Hồ sơ tài liệu

Vì sao Mỹ sợ ứng dụng Tik Tok của Trung Quốc?

29/11/2019, 07:30

Sau thương vụ thu mua, ByteDance đã xoá sổ Musical.ly và tạo ra TikTok.

img
Ứng dụng Tik Tok đang ngày càng nổi tiếng tại Mỹ

Tik Tok là một ứng dụng trên điện thoại di động phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc và đang lan ra cả thế giới, trong đó có Mỹ với 122 triệu lượt người tải dùng. Tuy nhiên, ứng dụng giải trí tưởng chừng vô hại này lại thu hút sự chú ý của Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ - một tổ chức chuyên giám sát an ninh quốc gia về hoạt động thu mua các công ty nội địa.

Là công cụ phục vụ chính trị

Theo National Interest, Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) chú ý tới ByteDance - chủ sở hữu Trung Quốc của ứng dụng Tik Tok liên quan tới thương vụ mua bán công ty Musical.ly. Cho đến thời điểm này mọi chi tiết liên quan tới cuộc điều tra vẫn đang được giữ kín do đó càng thu hút sự chú ý từ dư luận về lý do ByteDance bị lọt vào tầm ngắm của CFIUS.

ByteDance được thành lập năm 2012, có trụ sở tại Bắc Kinh đã mua lại công ty Musical.ly (đặt tại Thượng Hải) vào năm 2017 với giá 1 tỉ USD. Musical.ly có một văn phòng tại Santa Monica, California, từng hút lượng lớn người theo dõi tại Mỹ và có khoảng 60 triệu người dùng tích cực mỗi tháng trên toàn cầu.

Sau thương vụ thu mua, ByteDance đã xoá sổ Musical.ly và tạo ra TikTok. Hiện tại, ByteDance đã sở hữu lượng lớn ứng dụng về giải trí và tin tức, từng đàm phán với các nhà đầu tư để tăng vốn huy động, giúp làm tăng giá trị công ty lên khoảng 75 tỉ USD, từ đó phát triển thành một trong những công ty khởi nghiệp công nghệ có giá trị nhất trên thế giới.

Mới đây, một nhóm Thượng Nghị sĩ của Mỹ đã lên tiếng cảnh báo sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Tik Tok đối với trẻ vị thành niên của Mỹ cũng như sự hiện diện của ứng dụng này trên thị trường Mỹ.

Trong thư cảnh báo, Thượng Nghị sĩ Chuck Schumer và Tom Cotton cảnh báo rằng, Tik Tok bị chính phủ Trung Quốc giới hạn và có thể buộc phải ủng hộ cũng như hợp tác với các hoạt động tình báo của chính phủ nước này.

Thượng Nghị sĩ Marco Rubio cũng cho rằng, Tik Tok là một “công cụ” chính trị của chính quyền Trung Quốc.

Thực tế, ứng dụng giải trí này lại đặt ra nhiều thách thức chính sách phức tạp tại Mỹ. Trong đó, theo National Interest, một trong những vấn đề mới đáng chú ý nhất được đặt ra lúc này đó là: Việc Tik Tok độc lập hay chịu sự ảnh hưởng của hệ thống kiểm duyệt mạng toàn diện của Trung Quốc có ảnh hưởng gì tới an ninh quốc gia Mỹ?

Nhiều nhà phê bình chỉ trích, Tik Tok phải tuân theo việc kiểm duyệt của “Vạn lý trường thành lửa” tại Trung Quốc, thể hiện rõ khi gần như không có bất cứ thông tin nào liên quan tới cuộc biểu tình rầm rộ tại Hong Kong lúc này.

Để phản bác, Tik Tok đang tập hợp một đội vận động hành lang mạnh tại Washington, cực lực phủ nhận những chỉ trích trên. Trong đó, Tổng giám đốc Tik Tok tại Mỹ Vanessa Pappas tranh luận, mặc dù ứng dụng này đang gặp phải nhiều nút thắt cần tháo gỡ vì sự phát triển nhanh tại thị trường Mỹ nhưng những người hoạch định nội dung Mỹ sẽ điều tiết các nội dung cho thị trường này và không chịu ảnh hưởng từ Bắc Kinh.

Theo bà Vanessa Pappas, mô hình kinh doanh của Tik Tok là lĩnh vực giải trí chứ không bao gồm các xu hướng chính trị như trên YouTube và Facebook.

Bà cũng khẳng định, “các giám đốc điều hành của Tik Tok tại Bắc Kinh luôn đảm bảo giữ đúng mức độ độc lập cao và toàn diện trong các quyết định như kiểm duyệt nội dung”.

Tuy nhiên, qua nhiều cuộc phỏng vấn với một số cựu nhân viên Tik Tok của Mỹ, tờ The Washington Post cho rằng, các quyết định và chỉ đạo thực tiễn lại đến từ công ty mẹ có trụ sở ở Bắc Kinh.

Phản bác về thông tin này, bà Pappas khẳng định: Các hoạt động đó đã thay đổi và ByteDance hiện tại hiểu họ có thể quản lý tốt mà không cần ban điều hành từ cách xa 10.000km và cho phép ban quản lý tại Mỹ tự ra quyết định.

Song, theo các chuyên gia Trung Quốc, dù hiện tại ra sao, cơ quan kiểm duyệt thông tin của Bắc Kinh vẫn sẽ can thiệp bất cứ lúc nào nếu họ nhận thấy có gây ảnh hưởng tới Đảng cộng sản Trung Quốc.

Nguy cơ nhiều công nghệ Trung Quốc bị “sờ gáy”

Những vấn đề kể trên có lẽ chính là lý do vì sao Tik Tok lọt vào tầm ngắm của CFIUS. ByteDance vẫn chưa thông qua CFIUS trong thương vụ mua bán năm 2017 với Musical.ly nhưng CFIUS hoàn toàn có quyền can thiệp ngay cả khi vụ sáp nhập đã hoàn tất.

Trong một bài phát biểu gần đây, CEO Facebook Mark Zuckerberg cũng đề cập tới Tik Tok khi bàn đến vấn đề kiểm duyệt tại Trung Quốc. Nếu quyết định của CFIUS nằm ở công tác kiểm duyệt thì có lẽ cơ quan giám sát này của Mỹ đã động đến một vùng đất mới.

Thực tế, từ nhiều năm nay, CFIUS đã và đang mở rộng tầm ngắm cũng như lý do can thiệp đến các công ty nước ngoài tại Mỹ, không chỉ bó hẹp trong một số quy trình và kỹ thuật. Chẳng hạn, năm 2018, CFIUS đã phủ quyết thương vụ thu mua MoneyGram của công ty Ant Financial thuộc Trung Quốc vì lo ngại chính phủ Bắc Kinh có thể nhận được quyền tiếp cận các thông tin tài chính của người dân Mỹ.

Tương tự, CFIUS cũng buộc công ty công nghệ Beijing Kunlun phải bán ứng dụng Grindr (mạng xã hội lớn nhất dành cho người gay, lesbian….) vì lo ngại dữ liệu từ ứng dụng hẹn hò này có thể bị sử dụng để tống tiền hoặc trích xuất thông tin công dân và quan chức chính phủ Mỹ.

Theo luật Mỹ, CFIUS không bắt buộc phải giải thích kỹ càng về lý do đưa ra quyết định điều tra và phủ quyết nhưng nếu phải đưa ra phán quyết liên quan tới việc Tik Tok phải tuân theo sự kiểm duyệt từ chính phủ Trung Quốc, CFIUS cần phải dựa trên một loạt các tiêu chí an ninh quốc gia, có thể liên quan rất nhiều tới các giao dịch và dữ liệu trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tờ National Interest dẫn lời một chuyên gia luật cho rằng: Đây là vùng đất mới với CFIUS và chắc chắn sẽ có rất nhiều công ty truyền thông xã hội khác lọt vào tầm ngắm nhưng nếu đưa ra quyết định, họ cần phải làm thực sự mạnh mẽ, có tính răn đe.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.