Hồ sơ tài liệu

Vì sao NATO coi Trung Quốc là “thách thức”?

18/06/2021, 13:30

Đây là bước đi mà NATO đã thận trọng “lấy đà” từ rất lâu và được cho là chịu áp lực không nhỏ từ phía Mỹ.

img

Hội nghị thượng đỉnh NATO đầu tiên mà Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia và phát biểu

Đầu tuần này, khối liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thực hiện động thái chưa từng có tiền lệ, đó là ra thông cáo chung với nội dung thể hiện rõ thái độ chuyển hướng chiến lược, đặc biệt với Trung Quốc. Đây là bước đi mà NATO đã thận trọng “lấy đà” từ rất lâu và được cho là chịu áp lực không nhỏ từ phía Mỹ.

Hai năm chuẩn bị

Sự cẩn trọng của NATO thể hiện rõ trong câu chữ được sử dụng trong thông cáo chung sau Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels, Bỉ.

30 lãnh đạo trong khối đã vạch rõ Trung Quốc là “thách thức” mang tính hệ thống với “trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp” và NATO cần cùng nhau đối phó với thách thức từ Trung Quốc như một liên minh.

Còn với họ, Nga vẫn là “mối đe dọa” an ninh tại châu Âu - Đại Tây Dương. Như vậy, NATO đã phân biệt hai bên với hai từ “thách thức” và “mối đe dọa”.

Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) đánh giá, đây là tuyên bố chống lại Trung Quốc chưa từng có trong tiền lệ của NATO. Global Times cho rằng, việc đưa ra tuyên bố này không phải là mong muốn của toàn bộ các thành viên trong khối mà chủ yếu là thuận theo sự vận động và gây áp lực từ phía Mỹ.

Trong bài viết đăng tải trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), ông Pierre Morcos, nghiên cứu sinh của chương trình châu Âu, Nga, Á - Âu của CSIS chỉ ra, từ năm 2019, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra vấn đề Trung Quốc và gây áp lực buộc khối quân sự này có hành động đáng kể.

Qua các hội nghị từ năm 2019 đến nay, NATO bắt đầu chấp nhận “đánh giá tổng thể” những vấn đề tiềm ẩn với khối liên minh xuyên Đại Tây Dương khi Trung Quốc trỗi dậy, sau đó, thông qua một báo cáo mật về nguy cơ an ninh. Cũng trong năm 2019, NATO bắt đầu tăng cường sử dụng cụm từ địa chính trị với Bắc Kinh, coi nước này là “đối thủ có hệ thống”.

Đến tháng 12/2019, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở London (Anh), Tổng thư ký của khối Jens Stoltenberg nhấn mạnh, khối quân sự này cần phải chấp nhận một điều: Trung Quốc chính là thách thức mới với NATO.

Từ đây, lần đầu tiên, khối quân sự đã đề cập đến Trung Quốc trong tuyên bố của NATO, nhấn mạnh “các chính sách quốc tế và ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc mang đến cả cơ hội và thách thức mà NATO cần phải cùng nhau giải quyết”.

Cuối cùng, tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, NATO đã chính thức mô tả Bắc Kinh “là thách thức có hệ thống”, đánh dấu một sự chuyển hướng chiến lược, đó là dành sự tập trung sang Trung Quốc hơn là nhắm đến Nga như mục đích thành lập ban đầu của khối.

Theo truyền thông quốc tế, người có thái độ quyết liệt và mạnh mẽ nhất với Bắc Kinh khi phát biểu trong sự kiện lần này là Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong khi, nhiều lãnh đạo khác trong khối đều đưa ra các thông điệp “vừa đấm, vừa xoa” với Trung Quốc vì dường như không muốn bị kéo quá sâu vào đối đầu với Bắc Kinh.

Điển hình, Tổng thư ký NATO thừa nhận rằng, Trung Quốc đặt ra thách thức với an ninh của khối nhưng ông khẳng định “nước này không phải là đối thủ hay kẻ thù của chúng tôi”.

Thủ tướng Anh Boris Johnsons cũng nhấn mạnh, NATO nhìn thấy nhiều cơ hội trong quan hệ với Trung Quốc và rằng “không ai trên bàn thảo luận ngày hôm nay muốn Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc”.

Thách thức từ các dự án Trung Quốc đang kiểm soát

Phía Trung Quốc rất chú trọng đến thái độ của NATO bởi về bản chất đây là khối liên minh quân sự, không giống như nhóm các nền công nghiệp lớn nhất thế giới G7. Tuyên bố chung của sự kiện này sẽ là điểm mấu chốt trong thái độ của EU và Mỹ với Trung Quốc trên bình diện an ninh.

Khi coi Trung Quốc là thách thức, NATO đã chỉ ra một số yếu tố như: Trung Quốc nhiều lần tham gia tập trận chung với Nga; thiếu minh bạch và dùng chiêu trò thông tin sai lệch; Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân rất nhanh; hiện đại hóa quân đội và chiến lược kết hợp dân quân một cách công khai.

Song, thực tế, so với Nga - “mối đe dọa” chính của NATO, những vấn đề trên của Trung Quốc gần như ít ảnh hưởng tới NATO. Sự ảnh hưởng về an ninh của Trung Quốc với NATO là gián tiếp từ các hoạt động đầu tư kinh tế của nước này với các thành viên trong khối, cũng theo phân tích của ông Pierre Morcos trên CSIS.

Ông Morcos chỉ ra, hiện tại, Trung Quốc đang đầu tư vào hạ tầng chiến lược trên khắp châu Âu từ hệ thống viễn thông cho đến các hạ tầng cảng biển. Xu hướng này có thể làm suy yếu năng lực của NATO khi phản ứng với các khủng hoảng quốc tế về mặt ngoại giao hoặc quân sự nếu cần thiết.

Hay việc Trung Quốc đang là chủ sở hữu chính của khoảng 10% năng lực cảng tại châu Âu, đầu tư tích cực vào đường bộ, đường sắt dân sinh tại Đông Âu, có thể làm phức tạp hóa khả năng sẵn sàng và điều động quân sự của NATO trong trường hợp khẩn nguy.

Hơn nữa, một số nước thành viên trong khối còn sử dụng trang thiết bị của Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei vào hệ thống 5G. Điều này đặt ra quan ngại, NATO có thể bị phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.

Đồng thời Bắc Kinh còn nâng quan hệ kinh tế chặt chẽ với một số nước trong NATO thông qua “Sáng kiến Vành đai, Con đường” từ đó có thể làm xói mòn mối liên kết và đồng thuận của liên minh trong nỗ lực chỉ trích Bắc Kinh về nhân quyền...

Về phía Trung Quốc, nước này cho rằng, những lý do mà NATO đưa ra là cường điệu hóa và một số thách thức chỉ đơn thuần là khái niệm, không phải là đúc kết hoặc chắt lọc từ việc EU thực sự bị đe dọa.

Theo Bắc Kinh, hầu hết các nước thành viên NATO đều muốn giải quyết những khác biệt với Trung Quốc thông qua phương thức chính trị và ngoại giao. Theo Global Times, NATO có thể là lực lượng hỗ trợ ngoại biên với Mỹ nhằm gây áp lực lên Trung Quốc.

Nhưng theo báo Trung Quốc, mục đích cuối cùng của cả NATO nói chung hay Washington nói riêng sẽ chỉ dừng ở gây áp lực nhằm kiềm chế sự phát triển của Bắc Kinh chứ không nhằm đối đầu quân sự khi Trung Quốc cũng là một cường quốc hạt nhân.

Đại sứ quán Trung Quốc tại EU lên tiếng

Ngay sau khi NATO công bố thông cáo chung, Đại sứ quán Trung Quốc tại Liên minh châu Âu đã đăng bài viết phản ứng trên trang web của cơ quan này, kêu gọi NATO dừng ngay hành động thổi phồng “lý thuyết mối đe dọa Trung Quốc”. Đồng thời chỉ trích phát ngôn của NATO đã vu khống về sự trỗi dậy hòa bình của Bắc Kinh, đánh giá sai lầm về tình hình quốc tế, cho thấy một trạng thái tâm lý Chiến tranh lạnh.

Cơ quan ngoại giao của Bắc Kinh tuyên bố rằng, Trung Quốc luôn cam kết phát triển hòa bình, “không đặt ra thách thức mang tính hệ thống với bất cứ ai. Nhưng nếu có người muốn đặt thách thức hệ thống với chúng tôi, chúng tôi sẽ có thái độ khác”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.