 của một viện nghiên cứu thuộc Không lực Mỹ.

Vụ khí cầu do thám nghi của Trung Quốc di chuyển vào khu vực phía bắc nước Mỹ trong vài ngày qua không phải là lần đầu tiên có sự việc như vậy. Nhiều năm gần đây, kể cả trước thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, quân đội Mỹ cũng đã theo dõi nhiều khí cầu do thám khác - theo một quan chức quốc phòng cấp cao khác của Mỹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.